Mồ hôi, nước mắt ở lò luyện huy chương vàng SEA Games 30

Đang ở giữa bài tập, Nguyễn Hà My bật khóc sau cú bật nhảy không đạt yêu cầu. Khuôn mặt nữ VĐV mới 16 tuổi lấm tấm mồ hôi trong tiết trời thu mát mẻ ở Hà Nội.

Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội những ngày trước thềm SEA Games rộn rã hơn thường lệ. Bên trong, các VĐV miệt mài tập luyện để chuẩn bị cho Đại hội Thể thao Đông Nam Á được mong chờ nhất cứ mỗi hai năm một lần.

16 tuổi đủ điều kiện thi đấu, 18 tuổi đã giải nghệ

Người mà chúng tôi tiếp xúc đầu tiên là Nguyễn Hà My. Cô mới bước sang tuổi trăng tròn 16 - độ tuổi đủ điều kiện tham dự SEA Games theo quy định. Hà My dường như quá tập trung cho bài luyện tập ép dẻo của mình mà không biết rằng xung quanh đang có vài vị khách ghé thăm.

Mới 16 tuổi, nhưng Hà My đã là VĐV “già” ở đội tuyển thể dục nghệ thuật Việt Nam đang tập tại Hà Nội. Hầu hết VĐV tại đây đều giải nghệ khi bước sang tuổi 18, sau khoảng 13 năm tập luyện chuyên nghiệp và 5-6 năm thi đấu đỉnh cao. Một số chuyển sang công tác huấn luyện, số khác tìm những hướng đi mới cho mình.

Mới 16 tuổi, nhưng Hà My đã là VĐV “già” ở đội tuyển thể dục nghệ thuật Việt Nam.

Mới 16 tuổi, nhưng Hà My đã là VĐV “già” ở đội tuyển thể dục nghệ thuật Việt Nam.

Thể dục nghệ thuật là môn có tuổi nghề thuộc vào hàng ngắn nhất nhì của làng thể thao nói chung. Để có thể đủ sức thi đấu, các VĐV cần ít nhất 7 năm rèn luyện đầy khắt khe. Sau đó, họ chỉ có khoảng 5 năm thi đấu đỉnh cao.

Hai HLV đứng lớp giải nghệ khi còn rất trẻ, HLV Việt Trinh dừng thi đấu khi 17 tuổi, còn HLV trưởng Nguyễn Thu Hà cũng chuyển sang công tác huấn luyện ở tuổi 19. Khi mới bước sang tuổi 17, cựu VĐV Phạm Nguyễn Vân Nhi cũng trở thành trợ giảng cho các cô giáo sau khi giành HCB đồng đội tại SEA Games 29.

Khi được hỏi vì sao các VĐV giải nghệ khi đang ở độ chín và đỉnh cao của sự nghiệp, Việt Trinh đưa ra câu trả lời: “Đến tuổi này, hầu hết đều có định hướng cho riêng mình, sau hơn 10 năm làm bạn với bóng, chùy, vòng. Một phần, có lẽ bởi thế hệ đi trước đã tạo thành lối mòn. Cơ thể thì cứng hơn, khó thực hiện động tác".

Ngoài đào tạo Hà My, huấn luyện viên Nguyễn Thu Hà còn phải hướng dẫn các học trò khác chưa đủ tuổi tham dự SEA Games lần này.

Cách đó chừng 7 km, Lê Thanh Tùng, 23 tuổi, cũng bắt đầu một ngày tập luyện tại khu B Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Nhổn. Thanh Tùng mới giành vé tham dự Olympic các đây không lâu. Cùng với Hà My, đây là hai nhân tố, niềm hy vọng lớn của Bộ môn thể dục dụng cụ Việt Nam tại SEA Games 30 - Philippines dịp cuối tháng 11. Nếu như Lê Thanh Tùng được mệnh danh là “hot boy” của làng thể dục dụng cụ thì Nguyễn Hà My là “công chúa” mới của thể dục nghệ thuật Việt Nam.

