Mở rộng cách thức tuyển sinh: Cuộc đua có vì chất lượng?

Các trường ĐH tiếp tục công bố phương án tuyển sinh 2020. Theo đó, quyền tự chủ trong tuyển sinh của các trường tiếp tục mở rộng để tăng khả năng trúng tuyển cho thí sinh.

Mùa tuyển sinh 2020 sẽ có nhiều điểm mới so với những năm trước Ảnh: Nghiêm Huê

Mùa tuyển sinh 2020 sẽ có nhiều điểm mới so với những năm trước Ảnh: Nghiêm Huê

Trường ĐH Lâm nghiệp vừa có thông tin tuyển sinh 2020. Theo đó, cơ sở chính tại Hà Nội tuyển sinh bằng xét tuyển theo điểm thi THPT quốc gia và theo kết quả học THPT, điểm xét tuyển theo tổ hợp môn học lấy theo kết quả học kỳ 1 năm lớp 12 hoặc theo điểm tổng kết cả năm học lớp 12. Ngoài ra, nhà trường cho phép thí sinh có thể đăng ký xét tuyển trực tuyến trên website của trường. Trong khi đó, năm 2020, Phân hiệu Trường ĐH Lâm nghiệp tại tỉnh Đồng Nai tuyển sinh hai ngành mới là du lịch sinh thái và bất động sản trong tổng số 17 ngành đào tạo với 950 chỉ tiêu.

Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa TPHCM đã thống nhất trình ĐH Quốc gia TPHCM 5 phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển theo kỳ thi THPT quốc gia: 50 - 72% tổng chỉ tiêu; theo kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TPHCM: 10 - 50% tổng chỉ tiêu; Ưu tiên tuyển thẳng theo quy định của ĐHQG: 15 - 25% tổng chỉ tiêu; Ưu tiên tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT: 3%; Phương thức khác (thí sinh là người nước ngoài hoặc tốt nghiệp THPT nước ngoài): 1%.

Đặc biệt năm 2020, nhà trường cho phép sinh viên tham gia chương trình học tích hợp và chương trình tuyển sinh song ngành. Với chương trình tích hợp, sinh viên có thể học liên thông đại học - thạc sĩ, nhờ đó tiết kiệm thời gian đào tạo và có bằng thạc sĩ ngay khi tốt nghiệp. Trường ĐH Bách khoa TPHCM áp dụng chương trình song ngành đối với ngành kỹ thuật hàng không và kỹ thuật tàu thủy. Theo đó sinh viên có thể học hai ngành trong thời gian học tập tại trường.

Đối với chương trình chất lượng cao, trường dự kiến mở thêm 5 chương trình mới, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Chương trình chất lượng cao tiếng Nhật giảng dạy bằng tiếng Việt và tăng cường tiếng Nhật, chuẩn đầu ra tiếng Nhật là JLPT N2. Đối với chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam (PFIEV), năm 2020 trường tuyển sinh 7 ngành.

Nảy sinh nhiều vấn đề

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho biết, trong năm tuyển sinh 2020, lần đầu tiên nhà trường quyết định dành 3% chỉ tiêu từng ngành để xét tuyển thẳng học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Thí sinh đạt giải nhất được tuyển thẳng vào ngành có nguyện vọng thuộc chương trình đại trà; thí sinh đạt giải nhì, ba được tuyển thẳng vào chương trình chất lượng cao. Đây là trường đại học đầu tiên áp dụng quy định này trong tuyển sinh đại học. Trường cũng dành 1% chỉ tiêu xét tuyển thẳng học sinh giỏi các trường THPT kết nghĩa với nhà trường. Đặc biệt, năm 2020, nhà trường xét tuyển thẳng học sinh vào đúng ngành theo nguyện vọng các em đăng ký.

Theo đánh giá của các chuyên gia tuyển sinh, việc các trường ĐH mở rộng nhiều hình thức tuyển sinh thể hiện quyền tự chủ của các trường, tăng cơ hội trúng tuyển của thí sinh. Nhưng mặt khác cho thấy các trường đang lo lắng về thiếu nguồn tuyển do sự cạnh tranh ngày càng lớn giữa các trường ĐH với hệ thống các trường nghề, giữa giáo dục ĐH trong nước và nước ngoài. Trong khi các trường ĐH khu vực phía Nam đã có phương án, chỉ tiêu, hình thức tuyển sinh thì các trường phía Bắc vẫn im hơi lặng tiếng.

Nhiều hình thức tuyển sinh cũng nảy sinh những vấn đề khiến các trường ĐH cần xem xét. PGS. Đỗ Văn Dũng cho biết, kết quả học tập sau 2 năm học cho thấy, sinh viên trúng tuyển theo diện xét học bạ học tốt hơn sinh viên trúng tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia. “Kết quả khảo sát này là nền tảng để trường điều chỉnh chiến lược tuyển sinh trong các năm tiếp theo. Phương thức xét học bạ ở các trường khác nhau sẽ cho ra kết quả học tập không giống nhau. Tại trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, sinh viên trúng tuyển phương thức này với điểm trúng tuyển trên 25 điểm 3 môn gần như học lực giỏi. Trường chỉ cho phép đăng ký tối đa 3 ngành nên SV gần như trúng vào ngành mình yêu thích nên có kết quả học tập khá tốt”, ông Dũng nói.

Ngược lại, xét điểm thi THPT quốc gia, khuyết điểm lớn nhất của phương thức này là cho thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng, có những người trúng tuyển ngành không yêu thích nên ảnh hưởng chất lượng học tập. Điều này lý giải vì sao sinh viên trúng tuyển theo cách xét tuyển này có tỷ lệ học lực yếu kém nhiều hơn. Phần nhiều trong số họ học trong tình trạng chờ thi lại năm sau.

Trường ĐH Nha Trang sử dụng phương thức xét tuyển học bạ trong 2 năm 2017 và 2018. Nhưng sau 2 năm triển khai, thống kê chung có đến 20% sinh viên (hơn 1.000 em) xếp loại yếu kém. Các sinh viên này nhập học rồi nghỉ học hoặc bị buộc thôi học do kết quả học tập rất thấp trong 1 - 2 học kỳ đầu. Chính vì vậy trường ĐH Nha Trang đã dừng sử dụng phương thức xét học bạ từ năm 2019. Thay vào đó là xét điểm tốt nghiệp THPT để có đánh giá toàn diện hơn từ nhiều môn học.

Theo đánh giá của các chuyên gia tuyển sinh, việc các trường ĐH mở rộng nhiều hình thức tuyển sinh thể hiện quyền tự chủ của các trường, tăng cơ hội trúng tuyển của thí sinh. Nhưng mặt khác cho thấy các trường đang lo lắng về thiếu nguồn tuyển do sự cạnh tranh ngày càng lớn giữa các trường ĐH với hệ thống các trường nghề, giữa giáo dục ĐH trong nước và nước ngoài.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/mo-rong-cach-thuc-tuyen-sinh-cuoc-dua-co-vi-chat-luong-1503732.tpo