'Mở lối' bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc

Năm 1992 quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc chính thức được bình thường hóa sau sự kiện chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam của Trung Quốc (17/2/1979).

Người “mở lối” là Đại tướng Lê Đức Anh - Bộ trưởng Bộ quốc phòng, được Bộ Chính trị cử làm phái viên sang Trung Quốc gặp Tổng Bí thư Giang Trạch Dân.

Hai luồng thăm dò

Đại tướng Lê Đức Anh kể lại việc tiến tới bình thường hóa quan hệ Việt – Trung trong hồi ký như sau:

“Trong suy nghĩ, tôi dự kiến mình sẽ mở "hai luồng thăm dò": Một là thăm dò qua cộng đồng người Hoa ở khu vực Chợ Lớn - Thành phố Hồ Chí Minh. Việc gặp gỡ, tiếp xúc, thăm dò từ khối Hoa kiều này thì có thể "bắt mạch" được tư tưởng của Chính phủ nước họ. Hai là thăm dò qua đường Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội.

Vào đầu tháng 3/1987, ông vào gặp Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông Võ Trần Chí. Ông nói với Ban Hoa vận của Thành ủy, tiến hành mời và gặp gỡ một số người đại diện và có uy tín trong cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn. Cuộc gặp thân tình và thẳng thắn đã diễn ra tại trụ sở của Thành ủy với sự tham gia của 8 Hoa kiều, 1 người đại diện Thành ủy và Đại tướng Lê Đức Anh.

Hồi ký của Đại tướng Lê Đức Anh

“Tôi nói về Cộng đồng người Hoa suốt mấy chục năm qua định cư, làm ăn sinh sống tại Việt Nam đã tham gia, đóng góp vào hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, tôi đã trực tiếp chứng kiến có những bà mẹ người Hoa đã nuôi giấu và cứu chữa thương binh là bộ đội Giải phóng ngay tại nhà mình, bất chấp nguy hiểm, đó là những nghĩa cử cao đẹp của bà con Hoa kiều tại khu vực Chợ Lớn này. Người Việt và người Hoa, Trung Quốc và Việt Nam, hai nước bấy lâu vẫn đoàn kết, hữu nghị là chuyện bình thường. Vừa rồi xảy ra chuyện Trung Quốc và Việt Nam lại xung khắc nhau là chuyện không bình thường. Vậy thì yêu cầu bà con người Hoa hãy góp sức mình để hàn gắn lại tình hữu nghị, để xóa bỏ cái không bình thường này đi. Tình hữu nghị Trung - Việt là truyền thống tốt đẹp và bền lâu, chúng ta cần làm cho nó bền vững và phát triển”.

Nghe ông nói những điều này, 8 người Hoa kiều nét mặt rạng rỡ, phấn chấn. Họ phát biểu: Từ lâu rồi chúng tôi cũng muốn như thế. Việt Nam và Trung Quốc cứ tốt như hồi xưa với nhau, giúp nhau như anh em trong nhà thì chúng tôi sung sướng lắm. Sống trên đất Việt Nam, chúng tôi cũng muốn chăm lo xây dựng gia đình và góp công xây dựng đất nước Việt Nam, quê hương thứ hai của mình…Vậy là cuộc gặp gỡ những người Hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh kết thúc với sự đồng thuận cao.

Bình thường hóa quan hệ Việt – Trung

Trở ra Hà Nội, khoảng nửa tháng sau đó, ông Lê Đức Anh nói với ông Vũ Xuân Vinh, Cục trưởng cục Đối ngoại quân sự đi mời Đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy đến dùng cơm tại nhà khách Bộ Quốc phòng (28 phố Cửa Đông). Cuộc gặp tuy bí mật nhưng ông đánh giá không khí thoải mái và không ai cảm thấy có gì căng thẳng. Hai người vừa ăn cơm vừa nói chuyện.

“Tôi điểm lại quá trình quan hệ hữu nghị giữa hai nước và nói rằng Trung Quốc giúp Việt Nam về cách mạng nói chung, về quân sự nói riêng là rất quan trọng... Vậy mà bây giờ tại sao lại xung đột với nhau. Việc này không phải do dân và bộ đội gây ra, mà do lãnh đạo của hai nước gây ra. Đề nghị đồng chí Đại sứ báo cáo với lãnh đạo của Trung Quốc. Tôi mới nhận chức nhưng cũng sẽ báo cáo với lãnh đạo của Việt Nam; để lãnh đạo hai nước gặp nhau giải quyết việc này”, Đại tướng Lê Đức Anh viết.

Sứ mệnh "mở luồng" và "thăm dò" mà Bộ Chính trị tin cậy giao cho ông Lê Đức Anh xem như đã hoàn tất. Ông báo cáo tình hình với Bộ Chính trị để có kế hoạch gặp lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc.

Sau đó, tháng 7/1990, trong chuyến đi thăm Singapore, Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng đã "đánh tiếng" là "sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Việt Nam". Một tháng sau, ngày 19/8/1990, Tổng Bí thư Trung Quốc Giang Trạch Dân có thư qua đường Đại sứ mời Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Văn Linh, Cố vấn Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Đỗ Mười sang thăm Trung Quốc. Cuộc gặp không công khai giữa hai Tổng Bí thư và hai Thủ tướng Chính phủ đã diễn ra trong hai ngày 3 và 4/9/1990.

“Tiếp đó, cuối tháng 7 năm 1991, tôi được cử làm phái viên của Bộ Chính trị sang bàn bạc những vấn đề cụ thể việc bình thường hóa quan hệ hai nước – Đại tướng Lê Đức Anh kể tiếp trong hồi ký – Cùng đi với tôi có đồng chí Hồng Hà, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương”.

Ngày 29/7/1991, tại Đại lễ đường, ông Kiều Thạch, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc làm việc với hai ông Lê Đức Anh và Hồng Hà để chuẩn bị cho cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Giang Trạch Dân. Cuộc hội đàm chính thức với Tổng Bí thư Giang Trạch Dân diễn ra tại Trung Nam Hải vào buổi chiều ngày 31 tháng 7 năm 1991. Sang năm 1992, quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc chính thức được bình thường hóa.

Khải Đăng

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/mo-loi-binh-thuong-hoa-quan-he-viet-nam-trung-quoc-post240655.html