Mở lại phiên tòa phúc thẩm vụ 16 năm đi đổi đất dự án Tân Hải Minh – Linh Tây

Theo dự kiến, sáng mai 07/6, TAND TP.HCM sẽ mở lại phiên tòa xét xử phúc thẩm kỳ án tranh chấp hợp đồng 'Yêu cầu đòi lại tài sản; Tranh chấp hợp đồng ủy quyền; Yêu cầu bồi thường thiệt hại' giữa nguyên đơn là Công ty TNHH SXTMXD Khách sạn Tân Hải Minh (THM) và bị đơn có yêu cầu phản tố là ông Đặng Văn Quyền.

Theo đơn kháng cáo của bị đơn Đặng Văn Quyền, kháng cáo Bản án sơ thẩm số 626/2018/DS-ST, ngày 26-11-2018, do thẩm phán chủ tọa phiên tòa Nguyễn Vũ Trọng Đan đã ký ban hành. Trước đó, TAND TP.HCM đã hoãn phiên phúc thẩm hai lần, với lý do không triệu tập đủ bị can.

Ông Đặng Văn Quyền hiện đang trồng rau và quản lý lô đất của mình mà Công ty Tân Hải Minh đòi tranh chấp

Ông Đặng Văn Quyền hiện đang trồng rau và quản lý lô đất của mình mà Công ty Tân Hải Minh đòi tranh chấp

Sau khi báo Pháp luật Việt Nam đăng tải bài viết “16 năm giao đất và dự án Tân Hải Minh – Linh Tây: Loanh quanh những phiên tòa khó hiểu”, đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, bình luận của độc giả cũng như giới luật gia, người dân am hiểu pháp luật. Hầu hết mọi ý kiến đều cho rằng, Bản án số 626/2018/DS-ST, ngày 26-11-2018 của TAND Q.Thủ Đức do thẩm phán chủ tọa phiên tòa Nguyễn Vũ Trọng Đan ký quyết định ban hành là quá khó hiểu và có nhiều “hạt sạn”.

Ngoài ra, bản án còn bộc lộ quá nhiều “hạt sạn” khi tòa sơ thẩm áp dụng không đúng nội dung của hợp đồng đổi đất, áp dụng cách tính toán sai, để có lợi cho nguyên đơn. Thậm chí, ghi không đầy đủ ý tứ, câu văn lời trình bày của người đại diện cho bị đơn, từ đó gây ngộ nhận, làm sai lệch bản chất vụ việc. Dẫn đến xét tuyên một bản án thiếu thuyết phục và đặt ra nhiều hoài nghi trong dư luận.

Những “hạt sạn” nổi cộm trong bản án đã khiến dư luận đang hoài nghi và đặt dấu hỏi lớn: vì sao TAND Q.Thủ Đức sử dụng một hợp đồng (số hợp đồng ma, vì bản gốc hợp đồng không có số) không có hiệu lực để xem xét và làm căn cứ phán quyết? Tại sao chỉ xem xét chứng cứ, lý lẽ của một bên nguyên đơn mà lại bỏ qua tất cả những chứng cứ, quan trọng, đó là những thỏa thuận giữ ông Đặng Văn Quyền và công ty THM vẫn còn nguyên giá trị pháp lý (cụ thể là Văn bản số 214/CV-THM ngày 24/7/2009; Biên bản thỏa thuận ký ngày 11/5/2011; Biên bản thỏa thuận ký ngày 15/10/2012).

Một số luật sư quan tâm đến phiên tòa có chung nhận định, ba văn bản này được lập hoàn toàn tự nguyện, và không phải là căn cứ để tòa án quận Thủ Đức ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự ngày 03/6/2011.

Dư luận đang trông chờ một phiên tòa công tâm, xem xét thấu đáo mọi chứng cứ có hiệu lực pháp lý và nhìn nhận toàn bộ bản chất, sự thật của vụ án, để từ đó đưa ra một bản án mang tính khách quan, thấu tình, đạt lý, thuyết phục. Qua đó nâng cao chất lượng của hoạt động tư pháp, thể hiện tính công bằng, thượng tôn pháp luật, mang lại niềm tin vào công lý cho nhân dân.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về “tranh chấp đất đai kỳ lạ này.!

Lê Nguyễn

Nguồn Sao Pháp Luật: http://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/mo-lai-phien-toa-phu-tham-vu-16-nam-di-doi-dat-du-an-tan-hai-minh-linh-tay-4192/