'Mơ hồ' vũ khí mới của Trung Quốc giữa leo thang căng thẳng với Mỹ?

Chuyên gia Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh còn rất nhiều công cụ để đối phó với sức ép thương mại từ Washington.

Ba ngày sau khi Trung Quốc công bố kế hoạch thiết lập danh sách đen các công ty và cá nhân nước ngoài bị cho là gây tổn hại tới lợi ích Trung Quốc, ngày càng có nhiều câu hỏi về cơ chế mà Bắc Kinh có thể áp dụng để đưa nhiều tập đoàn đa quốc gia vào thế khó, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh giữa với Mỹ đang không ngừng tăng nhiệt.

Trong một cuộc họp báo nhanh vào cuối tuần trước, phát ngôn viên Gao Feng của Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay, Bắc Kinh sẽ bắt đầu thực thi một danh sách bao gồm các công ty và cá nhân nước ngoài "không đáng tin cậy". Những thực thể này sẽ phải đối mặt với trừng phạt nếu họ bị phát hiện có hành động ngăn cản hoặc cắt giảm nguồn cung cấp cho các công ty Trung Quốc vì mục đích phi thương mại.

Phát ngôn viên Gao Feng của Bộ Thương mại Trung Quốc trong cuộc họp báo vào thứ Sáu (31/5) (ảnh: getty)

Phát ngôn viên Gao Feng của Bộ Thương mại Trung Quốc trong cuộc họp báo vào thứ Sáu (31/5) (ảnh: getty)

Hiện cơ quan thẩm quyền Trung Quốc chưa đề cập cụ thể tới hậu quả hay trực tiếp kết nối động thái trên với sự kiện Huawei hay cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, truyền thông nước này lại khẳng định, nguyên do Bắc Kinh làm vậy là nhằm đáp trả lại quyết định của Washington hồi tháng trước, đưa Huawei vào trong danh sách đen thương mại, dẫn tới khả năng các công ty Mỹ bị cấm "làm ăn" với tập đoàn Trung Quốc.

Tân Hoa Xã trích lời ông Zhi Luxun, một quan chức của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh sẽ cân nhắc bốn yếu tố để quyết định có đưa một công ty nước ngoài vào danh sách đen hay không.

Thứ nhất, là liệu thực thế đó có chặn hoặc cắt giảm nguồn cung cấp cho một hoặc nhiều hơn các công ty Trung Quốc hay không; thứ hai, hành động đó có phục vụ mục đích phi thương mại hay không; thứ ba, hành động đó có gây tổn hại nghiêm trọng tới các công ty hoặc ngành công nghiệp của Trung Quốc hay không; và cuối cùng, hành động đó có tạo ra nguy cơ hoặc nguy cơ tiềm tàng cho an ninh quốc gia Trung Quốc hay không.

Nếu những điều kiện– theo tờ SCMP là được định nghĩa khá mơ hồ ở phía trên – được áp dụng một cách nghiêm khắc, các công ty Mỹ đã tuân theo chỉ thị của Washington và ngừng cung cấp các bộ phận cấu thành cho Huawei, như Intel, Qualcomm, Microsoft và Google… có thể sẽ nằm trong danh sách của Bắc Kinh.

Các công ty châu Âu và Nhật Bản cũng phải đối mặt với sự lựa chọn đi theo chỉ thị của Washington – dừng cung cấp cho doanh nghiệp Trung Quốc, và sau đó sẽ có thể bị Bắc Kinh đưa vào danh sách đen.

Sẽ là sai lầm nếu nhận định rằng Trung Quốc sẽ đá các doanh nghiệp nước ngoài khỏi đất nước mình với bản danh sách mới.

Tu Xinqan

SCMP đưa tin, Trung Quốc hiện đã bắt đầu tiến hành điều tra nhằm vào FedEx. Công ty Mỹ vận chuyển các hàng hóa của Huawei tới Mỹ, thay vì các địa điểm ban đầu là ở châu Á. Bắc Kinh đang xem xét liệu việc tái chuyển hướng này có ảnh hưởng tới lợi ích của các công ty Trung Quốc hoặc vi phạm quy định trong dịch vụ chuyển phát Trung Quốc – hay không.

"Sẽ là sai lầm nếu nhận định rằng Trung Quốc sẽ đá các doanh nghiệp nước ngoài khỏi đất nước mình với bản danh sách mới", Tu Xinqan, một chuyên gia thương mại tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế tại Bắc Kinh, nói. "Trong trường hợp FedEx, Trung Quốc đầu tiên sẽ điều tra để tìm ra chứng cứ, thậm chí ngay cả khi có chứng cứ, sẽ có một quá trình cho phép các mục tiêu tiềm năng tự biện hộ cho mình và thảo luận về các hệ quả có thể xảy ra".

Ông Tu tin tưởng, danh sách trên chỉ nhằm vào các công ty và cá nhân đã cho thấy mục đích sai trái rõ ràng. Đồng thời, Trung Quốc sẽ duy trì một sự cân bằng giữa việc cảnh báo một số ít các thực thể mang thái độ thù địch, trong khi vẫn đảm bảo rằng, Trung Quốc vẫn mở rộng cánh cửa kinh doanh cho phần đông còn lại.

Mỹ đã có hệ thống danh sách đen để kiểm soát xuất khẩu của riêng mình; theo đó, Cục Công nghiệp và An ninh (thuộc Bộ Thương mại) đã công bố một danh sách các công ty và cá nhân nước ngoài bị cho là mối đe dọa tới an ninh quốc gia Mỹ. Bất kỳ công ty nào muốn xuất khẩu sản phẩm cho các thực thể bị nêu tên trong danh sách, cần phải lấy được giấy phép từ cơ quan có thẩm quyền.

Mỹ lần đầu tiên đưa ra danh sách trên vào năm 1997. Đây là một trong những nỗ lực nhằm ngăn chặn gia tăng sản xuất vũ khí giết người hàng loạt. Tuy nhiên, danh sách đang ngày càng mở rộng ra nhiều vấn đề khác liên quan tới an ninh quốc gia Mỹ.

"Bản thân danh sách truyền tải một thông điệp rằng, Trung Quốc vẫn có rất nhiều công cụ để đối phó [với Mỹ] và các công ty Mỹ không nên đi quá xa", Shen Jianguang, một chuyên gia kinh tế kỳ cựu người Trung Quốc đánh giá. "Nếu Trung Quốc không làm gì để đáp trả, đó sẽ là một dấu hiệu của sự kém cỏi".

Tuy nhiên, theo ông Shen, danh sách của Bắc Kinh sẽ không quá dài, bởi vì việc trừng phạt các cá nhân và công ty nước ngoài trên quy mô rộng, có thể đem lại tác dụng ngược.

"Điều quan trọng nhất cho Trung Quốc là ngăn cản việc hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc bị phân tách riêng rẽ, bởi vì điều đó sẽ đem lại những tổn thất lớn", ông Shen cho hay.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/mo-ho-vu-khi-moi-cua-trung-quoc-giua-leo-thang-cang-thang-voi-my-20190604114536546.htm