Mở hướng đi mới cho sen Hành Thịnh

Xã Hành Thịnh có diện tích trồng sen lớn nhất huyện Nghĩa Hành, với 28ha. Nhận thấy giá trị kinh tế và lợi ích phát triển du lịch từ cây sen, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản thống nhất cho phép sử dụng địa danh 'Hành Thịnh' và khoanh vùng sản xuất để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm sen của địa phương này.

Là người trồng sen lâu năm ở xã Hành Thịnh, ông Trần Văn Có (73 tuổi) cho biết, ngày trước, cánh đồng La Băng trũng, thường xuyên ngập úng nên người dân trồng lúa năng suất rất thấp. Từ năm 2000, các hộ dân chuyển sang trồng cây sen. Từ vài hộ trồng sen mang lại hiệu quả, đến nay có 28 hộ tham gia trồng loại cây này. Diện tích đất trồng sen ngày càng mở rộng và mang lại thu nhập ổn định cho nhiều người.

Người dân trồng sen trên cánh đồng La Băng, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành).

Người dân trồng sen trên cánh đồng La Băng, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành).

Cây sen tuy sống trong đầm lầy nhưng lại “ưa” môi trường sạch sẽ. Do đó, trước khi xuống giống sen, nông dân phải dọn sạch rác, cỏ, dọn những cành lá sen thối... Từ tháng 2 âm lịch, người dân xuống giống. Sen nở rộ đến kỳ thu hoạch từ khoảng tháng 4 - 6 âm lịch. “Tôi hiện trồng hơn 1ha sen. Cứ bình quân mỗi năm thu khoảng 2 - 3 tấn hạt/ha, cho thu nhập khoảng 60 - 70 triệu đồng/năm”, ông Có chia sẻ.

Khi biết địa phương đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sen, chính quyền và người dân xã Hành Thịnh rất phấn khởi. Chủ tịch UBND xã Hành Thịnh Huỳnh Thanh Long chia sẻ, địa phương rất tự hào khi Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất sử dụng địa danh “Hành Thịnh” để xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sen, góp phần nâng tầm sản phẩm này. Vậy nên, chính quyền và người dân quyết tâm bảo vệ thương hiệu sen Hành Thịnh.

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành Lê Quang Nhu, xã Hành Thịnh có diện tích trồng sen lớn nhất huyện nên việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm sẽ góp phần nâng cao thương hiệu sen, giúp người dân nâng cao thu nhập hơn nữa. Sau khi hoàn thiện các thủ tục về đăng ký nhãn hiệu tập thể, lô gô, mã vạch, huyện sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan mở lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh cho cây sen. Đồng thời, hỗ trợ nguồn giống sen chất lượng và cải tạo vùng đất để sen phát triển, hạn chế những thiệt hại do sâu bệnh gây ra.

"Cùng với chuỗi giá trị các sản phẩm được chế biến từ sen, chính quyền địa phương cũng đang định hướng phát triển du lịch vùng sen Hành Thịnh. Đặc biệt là, xây dựng “cung đường” liên kết giữa các điểm du lịch trên địa bàn huyện như Suối Chí (xã Hành Tín Đông), làng du lịch cộng đồng Bình Thành (xã Hành Nhân) với tham quan hồ sen Hành Thịnh”, ông Nhu thông tin.

Bài, ảnh: DƯƠNG NỮ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202208/mo-huong-di-moi-cho-sen-hanh-thinh-3130846/