Để theo đuổi môn thể dục nghệ thuật, các nam VĐV của môn thể dục dụng cụ cần đầu tư nhiều thời gian và công sức hơn. Lê Thanh Tùng đạt đỉnh cao khi 23 tuổi với tấm vé tham dự Olympic 2020. Để có được thành tích ấy, “hot boy TDDC” cần tới 19 năm.

Nam VĐV này cũng mất chừng 13 năm để có danh hiệu đầu tiên, trở thành VĐV hàng đầu châu Á ở nội dung nhảy chống. Thanh Tùng từng phải trải qua những ngày tháng đằng đẵng xa nhà với nhiều hy sinh, vất vả khó đong đếm.

Để đạt được thành tích có vé tham dự Olympic 2020, Lê Thanh Tùng phải mất 13 năm tập luyện xa nhà với nhiều hy sinh, vất vả khó đong đếm.

Cứ như vậy suốt 8 năm liên tục, từ khi 7 tuổi, Tùng ăn và tập tại Trung Quốc cùng đội ngũ chuyên gia nước bạn với sự kèm cặp của HLV người Việt Nam. Đàn anh của Tùng, VĐV Phạm Phước Hưng năm nay 30 tuổi và đã ở sườn dốc bên kia của sự nghiệp. Phước Hưng đang dần chuyển qua công tác huấn luyện, mở phòng tập riêng và hoàn thành chương trình đại học.

6-8 tiếng trên sàn tập mỗi ngày

Hàng ngày, VĐV ở đội thể dục nghệ thuật duy trì tập luyện khoảng 6-8 tiếng, gần gấp đôi so với các môn khác. Những bài tập, tư thế có thể là nỗi khiếp sợ của nhiều người, nhưng với những VĐV này lại việc làm thường nhật. Đánh đổi là những ngày tháng ròng rã tập luyện khắc nghiệt, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Ngay từ giai đoạn bắt đầu, những bài ép dẻo, với tư thế khó luôn là phần bắt buộc từ khi VĐV làm quen cho tới lúc giải nghệ. Chúng là tiền đề cho những bài thi, động tác uyển chuyển đẹp mắt.

Khi thi đấu, VĐV thể dục luôn xuất hiện với trang phục lộng lẫy đầy màu sắc, khuôn mặt khả ái và đem lại cho khán giả những màn trình diễn đúng như tên gọi của nó, mang đầy tính nghệ thuật. Thế nhưng đằng sau nó là những buổi tập của không chỉ có mồ hôi, mà còn có cả những giọt nước mắt. Một phần vì sự khắc nghiệt, đau đớn của các bài ép dẻo và đòi hỏi cao từ các động tác biểu diễn.

Các VĐV phải luôn giữ trạng thái cơ thể mềm dẻo, chỉ cần dừng lại, cơ thể sẽ trở nên căng cứng và coi như quay trở lại vạch xuất phát. Điều đó đồng nghĩa với những động tác mang phần ám ảnh kia luôn được thực hiện hàng ngày, thậm chí nhiều lần trong ngày.

Độ tuổi để các vận động viên bắt đầu tập luyện là khá sớm, hầu hết đều làm quen từ 5-6 tuổi. Các bài tập này thường để phát triển sự nhanh nhẹn và linh hoạt cũng như sự phối hợp cân bằng và uyển chuyển – những yếu tố quan trọng nhất của bộ môn thể dục dụng cụ.

Hàng ngày các em tập luyện trong hai buổi: sáng từ 7h30 đến 11h30 và chiều từ 14h30 đến 17h30, chỉ hai ngày cuối tuần mới được nghỉ về thăm gia đình. Cường độ tập luyện cao trong khoảng 3–5 năm cũng là yếu tố áp lực cần thiết để đào tạo được thế hệ vận động viên tốt cho tương lai bộ môn thể dục nghệ thuật.

