Mở lối ra cho trái nhãn Việt

Niên vụ năm 2020, nhãn được mùa song giá lại giảm sâu. Thêm vào đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến sức mua của thị trường nội địa giảm, thị trường xuất khẩu lâm vào cảnh bế tắc.

Hơn bao giờ hết, các nhà vườn và DN cần được hỗ trợ kịp thời từ phía các bộ, ngành trong việc đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho loại nông sản này.

Tắc đầu ra vì Covid-19

Những ngày gần đây, nhiều nhà vườn ở thủ phủ trồng nhãn Hưng Yên cho biết giá bán nhãn xuống rất thấp, tiêu thụ chậm do xuất khẩu khó khăn. Với diện tích 10 mẫu nhãn lồng, sản lượng hàng năm đạt từ 40 - 50 tấn, mỗi năm gia đình ông Nguyễn Văn Thế, ở xã Hàm Tử (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) thu từ 350 - 500 triệu đồng. Tuy nhiên năm nay, dù vườn nhãn đã chín nhưng không có DN, đơn vị nào vào thu mua.

“Giá nhãn năm nay rẻ hơn 30% so với năm 2019, từ 12.000 - 15.000 đồng/kg với những loại nhãn phổ thông, nhãn loại 1 khoảng 30.000 đồng/kg. Nhãn tại các vườn bước vào vụ thu hoạch rộ, thời gian thu hoạch chỉ còn chưa đầy một tháng. Nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì không còn cơ hội bán được nhãn” – ông Thế bày tỏ lo lắng.

 Sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên được quảng bá và bày bán tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Ánh Ngọc

Sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên được quảng bá và bày bán tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Ánh Ngọc

Tại tỉnh Sơn La, chưa có năm nào mùa nhãn lại khó khăn như năm nay, có thời điểm giá xuống đến dưới 10.000 đồng/kg. Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Sơn La, sản lượng nhãn của Sơn La khoảng 75.000 tấn, nhưng xuất khẩu chỉ chiếm 1.500 tấn. Đối với nhãn xuất khẩu chính ngạch, thị trường tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc đặt ra tiêu chí, điều kiện phải có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nhưng diện tích này không nhiều. Trong khi đó, xuất khẩu nhãn tiểu ngạch qua các chợ biên giới hiện cũng ngưng trệ do dịch Covid-19.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Thế Cử, năm 2020 toàn tỉnh có khoảng 4.600ha trồng nhãn, với sản lượng trên 50.000 tấn. Ngay từ đầu vụ, tỉnh đã có riêng một kế hoạch chi tiết tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ kết nối giao thương, quảng bá loại quả đặc sản này tại Hưng Yên và Hà Nội trong tháng 8. Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kế hoạch buộc phải hủy bỏ khiến việc kết nối giữa các nhà vườn với người tiêu dùng, DN gặp khó khăn.

Nâng chất lượng, đa dạng thị trường xuất khẩu

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, Sơn La và Hưng Yên là 2 tỉnh trồng nhãn lớn nhất miền Bắc Việt Nam chiếm khoảng 30% diện tích nhãn toàn quốc. Nhãn Sơn La, Hưng Yên có chất lượng cao và hình thức đẹp, hương vị thơm ngon được người tiêu dùng trong nước đánh giá cao. Sản phẩm nhãn Sơn La đã được cấp nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sông Mã”. Nhãn lồng Hưng Yên đã được cấp chỉ dẫn địa lý, được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa “Nhãn lồng Hưng Yên hương vị tiến vua”.

Để bảo đảm vụ nhãn thắng lợi toàn diện, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, các địa phương cần hướng dẫn người trồng nhãn các kỹ thuật rải vụ, thu hoạch, bảo quản để bảo đảm sản phẩm có chất lượng cao; Triển khai việc cấp mã số vùng trồng và đẩy mạnh việc thực hiện quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Về phía các DN, tăng cường kết nối với các DN phân phối, các siêu thị và chợ đầu mối tiêu thụ nông sản lớn nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, các địa phương tạo điều kiện thuận lợi để các DN, thương nhân nước ngoài đến thăm quan, khảo sát và ký kết hợp đồng chính thức với các hợp tác xã, DN cung ứng trên địa bàn. Đồng thời, khuyến khích các nhà đầu tư, DN có uy tín trong và ngoài nước triển khai các dự án, nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho nông dân.

Nhằm hỗ trợ sản phẩm nhãn Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường quốc tế, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương áp dụng nhiều mô hình trồng nhãn chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Cùng với đó, hướng dẫn DN sản xuất, chế biến nhãn áp dụng công nghệ bảo quản, duy trì chất lượng phẩm cấp và quả nhãn được lâu hơn. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm nhãn như: Nhãn tươi đóng hộp, nhãn khô, đồ uống… phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng nước ngoài.

"Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương cần thực hiện giải pháp hỗ trợ người dân đưa sản phẩm nhãn giao dịch trên các sàn thương mại điện tử để thúc đẩy tiêu thụ cả ngoại tỉnh và xuất khẩu. Đơn cử như Sơn La, trước tình hình thị trường Trung Quốc gặp khó, Sơn La đã chuyển hướng xuất khẩu nhãn thành công sang Campuchia, Lào với số lượng lớn. Cùng với đó, tỉnh đang hỗ trợ 200 cơ sở nâng công suất chế biến nhãn tươi thành long nhãn làm hàng xuất khẩu." - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/mo-loi-ra-cho-trai-nhan-viet-393542.html