Mở rộng cửa cho các mô hình kinh doanh mới

Có một thời kỳ chúng ta khá ngây thơ khi đòi ngành may mặc phải nâng cao giá trị gia tăng bằng các biện pháp như tham gia khâu thiết kế sản phẩm, chủ động nguồn nguyên liệu, phụ liệu để nội địa hóa càng nhiều càng tốt. Đó là mong muốn thoát kiếp gia công hoàn toàn chính đáng. Thế nhưng nếu hiểu được cách hoạt động của các hãng thời trang đang chiếm thị phần lớn ở các nước phương Tây, chúng ta sẽ nhận ra mong muốn này không có tính thực tế.

BIên lai thanh toán của Youtube cho một kênh video đã bật chế độ kiếm tiền. Nguồn: Zing.vn

Để có sản phẩm được người tiêu dùng chọn mua, các hãng này phải đầu tư rất lớn vào nghiên cứu thị hiếu, xu hướng thời trang, ảnh hưởng của mạng xã hội... sau đó mới tính đến chuyện thiết kế, dùng mẫu để thăm dò thị trường, giao mẫu cho bên gia công kèm theo chỉ định mua nguyên, phụ liệu phù hợp với thiết kế của họ. Bên cạnh việc tổ chức vận chuyển hàng về thị trường càng nhanh càng tốt để chớp cơ hội, họ còn tiêu tốn nhiều trong quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi, chiết khấu. Làm sao chúng ta có thể chen vào các công đoạn cao cấp hơn của chuỗi sản xuất này nếu không có kinh nghiệm, năng lực chuyên môn, vốn đầu tư và nhiều yếu tố khác nữa?

Chính vì thế nơi hưởng lợi nhiều nhất từ các hiệp định thương mại tự do ký với nhiều nước, suy cho cùng, vẫn là doanh nghiệp nước ngoài. Thuế giảm, các hãng thời trang nhập hàng hưởng lợi nhiều nhất, họ sẽ san sẻ ít nhiều cho các khâu và có thể tăng lượng hàng đặt làm để tận dụng lợi thế về thuế. Dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam cũng để hớt bớt các cơ hội mới mở ra này. Doanh nghiệp FDI may mặc ở Việt Nam chỉ chiếm 25% về số lượng nhưng chiếm đến 60% kim ngạch xuất khẩu.

Tận dụng các hiệp định thương mại tự do phải đến từ hướng khác, từ mô hình kinh doanh khác. Ở đây chỉ xin lấy một ví dụ nhỏ: Amazon đang có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đưa hàng lên Amazon để bán ra khắp thế giới. Một doanh nghiệp quy mô gia đình sản xuất quần áo với mẫu mã độc đáo vẫn có thể hy vọng bán được hàng cho các thị trường phương Tây khi được Amazon hỗ trợ về mặt quảng bá, đóng gói, giao hàng... Dĩ nhiên kim ngạch sẽ rất nhỏ nhưng hàng ngàn, hàng chục ngàn doanh nghiệp gia đình như thế vẫn có thể tạo ra sự khác biệt.

Các cơ hội làm ăn như thế đang mở ra nhờ những tiến bộ công nghệ trước đây không ai hình dung nổi. Người lập trình giỏi có thể bán sản phẩm qua các nền tảng như Google Play, Apple Store... Ca sĩ, nhạc sĩ có thể bổ sung thu nhập bằng cách đưa tác phẩm của mình lên Spotify, Apple Music... Thực tế đã có nhiều người có thu nhập tiền tỉ từ các sân chơi này.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280972/mo-rong-cua-cho-cac-mo-hinh-kinh-doanh-moi-.html