Mơ hồ chọn nghề

Đa số học sinh chọn nghề dựa theo sở thích, theo bạn, chưa nhiều em quan tâm cơ hội việc làm sau khi ra trường.

Không ít học sinh THPT vẫn chưa hiểu biết hết về ngành, nghề để có sự lựa chọn đúng. (Ảnh minh họa)

Không ít học sinh THPT vẫn chưa hiểu biết hết về ngành, nghề để có sự lựa chọn đúng. (Ảnh minh họa)

Chọn trường theo bạn

Ông Trần Hữu Linh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Anh (Hà Tĩnh), cho biết, trường thành lập ban tư vấn tuyển sinh, cập nhật thông tin tuyển sinh của các trường ĐH lên trang website của trường; các trường ĐH cử cán bộ về trường tư vấn, tư vấn trực tuyến. Ngoài ra, nhà trường cũng mời chuyên gia, giảng viên về trường để nói chuyện, định hướng nghề nghiệp học sinh.

“Có em thích ngành Kinh tế đối ngoại của Trường ĐH Ngoại thương nhưng khi thầy cô đánh giá, có thể năng lực của em chưa đạt mức điểm tuyển sinh thì em quay ra chọn ngành khác điểm thấp hơn rất nhiều để có cơ hội trúng tuyển. Như vậy, em đang chọn trường, chứ không phải chọn ngành. Hay một số em có tâm lý đi học theo bạn, bạn đăng ký ngành nào mình cũng học ngành đó cho vui, chưa biết quan tâm đến vấn đề việc làm sau 4 năm ĐH”, ông Linh nói. Theo ông sau khi được chuyên gia tư vấn, định hướng và cung cấp thông tin ngành nghề, nhiều em cho biết suy nghĩ lại việc chọn ngành, nghề.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Sào Báy (Hòa Bình) chia sẻ, trường có khoảng 230 học sinh lớp 12. Trước đó, Trung tâm tư vấn hướng nghiệp của tỉnh về tư vấn cho học sinh về lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Đa số học sinh chọn chỉ đăng ký thi xét tốt nghiệp và đi làm ngay để kiếm thu nhập. Số học sinh đăng ký thi để xét tuyển ĐH được hướng nghiệp, chọn những ngành phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của địa phương như ngành nghề liên quan kỹ thuật nông nghiệp, thú y…

Ở thành phố, nhiều học sinh quan tâm những ngành nghề mới, có xu hướng phát triển và quan tâm vấn đề đầu ra. Tuy nhiên, không ít em thờ ơ với tương lai, chọn trường theo bạn, chọn vì “bố mẹ muốn thế”, thậm chí có em không có ước mơ, mong muốn theo đuổi bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực nào.

Chưa hiểu về ngành, nghề

Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, nói rằng, chọn được nghề phù hợp giữa sở thích, đam mê, khả năng đầu ra việc làm và năng lực là rất khó, do đó, thực tế những năm trước, có những em học đến năm thứ 2 hoặc học xong ĐH vẫn quay ra học nghề. Ông Ngọc cho rằng, vấn đề học ngành gì, nghề gì sau này đảm bảo đầu ra việc làm rất quan trọng, nếu chọn theo bạn hoặc không tìm hiểu thực tế, sinh viên ra trường rất dễ thất nghiệp.

TS Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học và nghề nghiệp (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), cho biết, hiện nay, danh mục nghề nghiệp có tới 900 nghề nhưng học sinh chưa tiếp cận được hết. Nhiều em học đến lớp 12 vẫn chưa biết mình muốn làm nghề gì. Theo ông Đông, cần phải đưa giáo dục, định hướng nghề nghiệp vào trường học để học sinh làm quen và có định hướng nghề từ sớm.

Trần Thị Thùy Linh, học sinh lớp 12 tại Nam Định đặt câu hỏi với giáo viên dạy trực tuyến: “Em thích ngành công nghệ thông tin nhưng băn khoăn không biết chọn trường nào. Nếu chọn ĐH Bách khoa em không tự tin sẽ đỗ, chọn trường khác em không thích. Vì thế, em có nên theo đuổi ngành mình thích không hay chọn phương án khác đảm bảo an toàn?”. Trong khi đó, một câu hỏi thường gặp trong các buổi tư vấn tuyển sinh là: “Em nên chọn ngành gì để có việc làm thu nhập tốt?”.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/mo-ho-chon-nghe-post1327692.tpo