Mở rộng nhiều hình thức đào tạo nghề

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa đề xuất với Chính phủ triển khai Chương trình cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (gọi tắt là chương trình đào tạo cao đẳng 9+), đồng thời khuyến khích các trường trung cấp, cao đẳng xây dựng chương trình, tổ chức tuyển sinh đào tạo học sinh tốt nghiệp THCS.

Sinh viên Trường cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên (Vĩnh Phúc) học tập theo mô hình đào tạo Kosen. Ảnh: ANH HÀO

Chương trình đào tạo được thiết kế chặt chẽ, linh hoạt, kéo dài từ 3 đến 5 năm tùy theo ngành nghề, bảo đảm người học có thể học liên tục theo các giai đoạn của chương trình hoặc dừng học để tham gia thị trường lao động với trình độ tương ứng với quá trình học tập. Ðây được coi là giải pháp tạo cơ hội thuận lợi cho người học, đẩy mạnh định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025.

Trong giai đoạn 2012-2016, Bộ Công thương đã hợp tác với tổ chức JICA đào tạo thí điểm theo mô hình kỹ sư thực hành chất lượng cao Kosen của Nhật Bản tại một số trường cao đẳng. Năm 2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ hợp tác với Nhật Bản triển khai rộng rãi mô hình Kosen nhằm đa dạng hình thức đào tạo. Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hệ thống giáo dục nghề nghiệp để bảo đảm chất lượng, nghiêm cấm và buộc dừng các chương trình đào tạo kém; xây dựng hệ thống đào tạo thí điểm có chất lượng cao, gắn với doanh nghiệp để sau khi tốt nghiệp, người học có công việc tốt, mức lương cao.

* Điện Biên thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

Ước tính đến nay, tỉnh Ðiện Biên có khoảng 48.000 hộ nghèo (chiếm 37,46%), giảm 10,69% so năm 2015. GDP bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 26,7 triệu đồng, tăng 15,8% so năm 2015.

Trong giai đoạn 2015 - 2018, tổng nguồn vốn thực hiện các chương trình giảm nghèo của tỉnh Ðiện Biên là hơn 9.300 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng, vốn sự nghiệp gần 4.000 tỷ đồng. Tỉnh đã thực hiện có hiệu quả các chính sách về hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất và chuyển đổi ngành nghề, phát triển nguồn nhân lực. Cụ thể, hỗ trợ nhà ở cho hơn 3.000 hộ dân; duy trì và tạo việc làm thường xuyên cho hơn 300 nghìn lao động, tạo việc làm mới cho hơn 30 nghìn người. Thông qua Quỹ Vì người nghèo, tỉnh Ðiện Biên đã vận động, ủng hộ được gần 4,5 tỷ đồng.

Ðể thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững, thời gian tới, tỉnh Ðiện Biên sẽ tiến hành rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm; chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, làm cơ sở xác định nguyên nhân, nhóm đối tượng nghèo để đề ra giải pháp phù hợp với thực tế. Cùng với đó, tỉnh tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các huyện nghèo, xã nghèo, tạo điều kiện để người nghèo mở rộng sản xuất, tiếp cận thị trường tiêu thụ hàng hóa…

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37618302-mo-rong-nhieu-hinh-thuc-dao-tao-nghe.html