Việc tập luyện, theo HLV Việt Trinh đều là những động tác đã thực hiện cả trăm lần, ngày này qua ngày khác. Dù vậy, vẫn có lúc VĐV thực hiện lỗi, hỏng, sai động tác mẫu dẫn đến ức chế tâm lý và bật khóc trở thành phản xạ, thành cách để những VĐV trẻ này giải tỏa ức chế và căng thẳng.

Trong quá trình tập luyện chuẩn bị cho SEA Games, Hà My được các HLV ghép bài và đặt chế độ tập luyện cực kỳ gắt gao. Mọi động tác đều được theo dõi tỉ mỉ, chi tiết. Từng cú lăng chân trên không cũng được chỉnh sửa cho đến khi bài thi được hoàn thiện. Không ít lần, nữ VĐV trẻ này vừa thực hiện bài tập vừa khóc do những bài thi chưa đạt.

Những tai nạn nghề nghiệp là khó tránh khỏi với bất cứ môn nào, TDNT không là ngoại trừ. Với Hà My, VĐV trẻ này từng bị rách trán do rơi chùy. Tuy vậy, những đau đớn về thể xác đó không khiến cô chùn bước. “Thể thao đồng nghĩa với khó khăn và tôi biết rằng phải vượt qua điều đó mới có thể thành công”, My nói.

Không chỉ đối mặt với sự vất vả, các bài tập khắc nghiệt, những nữ VĐV tuổi đời còn rất trẻ còn phải kiểm soát chế độ ăn, giữ dáng cơ thể làm sao để thanh thoát nhất. Đồng thời, họ vẫn phải đảm bảo đủ năng lượng để hoàn thành giáo án do HLV đề ra, tất cả là những thử thách không nhỏ. Nhiều VĐV nhí từng không thể làm quen với chế độ hà khắc đó và phải chia tay với môn thể thao nghệ thuật này.

Đau đớn về thể xác không chỉ diễn ra với các VĐV nữ tại đội thể dục nghệ thuật. Các Nam VĐV để có thân hình “chuẩn soái ca” với những bó cơ bắp “vạn người mê” cũng phải đánh đổi rất nhiều. Những bàn tay chai sạn do tập luyện với xà, với dây là điều hiển nhiên. Họ còn thường xuyên phải đối mặt với những cú ngã chí tử.

Từng có VĐV, do thực hiện động tác lăng người trên không chưa đúng, khiến toàn thân rơi thẳng vào… xà đơn. May mắn cho các anh là đồng đội đã chuẩn bị sẵn đệm đề phòng bất trắc.

Những động tác không dành cho người thường

Thể dục nghệ thuật là môn thi đấu đặc thù. Nó là sự kết hợp của ballet, nhảy múa và xiếc tung hứng. Trong một bài thi kéo dài 90 giây, các VĐV trình diễn sự uyển chuyển, khéo léo và cho thấy khả năng tung hứng của mình. Nhìn thì đơn giản, nhưng từng động tác tiêu tốn năng lượng và rất khó thực hiện, đòi hỏi VĐV phải tập trung cao độ khi thi đấu bởi chỉ cần mất tập trung trong khoảnh khắc có thể dẫn tới hỏng cả bài thi và mọi thứ đổ sông đổ bể.

Một trong những yêu cầu cơ bản nhất trong khi thực hiện bài thi của các VĐV thể dụng nghệ thuật là mu bàn chân phải tạo thành đường thẳng với phần cẳng chân. Để làm được điều đó, 9 nữ VĐV của đội tuyển TDNT thường xuyên phải đi lại với tư thế ngón chân gập vào trong và tiếp xúc với sàn tập bằng móng chân.

Do đòi hỏi yếu tố “nghệ thuật”, các động tác phải có sự đẹp mắt. VĐV buộc phải thể hiện các động tác uốn, lộn, xoay, trong. Nhiều tư thế khó như gập chân ra sau, vòng qua đầu, hay xoạc chân hơn 180 độ đều được họ thực hiện một cách thuần thục. Ở mỗi cuộc thi, các VĐV bắt buộc phải thi 4 trong 5 bài cùng các dụng cụ gồm chùy, vòng, bóng, lụa và dây. Khán giả có thể thấy họ thực hiện các động tác gấp, uốn, duỗi và xoay với độ khó và đòi hỏi sự chính xác cao, một cách đơn giản.

