Mở rộng diện tích bơ ngoại: Hãy cẩn trọng!

Bơ muộn (bơ Booth) đang mang lại giá trị kinh tế khá cao nên bà con các tỉnh Tây Nguyên đổ xô tìm mua giống về trồng. Điều đáng nói, đây là giống bơ ngoại với nhiều đặc tính kỹ thuật riêng, không thể trồng đại trà; chưa kể thị trường sẽ bão hòa khi diện tích tăng đột biến.

Bơ Booth đang mang lại giá trị kinh tế cao nên bà con Tây Nguyên đổ xô trồng.

Đổ xô trồng bơ Booth

Nếu như trước đây, nông dân ở Tây Nguyên chủ yếu trồng các loại bơ truyền thống có nguồn gốc trong nước thì nay, loại bơ ngoại (bơ Booth của Mỹ) đang trở thành loại cây hút hàng bởi mang lại thu nhập khá cao. Trung bình 1ha bơ Booth trồng xen trong vườn cà phê, nông dân thu lãi từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Dù chưa có số liệu thống kê chính xác về diện tích bơ Booth nhưng nhờ giá trị kinh tế cao mà khoảng 4 năm trở lại đây, nhà nhà bảo nhau trồng.

Có mặt tại xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk) - nơi có nhiều cơ sở kinh doanh cây giống, chúng tôi nhận thấy hầu hết bà con đến đây tìm mua bơ Booth. Ông Nguyễn Bá Khẩn (buôn Ma Tha, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn), cho biết: “Gần nhà tôi có nhiều người trồng bơ Booth cho thu nhập khá cao. Có gia đình trồng 100 cây, thu trên 200 triệu đồng/năm… Chính vì giá trị kinh tế cao như vậy nên tôi tính mua mấy chục cây về trồng xen canh trong vườn cà phê, nếu cho hiệu quả cao sẽ đầu tư trồng hết cả vườn”.

Giống như ông Khẩn, chị Lan ở Đắk Nông cũng đang loay hoay xếp cây bơ giống vào sọt, gặp chúng tôi, chị cười nói: “Đây là dòng bơ muộn, giá bán cao hơn hẳn so với bơ chính vụ; đặc biệt, để cả tuần mới chín nên tiện cho việc vận chuyển đi xa. Tôi dự định mua hơn 100 cây về trồng trong rẫy cà phê”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đức, chủ cơ sở cây giống trên đường Nguyễn Lương Bằng (xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột), cho biết: “Mới đầu mùa mưa nhưng mỗi tuần cơ sở cung ứng ra thị trường khoảng 10.000 cây giống, trong đó bơ Booth chiếm 50%, tăng gần gấp đôi số lượng bơ Booth bán ra so với cùng kỳ năm trước. Bơ Booth vụ vừa rồi bán ra đến 100.000 đồng/kg nên nhu cầu cây giống đầu vụ đến nay là rất lớn. Giá cây giống dao động từ 50-60.000 đồng/cây”.

Hãy cẩn trọng!

Bơ Booth Mỹ có đặc điểm là cây sinh trưởng khỏe, phát triển mạnh, nhiều cành nhánh; thu hoạch muộn (tháng 9 - 10), giá bán khá cao (35.000 - 65.000 đồng/kg); một số vườn để neo quả đến tháng 11, giá có khi lên đến 100.000 đồng/kg. Đặc biệt, đây là loại bơ thịt dày, vàng, dẻo, ít hoặc không xơ, chất lượng tốt, thời gian chín sau hái 5-6 ngày. Tỷ lệ thịt quả đạt 68-75%, thịt quả vàng, dẻo cao nhưng béo vừa, hạt khít với thịt quả nhưng dễ tách. Vỏ quả già màu xanh, dày, quả hình tròn, trọng lượng 330-420 g/quả, năng suất trung bình 160-220kg/cây, tương đương với giống bơ chính vụ…

Là kỹ sư nông nghiệp, trước đây từng công tác ở Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, ông Huỳnh Ngọc Tư (Phó giám đốc Công Ty TNHH MTV Đăk Fam), “cha đẻ” của các dòng bơ trái vụ trong nước, chia sẻ: “Bơ Booth quả thật có nhiều ưu điểm vượt trội so với các dòng bơ thông thường, mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy đây là loại bơ muộn, nhưng hoa nở từ chính vụ và nở rộ bên ngoài tán khá đẹp, thời gian phơi hoa kéo dài trong tháng 2-3 nên chịu ảnh hưởng rất lớn của yếu tố nắng nhiều, gió lớn ở thời điểm nở hoa (chậm hình thành chồi lá non để che hoa như một số giống khác) nên năng suất biến động, đậu quả tốt ở vùng ẩm, mát nhưng kém ở vùng đồi, gió nhiều, nắng lớn hoặc đậu quả một bên tán nơi khuất nắng và gió”.

