Mở rộng mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao

Với mục tiêu khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho nông dân, Hà Nội đã tập trung ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất rau màu... Thành công từ các cách làm này đang tạo tiền đề quan trọng để ngành Nông nghiệp Thủ đô, các địa phương tiếp tục mở rộng nhiều mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố.

Mô hình trồng rau, củ, quả công nghệ cao của hộ gia đình ông Bùi Văn Trung, xã Hồng Quang (huyện Ứng Hòa) cho thu nhập cao.

Trên diện tích hơn 5ha đất, Hợp tác xã Rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý tại xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) đã đầu tư khoảng 8.000m2 nhà màng, nhà lưới trồng các loại rau hữu cơ có giá trị kinh tế cao như: Cà chua bi đỏ, cà chua bi vàng, rau cải, rau dền, bông hẹ...

Giám đốc Hợp tác xã Rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý Đặng Thị Cuối chia sẻ: “Nhờ áp dụng phương pháp canh tác theo công nghệ cao, toàn bộ quy trình sản xuất rau hữu cơ không sử dụng thuốc và phân bón hóa học, hạn chế nhân công lao động, hạn chế tác động bất lợi của thời tiết, năng suất cao, bảo đảm chất lượng nên được thị trường ưa chuộng. Thời gian tới, Hợp tác xã tiếp tục chuyển giao công nghệ sản xuất hiện đại này cho nông dân để cùng phát triển sản xuất”.

Tương tự, với việc chuyên canh rau an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thượng (xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa) mạnh dạn xây dựng công trình trồng rau trong nhà kính diện tích 5.000m2, tổng kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng (trong đó, huyện hỗ trợ 70%, xã viên đóng góp 30%). Công trình được thiết kế hiện đại, đồng bộ, tự động, sử dụng hoàn toàn phân bón sinh học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thượng cho hay, từ hiệu quả của mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn xã, thời gian tới, Hợp tác xã sẽ mở rộng gấp đôi diện tích.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, trong lĩnh vực trồng trọt, tại các vùng trồng rau của Hà Nội đã có 127ha nhà lưới, 47ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Ngoài các mô hình điển hình nêu trên còn có mô hình sản xuất rau thủy canh của hộ gia đình ông Nguyễn Mạnh Hồng ở xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì); mô hình trồng rau, củ, quả công nghệ cao của hộ gia đình ông Bùi Văn Trung, xã Hồng Quang (huyện Ứng Hòa)...

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương thông tin, hiện toàn thành phố Hà Nội có tổng diện tích canh tác rau đạt 12.000ha, chủng loại phong phú với trên 40 loại; sản lượng rau đạt gần 700.000 tấn/năm. Giai đoạn 2020-2025, ngành Nông nghiệp Hà Nội đặt mục tiêu sản xuất rau an toàn đạt 12.000ha...

Ngoài khuyến khích xây dựng các mô hình trồng rau công nghệ cao toàn phần, khép kín, Hà Nội vận động nông dân, các hợp tác xã áp dụng công nghệ từng phần như tưới tiết kiệm; sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu...

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, để thực hiện mục tiêu mở rộng các mô hình rau ứng dụng công nghệ cao đạt từ 20% diện tích trở lên, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức trong cộng đồng về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành rau, củ các loại...

Mặt khác, các cơ quan có thẩm quyền sẽ ban hành cơ chế thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, trong đó quan tâm đến chính sách đất đai cho các doanh nghiệp, hợp tác xã "đầu tàu" về sản phẩm chủ lực; từ đó, tạo điều kiện dẫn dắt, thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có lĩnh vực trồng rau trên địa bàn thành phố.

Bạch Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/982680/mo-rong-mo-hinh-trong-rau-ung-dung-cong-nghe-cao