Mở rộng diện tích trồng hoa thâm canh

Với hiệu quả kinh tế hàng trăm triệu đồng mỗi năm, mô hình trồng hoa thâm canh đang được người dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh lựa chọn để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đồng thời, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng, chăm sóc hoa, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng diện tích đất canh tác.

Mô hình trồng hoa của gia đình anh Lê Quang Ngọc, thôn Tuyên Hóa, xã Đông Khê (Đông Sơn).

Theo chân anh cán bộ nông nghiệp UBND xã Đông Khê (Đông Sơn), chúng tôi đến thăm mô hình trồng hoa của gia đình anh Lê Quang Ngọc, thôn Tuyên Hóa, người đã có thâm niên hơn 20 năm trong nghề trồng hoa. Vừa vun đất, chăm sóc vụ hoa cuối cùng trong năm để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, anh Ngọc chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi có 5 sào đất để sản xuất lúa, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Được sự khuyến khích của xã, tôi đã quyết tâm vay vốn đầu tư, chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả để trồng hoa. Ban đầu, tôi chỉ trồng các giống hoa dễ chăm sóc như đồng tiền, hoa hồng,... sau đó nghiên cứu thị trường, kỹ thuật rồi mạnh dạn mở rộng diện tích trồng thêm hoa ly, hoa cúc... và đầu tư xây dựng nhà lưới. Theo anh Ngọc, việc đầu tư xây dựng nhà lưới tuy vốn đầu tư cao nhưng rất thuận lợi cho người trồng trong việc chăm sóc hoa, mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định; nhất là, có thể trồng quanh năm với nhiều loại hoa khác nhau, đáp ứng nhu cầu thị trường theo từng thời điểm. Bên cạnh đó, tùy theo đặc tính mỗi loài hoa để áp dụng phương pháp thắp đèn cũng như áp dụng những kỹ thuật khác nhau giúp cây hoa phát triển, thân cây thẳng, nở bông to và đúng dịp tết... Hiện, để chuẩn bị hoa cho thị trường Tết Nguyên đán, anh Ngọc đang trồng 1 vạn cây hoa đồng tiền, 5.000 gốc lay ơn, 7.000 gốc hoa ly... Hằng năm, doanh thu của gia đình anh từ 600 đến 720 triệu đồng. Tại xã Đông Khê, UBND xã đã khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích đất canh tác. Ông Lê Lệnh Hà, Chủ tịch UBND xã Đông Khê, cho biết: Thấy được hiệu quả từ mô hình trồng hoa theo hướng thâm canh, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã đầu tư xây dựng nhà lưới trồng hoa, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, mở rộng diện tích đầu tư thâm canh các loại hoa có giá trị phù hợp với điều kiện của địa phương. Hiện nay, trên địa bàn xã có 16 hộ trồng hoa, với doanh thu ổn định từ 300 triệu đồng trở lên/hộ/năm.

Thực hiện định hướng phát triển diện tích trồng hoa, cây cảnh, những năm qua, huyện Triệu Sơn đã tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp, đất vườn tạp sang trồng hoa, cây cảnh. Nhất là, khuyến khích người dân đầu tư ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa. Thông qua việc thực hiện các giải pháp, đến nay, toàn huyện đã phát triển được hơn 80 ha trồng hoa, cây cảnh, tập trung ở các xã, như: Hợp Lý, Thọ Tân, Dân Lực... Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Triệu Sơn, việc trồng hoa, cây cảnh đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; theo ước tính doanh thu của các hộ trồng hoa, cây cảnh có thể đạt từ 600 đến 800 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 15 đến 20 lần so với trồng lúa.

Để phát triển diện tích trồng hoa theo hướng thâm canh, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những loại hoa có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, nhiều địa phương cũng ban hành chính sách hỗ trợ riêng đối với diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có diện tích trồng hoa trong nhà lưới. Bên cạnh đó, khuyến khích các hộ mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, lắp đặt nhà màng, hệ thống tưới nước phun sương và nhỏ giọt để trồng hoa thâm canh theo hướng công nghệ cao. Tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật, phổ biến kinh nghiệm trồng và chăm sóc hoa. Đồng thời, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh hoa để nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm. Qua đó, đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 340 ha trồng hoa thâm canh, tập trung tại các huyện: Đông Sơn, Triệu Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa và TP Thanh Hóa.

Hoa là một sản phẩm vừa mang giá trị tinh thần lại vừa mang hiệu quả kinh tế cao. Nghề trồng hoa không chỉ giúp cho người dân nâng cao đời sống mà còn góp phần lớn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/mo-rong-dien-tich-trong-hoa-tham-canh/129525.htm