Ngoài ra, cũng theo ông Tư, việc phát triển 1 giống bơ (hoa nhóm B) cũng là nguyên nhân giảm khả năng đậu quả, cần tăng cường giống có hoa nhóm A. Hoa nhóm B (cùng giống Reed) thường nở vào tháng 1-3; nhị đực tung phấn từ giữa buổi sáng và nhụy cái lại nhận phấn từ giữa buổi chiều. Khá mẩn cảm với bọ xít chích hút trong giai đoạn quả non, tùy vào vùng trồng có độ ẩm rợp cao thì mật số côn trùng cao, cần phòng trị kịp thời để giảm nứt và rụng quả khi già.

Đặc biệt, ở vùng khí hậu nóng như ở miền Đông Nam Bộ, bơ Booth quả nhỏ hơn, chất lượng giảm hơn và thu sớm gần chính vụ so với Tây Nguyên. Chất lượng quả không đạt hơn giống Booth bản địa của Mỹ hoặc trồng ở khí hậu Úc nên việc xuất khẩu không dễ cạnh tranh trực tiếp về chất lượng, khi trình độ canh tác và cả công nghệ bảo quản sau thu hoạch chưa bằng họ. Cỡ quả từ nhỏ đến trung bình, đạt 420 g/quả trong 1-2 năm đầu và nhỏ dần khi vào ổn định (3 quả/kg), dạng quả tròn, đây là giống xuất khẩu trồng tại Úc, Mỹ ... nhưng đặc điểm quả như vậy chưa hoàn toàn phù hợp với thị hiếu tiêu dùng trong nước.

Chưa kể, hiện giá bán cao chủ yếu là từ những vườn trồng từ năm 2012 về trước, thời điểm chưa có nhiều người trồng bơ và quy mô của mỗi hộ khá nhỏ (30 -120 cây/hộ). Hiện nay, nhiều hộ trồng bơ giống này và quy mô hộ đã có vài chục hecta. Bơ Booth được tư vấn phát triển với quy mô lớn tại 5 tỉnh Tây Nguyên, Đồng Nai và phía Bắc, có nguy cơ thu hoạch rộ trong 4 năm tới.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp Đắk Lắk, cây bơ Booth còn nhiều tiềm năng để phát triển vì hiện nay sản phẩm chủ yếu tiêu thụ nội địa. Trong tương lai, khi cây bơ với diện tích đủ tạo thành quy mô hàng hóa, nếu phát triển thêm công nghệ chế biến, bảo quản tốt (chiết xuất dầu bơ, bột bơ, xuất khẩu trái tươi...) thì vẫn là cây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc phá cà phê hay các loại cây trồng khác để thay thế bằng bơ cần cân nhắc kỹ.

Thiết nghĩ, bơ Booth là giống bơ ngoại với nhiều đặc tính kỹ thuật riêng nên không phải cứ trồng đại trà ở tất cả các vùng đất là thành công; bơ nên trồng xen để tận dụng tốt diện tích và có thể đóng vai trò như cây che bóng, chắn gió cho vườn cây. Ngoài ra, cần nghiên cứu trồng đa dạng các loại bơ truyền thống khác, nếu không sẽ phá vỡ quy hoạch dẫn đến tình trạng cung vượt cầu như nhiều loại cây trồng khác.

Booth là tên của người tìm chọn ra giống này, cả 02 giống bơ Booth 7 và Booth 8 có nguồn gốc từ Florrida (Mỹ), được Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đưa về trồng thử nghiệm tại Tiền Giang (năm 1998), sau đó ghép để đánh giá tại Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam Bộ (Tân Thành - Bà Rịa Vũng Tàu), nhưng không được viện khuyến khích trồng ở miền Đông hay Tây Nam Bộ.

Năm 2000, giống được Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên và Đại học Tây Nguyên đưa về triển khai khảo nghiệm tại địa bàn Đắk Lắk.

Với điều kiện đất đai và khí hậu tại Tây Nguyên, kết quả cho thấy giống bơ Booth 7 sinh trưởng, phát triển tốt và cho thu hoạch muộn, từ tháng 9-11 (dương lịch), giá bán khá cao và phù hợp với hiện trạng sản xuất tại Tây Nguyên, được công nhận vào năm 2013...

Bá Thăng

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/mo-rong-dien-tich-bo-ngoai-hay-can-trong-post2723.html