Với các VĐV thể dục dụng cụ, việc xoay 2, 3 vòng trên không trung gần như là điều bắt buộc. Động tác tiếp đất giữ thăng bằng cũng được đánh giá cao nhưng không phải lúc nào bài thi cũng được thực hiện một cách hoàn hảo. Lê Thanh Tùng từng thất bại cay đắng tại Asian Games 2019. Theo lý giải, động tác vào đà của anh bị lỗi và việc hoàn thành được phần thi an toàn đã là một may mắn, nếu không, VĐV dễ gặp những tai nạn khó lường.

Lê Thanh Tùng miệt mài tập luyện quyết tâm chinh phục chiếc HCV.

Tâm lý đóng vai trò quan trọng

Thể thao đỉnh cao nói chung, tâm lý thi đấu và kinh nghiệm đóng vai trò quan trọng vào thành tích của từng VĐV. Với Hà My, việc cọ xát tích lũy kinh nghiệm là điều cần thiết vào lúc này. Số giải thi đấu trong nước đã ít, những giải thi đấu quốc tế, mang tầm cỡ thực sự như cơ hội vàng để VĐV mới bước sang tuổi 16 hồi tháng 10 làm quen với áp lực đỉnh cao.

Đó cũng là điều HLV Thu Hà lo lắng về cô học trò cưng. Ngay trước thềm SEA Games 30, Hà My đoạt HCĐ nội dung lụa tại Pesta Gimnastik Kuala Lumpur. Giải đấu này là cữ dượt quan trọng, tiếp thêm tự tin và bản lĩnh thi đấu cho nữ VĐV trước ngày chinh phục đại hội.

Ngoài thời gian huấn luyện, chị Hà còn là người bạn, giúp đỡ các VĐV chuẩn bị, một phần cũng là động viên để học trò có bài thi tốt nhất.

Thi đấu đỉnh cao thường xuyên là chưa đủ, với các VĐV trẻ, diễn biến tâm lý rất khó lường và chỉ cần mất bình tĩnh trong một khoảnh khắc, họ phải trả giá rất đắt. Cả quá trình dài chuẩn bị chỉ để có một bài thi kéo dài trong ít phút trở thành công cốc. Trường hợp Lê Thanh Tùng tại Asian Games 2018 là điển hình. Bài thi chuẩn bị của anh đứng thứ hai và gần như chắc chắn đoạt huy chương, thậm chí là HCV.

Thế nhưng, vì nguyên nhân nào đó, bài thi chính thức của anh mất tính ổn định, dẫn đến vào đà sai và bị loại. Nói về cậu học trò, HLV Trương Minh Sang tiếc nuối những cũng đầy thấu hiểu: “Thi đấu đỉnh cao là thế. Tâm lý của VĐV cực kỳ quan trọng. Mình là HLV, mình hiểu và chỉa sẻ điều đó. Bài toán đặt ra là làm sao để khắc phục cho những giải đấu sau”. Cũng bởi vậy, hai thầy trò thường xuyên chuyện trò và cùng tìm cách tháo gỡ những khó khăn. Kết quả, tại giải Thể dục dụng cụ Thế giới 2019 vừa qua, Thanh Tùng thi đấu xuất sắc để giành vé tham dự Olympic 2020.

Thanh Tùng, Hà My và các vận động viên khác trong bộ môn Thể dục đang ngày đêm luyện tập. Họ sẽ là niềm hy vọng mới của thể thao Việt Nam tại SEA Games 30. Hơn 800 VĐV và cán bộ đoàn sẽ cùng tranh tài với mục tiêu vị trí thứ ba toàn đoàn trên đất Philippines từ 30/11 đến 11/12.

Việt Linh - Đỗ Hải

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/mo-hoi-nuoc-mat-o-lo-luyen-huy-chuong-vang-sea-games-30-post1009381.html