Mở rộng cách đánh vần lạ - cách làm vội vã?

Đầu năm học 1018 - 2019, dư luận cả nước xôn xao về cách đánh vần trong bộ sách tiếng Việt Công nghệ giáo dục (CNGD) của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Song cơ quan quản lý giáo dục vẫn im lặng!

Nền giáo dục của chúng ta trải qua nhiều quá trình cải cách, đổi mới. Khi thống nhất đất nước, chưa kịp chuẩn hóa nên hệ thống giáo dục quốc gia nên hồi ấy tồn tại song hành 2 chương trình: hệ 10 năm phía Bắc và 12 năm ở các tỉnh phía nam cho mãi tới năm 1992. Do vậy, sách giáo khoa cũng có ít nhiều khác nhau.

Lần thay sách thứ nhất 1981-1992 (làm theo kiểu cuốn chiếu 1năm/lớp), vừa xong, tháng 10/1993 chúng ta vay ODA làm đề án sách giáo khoa mới. Lần hai từ 1996-2008 thay sách vừa xong thì 2009 lại có đề án thay sách giáo khoa lần 3. Tức là trong vòng 35 năm trở lại đây, bộ GD&ĐT luôn trong tâm thế sẵn sàng thay đổi sách giáo khoa kéo theo một khoản tiền khá lớn cả của ngân sách lẫn phụ huynh học sinh.

Là một tiến sĩ bảo vệ thành công luận án về tâm lý học giáo dục tại Liên bang Xô Viết cũ, giáo sư Hồ Ngọc Đại đã biên soạn bộ sách CNGD từ những năm từ năm 1979 khi ông về nước. Với nhiều tư tưởng hướng tới mong muốn đổi mới toàn diện giáo dục nước nhà, bộ sách được giảng dạy thí điểm ở một số tỉnh vùng cao biên giới phía Bắc.

Tuy nhiên, có lúc bộ sách đã bị ngừng giảng dạy ở các trường tiểu học bởi Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội thống nhất chỉ dùng một bộ sách giáo khoa cho học sinh cả nước. Năm 2013, nhờ sự đồng thuận của Bộ GDĐT đứng đầu là bộ trưởng Phạm Vũ Luận, bộ sách CNGD được bỏ hẳn chữ “thí điểm” và đưa lại vào giảng dạy ở hơn 40 tỉnh thành. Nó đã vượt ra khỏi khuôn khổ trường sư phạm thực hành và tồn tại song song với bộ sách Tiếng Việt 1 cũ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Ta lại có 2 bộ sách tiêu biểu cho 2 phương pháp giáo dục khác nhau và song hành cho đến nay.

Như vậy, câu hỏi đặt ra ở thời điểm hiện tại là tính pháp lý của bộ sách CNGD của GS Hồ Ngọc Đại hiện nay ra sao so với quyết định “cả nước dùng chung một bộ sách” mà quốc hội đã phê chuẩn năm 2000. Liệu khi quyết định thí điểm sách mới năm 2013, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận có làm một việc mang tính “xé rào” tới mức “quá sức” hay không? Câu hỏi này, có lẽ thuộc thẩm quyền của những người nghiên cứu và thực thi pháp luật.

Đứng ở góc nhìn mang tính tiến bộ, giáo dục là một quá trình khai sáng, trau dồi, tôi luyện và phát triển khả năng của một con người, xa hơn nữa là một cộng đồng, một dân tộc. Giáo dục thời đại mới cần lấy học sinh làm trung tâm, tôn trọng sự khác biệt, không đồng phục, đồng hóa các cá nhân học sinh cũng như bản sắc của từng vùng miền trên đất nước. Các em phải có suy nghĩ và hành động độc lập, khác nhau, khác cha mẹ, thầy cô và lớp người đi trước.

Bộ sách CNGD được giáo sư Hồ Ngọc Đại tuyên bố theo hướng trên nhưng thực sự nó có đáp ứng được điều ấy không và hiệu quả thực tế ra sao? Để trả lời, đòi hỏi phải có một cuộc khảo sát quy mô, rộng khắp. Ta chưa thấy đánh giá nào mang tính khách quan trên diện rộng về hiệu quả của bộ sách này được thực hiện bởi những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục. Như vậy, để triển khai mang tính rộng khắp như hiện tại có phải là một cách làm vội vã?

Đi theo hướng giáo dục mới như vậy, mặt tích cực, ta thấy càng có nhiều nguồn sách giáo khoa, các tỉnh, thành và trường, sở lại càng có nhiều sự lựa chọn cho con em mình. Càng có cơ hội giảng dạy và phát triển tốt hơn bởi không ai ngoài những cán bộ làm giáo dục ở cấp cơ sở hiểu rõ hơn về đặc thù địa lý, văn hóa, con người cũng như tâm tư, tình cảm người dân và trẻ em nơi đó. Đương nhiên các bộ sách phải được soạn dựa theo giáo trình khung của Bộ GDĐT.

Chứng thực điều này, mới đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chấp thuận cho TP.HCM có thể soạn thảo, thiết kế và in ấn bộ sách riêng theo Nghị quyết 88 của Quốc hội cho các trường trên địa bàn và bắt đầu thí điểm vào năm 2019.

Cách nhìn đa chiều cần phải được tồn tại mọi lúc, mọi nơi, mọi ngành nghề, được so sánh thiệt hơn và phản biện triệt để. Giáo dục lại càng phải được nhìn qua lăng kính ấy bởi nó mang tính quyết định tương lai của dân tộc. Một vấn đề lớn của giáo dục như sách giáo khoa, khi được áp dụng đại trà trên diện rộng cần lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý, thầy cô và phụ huynh học sinh để rút kinh nghiệm và hoàn thiện.

Chỉ có hướng đi đa chiều mới có thể huy động được hết nội lực trong từng cá nhân con người, cởi bỏ sự trì trệ, đứng lên chung tay xây dựng quốc gia theo khả năng riêng của mình. Có như vậy, ta mới tránh được sự chủ quan duy ý chí khi kiến tạo thế hệ sau của dân tộc thông qua sự nghiệp giáo dục.

Thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT cần có một sự phản ứng nhanh nhạy hơn bởi đây là vấn đề nghiệp vụ của bộ. Thay vào đó, cơ quan này lại chập chờn, không quyết đoán khi phụ huynh và dư luận thắc mắc về một bộ sách giáo khoa gây tranh cãi mang cái tên “thời thượng”: Công nghệ giáo dục.

Do vậy, Bộ GD&ĐT phải đưa ra giải pháp quản lý, quy hoạch, lấy ý kiến, đánh giá khi người dân băn khoăn và cần có câu trả lời, không chỉ với câu chuyện cách đánh vần, hay sách giáo khoa mà với nhiều vấn đề nóng khác của ngành.

Bảo Anh - Bảo Nguyên

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/mo-rong-cach-danh-van-la--cach-lam-voi-va-d270360.html