Mở rộng kết nối để phát triển du lịch ở An Giang

Thời gian gần đây, An Giang được xem là một trong những địa phương phát triển du lịch mạnh nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhất là du lịch tâm linh.

Tận dụng lợi thế về thế núi-dáng sông cùng quần thể danh lam thắng cảnh nổi tiếng mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng, như: Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, Lăng Thoại Ngọc Hầu, Tây An cổ tự, chùa Hang, Thiên Cấm Sơn, Anh Vũ Sơn, đồi Tức Dụp, Búng Bình Thiên... An Giang đang phát huy hiệu quả từ du lịch tâm linh.

Nhắc đến du lịch tâm linh ở An Giang, nhiều người nghĩ ngay đến Châu Đốc, một thành phố nằm bên bờ sông Hậu có nhiều di tích lịch sử-văn hóa được xếp hạng. Nổi bật trong các không gian văn hóa tâm linh tại đây là quần thể di tích núi Sam được xem là một trong hai trung tâm du lịch nổi bật của tỉnh An Giang, đặc biệt là sự kiện gắn liền với các lễ hội có sức ảnh hưởng rất lớn, như Lễ hội vía Bà Chúa Xứ tổ chức từ ngày 22 đến 27-4 (âm lịch) hằng năm, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm. Số liệu thống kê cho thấy, lượng khách du lịch đến An Giang năm sau đều cao hơn năm trước. Nếu năm 2010 có 4,5 triệu lượt khách thì năm 2018 có hơn 8,5 triệu lượt khách đến với An Giang.

Một gốc trong không gian Chùa Hang (núi Sam, TP Châu Đốc, An Giang)

Không chỉ có Châu Đốc, trên cung đường du lịch khép kín: Thoại Sơn-Long Xuyên-Châu Đốc-Tịnh Biên-Tri Tôn, có thể xem Thoại Sơn là vệ tinh quan trọng trong chuỗi du lịch của tỉnh An Giang. Tài nguyên du lịch tâm linh của tỉnh được tập trung vào cụm núi Sập và cụm núi Ba Thê. Theo đó, núi Sập có lợi thế là khu vực Lòng Hồ, đình thần Thoại Ngọc Hầu và gần 30 ngôi chùa xung quanh thị trấn Núi Sập. Cụm núi Ba Thê nổi bật với di chỉ khảo cổ của nền văn hóa Óc Eo-Ba Thê, Linh Sơn tự… Bên cạnh đó, việc khởi công xây dựng Thiền viện Trúc Lâm An Giang (tọa lạc tại khu du lịch Lòng Hồ số 2, ấp Đông Sơn 1, thị trấn Núi Sập) vào cuối năm 2017 mở ra cơ hội lớn cho địa phương thúc đẩy, phát triển du lịch tâm linh.

Mặc dù có nhiều lợi thế, song trong một nghiên cứu gần đây, PGS, TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, chỉ rõ những điểm nghẽn mà An Giang cần khắc phục: “Môi trường tự nhiên tại các điểm du lịch tâm linh bị ô nhiễm đáng báo động; một số nơi chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh tối thiểu cho khách. Tại các điểm du lịch tâm linh, hoạt động vui chơi giải trí chưa phong phú, thậm chí trong các lễ hội tôn giáo, phần “lễ” rất được chú trọng, trong khi, phần “hội” lại thiếu sự quan tâm. Vì thế, du khách không có nhiều lựa chọn và tham gia hoạt động vui chơi giải trí. Đây cũng là nguyên nhân khiến du khách không muốn lưu lại lâu tại các điểm du lịch”.

Với quyết tâm đưa An Giang trở thành trung tâm du lịch tâm linh của cả vùng ĐBSCL, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh An Giang từng bước khai thông điểm nghẽn, trong đó chú trọng đến việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch An Giang. Ông Cao Xuân Bá, Chủ tịch UBND TP Châu Đốc, cho biết: "Thành phố đang tập trung các thế mạnh sẵn có để phát triển du lịch tâm linh. Đặc biệt, Khu công viên văn hóa núi Sam có tượng Phật Thích Ca cao 81m cùng quần thể tượng Phật với kỳ vọng hình thành điểm tham quan du lịch tâm linh trọng điểm của cả nước. Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống cáp treo núi Sam đưa du khách lên đỉnh núi nơi tượng Bà Chúa Xứ trước kia ngự sẽ tạo ra nhiều nét hấp dẫn du khách. Cùng với đó, UBND thành phố sẽ đa dạng hóa các loại hình du lịch thu hút khách đến tham quan. Mục tiêu từ nay đến năm 2020, mỗi năm lượng khách đến với thành phố tăng trung bình 8,1%...".

Theo ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: Hiện, UBND tỉnh đang phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương hoàn thành hồ sơ Khu di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo-Ba Thê, trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Tăng cường thu hút, mời gọi đầu tư trong đó tập trung vào cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ. Tỉnh đẩy mạnh đầu tư các cơ sở phục vụ du khách với gần cả trăm khách sạn và hơn 51 nhà hàng đạt tiêu chuẩn; phát triển hệ thống cáp treo Núi Cấm, Công viên văn hóa Núi Sam…. Đồng thời, tỉnh cũng tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: Bảo đảm trật tự an toàn xã hội; thực hiện hiệu quả bộ quy tắc ứng xử trong du lịch; tiếp tục phối hợp triển khai tập huấn, hướng dẫn cách làm du lịch cộng đồng cho người dân, tập huấn kỹ năng và “văn hóa bán hàng…

Đề cập tới chiến lược phát triển du lịch mà cụ thể là du lịch tâm linh tại An Giang trong thời gian tới, người đứng đầu UBND tỉnh cho biết, Châu Đốc sẽ được quy hoạch thành khu du lịch tâm linh tập trung. "Theo đó, chúng tôi sẽ xem xét ý kiến đề xuất của chuyên gia du lịch, PGS Guillaume Van Grinsven (Hà Lan) là cần phục hồi không khí linh thiêng quanh Miếu Bà và tạo điều kiện cho du khách có thể trải nghiệm không khí của tuần lễ Vía Bà vào bất cứ thời gian nào trong năm. Điều này đồng nghĩa với việc giảm bớt những cửa hàng bán đồ lưu niệm và nhà hàng, cải tạo một số khu vực giao thông trở thành phố đi bộ. Không khí trang nghiêm cũng có thể đạt được bằng cách mở nhạc êm dịu từ các loa phát thanh. Tập trung phát triển khu du lịch quốc gia núi Sam trong không gian kết nối với TP Châu Đốc và các tiềm năng du lịch quan trọng khác của tỉnh An Giang; chú trọng liên kết với các địa phương thuộc vùng ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh và kết nối với Campuchia qua các cửa khẩu quốc tế của An Giang. Qua đó, đưa TP Châu Đốc và các điểm du lịch lân cận trở thành điểm đến quan trọng của vùng ĐBSCL và cả nước”, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh.

THÚY AN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/mo-rong-ket-noi-de-phat-trien-du-lich-o-an-giang-558326