Mở 'nút thắt' cho phát triển thị trường năng lượng

Là lĩnh vực nền tảng và thiết yếu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như nhu cầu cuộc sống người dân, những năm qua, ngành năng lượng đã có đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được ban hành trên cơ sở đề án do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì xây dựng, đưa ra những định hướng quan trọng để thu hút nguồn lực, bảo đảm nền tảng cho an ninh năng lượng quốc gia.

Chuyển mình theo cơ chế thị trường

Đầu tư cho các lĩnh vực năng lượng luôn cần nguồn lực rất lớn. Để thu hút sự tham gia mạnh mẽ của các thành phần kinh tế, bên cạnh nòng cốt là doanh nghiệp nhà nước, đòi hỏi ngành năng lượng phải chuyển mình theo cơ chế thị trường. Trong thời gian qua, các lĩnh vực, như: Điện, than, dầu khí đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thực hiện lộ trình chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường. Giá xăng, dầu trong nước cơ bản theo sát giá thị trường quốc tế, bước đầu hình thành thị trường phát điện và bán buôn điện; giá điện được điều chỉnh phản ánh sát hơn chi phí sản xuất, kinh doanh và chi phí thực hiện chính sách xã hội.

 Hoạt động chế biến dầu khí tại Kho Xăng dầu Bắc Giang thuộc Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Hà Nội. Ảnh: VŨ DUNG

Hoạt động chế biến dầu khí tại Kho Xăng dầu Bắc Giang thuộc Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Hà Nội. Ảnh: VŨ DUNG

Nguồn vốn đầu tư vào ngành năng lượng nước ta luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng đầu tư toàn xã hội. Ví như giai đoạn 2007-2017, có khoảng 2,1 triệu tỷ đồng đầu tư vào ngành năng lượng, chiếm 18,4% tổng đầu tư toàn xã hội, trong đó, chủ yếu từ các doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, các thành phần kinh tế ngoài nhà nước cũng tích cực tham gia vào ngành năng lượng; từng bước khẳng định vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong phát triển năng lượng quốc gia; đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tăng nhanh. Tính chung công suất phát điện do tư nhân trong và ngoài nước đầu tư chiếm khoảng 28% tổng công suất cả nước.

Tuy nhiên, một thực tế cần nhìn nhận, từ năm 2015, Việt Nam đã trở thành nước phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu và có xu hướng tăng lên trong dài hạn. Theo đánh giá của Ban Kinh tế Trung ương, trong thời gian tới, việc bảo đảm năng lượng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) đất nước sẽ gặp những thách thức lớn khi tài nguyên năng lượng sơ cấp về thủy điện cơ bản đã khai thác hết, sản lượng dầu và khí ở một số mỏ lớn cũng suy giảm nhanh, việc phát triển mỏ mới gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tuy trữ lượng than còn nhiều nhưng chưa khai thác triệt để do công nghệ lạc hậu và điều kiện khai thác ngày càng khó, làm tăng giá thành; một số dự án nguồn điện chưa đưa vào vận hành do chậm tiến độ và chậm khởi công so với quy hoạch hoặc dừng triển khai. Do đó, thời gian tới cần có sự đột phá trong khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước; ưu tiên phát triển điện khí, có lộ trình giảm tỷ trọng điện than một cách hợp lý; chủ động nhập khẩu nhiên liệu từ nước ngoài cho các nhà máy điện.

Khó khăn của ngành năng lượng còn xuất phát từ chính cơ chế khi thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành năng lượng. Công tác tái cơ cấu ngành năng lượng để từng bước hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh thực hiện còn chậm, còn tình trạng độc quyền nhà nước trong một số lĩnh vực. Việc hình thành thị trường điện triển khai còn chậm và nhiều vướng mắc, chưa thực sự cung cấp tín hiệu khách quan cho các nhà đầu tư cũng như người sử dụng. Do vậy, yêu cầu xây dựng cơ chế chính sách thông thoáng, phù hợp với thực tiễn để phát triển mạnh mẽ hơn nữa thị trường năng lượng cạnh tranh đang là đòi hỏi cấp thiết hiện nay.

Xóa bỏ độc quyền, rào cản bất hợp lý

Đánh giá về những cơ hội và thách thức đang đặt ra với ngành năng lượng trong giai đoạn tới, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: "Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước chúng ta đã đạt được những thành tựu lớn. Trong thành tích chung đó, chúng ta có thể tự tin, tự hào khẳng định, ngành năng lượng Việt Nam đã có đóng góp hết sức xứng đáng. Điều đó không chỉ được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ghi nhận, mà còn được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Đến nay, đất nước đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, có những thay đổi về chất, đòi hỏi ngành năng lượng cũng phải có những bước phát triển mới. Xuất phát từ đòi hỏi đó, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị ra đời được nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá là, đã nêu bật được những định hướng quan trọng để thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào các lĩnh vực năng lượng, đồng thời phát triển bền vững năng lượng quốc gia".

Đề cập đến hai quan điểm có ý nghĩa then chốt của Nghị quyết 55, đồng chí Nguyễn Văn Bình nêu rõ: "Trước hết, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia vừa là tiền đề, vừa là động lực phát triển KT-XH. Ưu tiên phát triển ngành năng lượng nhanh, bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo đảm môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế. Nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch với nhiều hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh. Áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh thiếu bình đẳng, minh bạch trong ngành năng lượng...".

Nghị quyết 55 đã nêu rõ nhiệm vụ: Tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch; công khai quy hoạch, danh mục các dự án đầu tư; xóa bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng trong và ngoài nước, chú trọng những dự án phát điện và các hoạt động bán buôn, bán lẻ điện theo cơ chế thị trường. Theo TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng ban Chiến lược (Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam): Chỉ khi tư nhân tham gia thì mới tạo ra thị trường, phát triển theo tư duy thị trường và tính cạnh tranh sẽ cao hơn nhiều. Để thu hút được khối tư nhân, cần phải bình đẳng trong đối xử và để bình đẳng, cạnh tranh rõ ràng thì phải công khai, minh bạch. "Tư nhân tham gia sâu hơn vào ngành năng lượng không chỉ bảo đảm vững chắc hơn cho an ninh năng lượng đất nước, mà còn tạo môi trường minh bạch để nền kinh tế thực sự phát triển bền vững", TS Nguyễn Thành Sơn bày tỏ. Khi các "nút thắt" dần được tháo gỡ bằng những giải pháp đồng bộ, ngành năng lượng hứa hẹn sẽ có những bước đột phá, tạo đà để KT-XH đất nước tiếp tục phát triển, đi lên.

GIA MINH - MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/mo-nut-that-cho-phat-trien-thi-truong-nang-luong-611573