Mô hình tôm - lúa - cá tạo diện mạo mới cho vùng quê nghèo

Từ một vùng đất hoang nhiễm phèn, mặn với tên gọi 'cánh đồng chó ngáp' thuộc địa bàn 2 huyện Phước Long và Hồng Dân (Bạc Liêu), nơi đây hiện trở thành các ấp nhà lầu với những căn biệt thự tiền tỷ, cuộc sống của người dân ngày càng khởi sắc. Đó là kết quả từ việc dám nghĩ, dám làm của chính quyền và nhân dân địa phương trong việc đào tuyến kênh rạch theo thế bàn cờ dẫn nước từ thượng nguồn sông Hậu về rửa phèn, làm ngọt hóa vùng đất.

Nói về “cánh đồng chó ngáp”, các cụ cao niên trong "ấp nhà lầu" kể lại, xưa kia cánh đồng rộng mênh mông, xa ngút tầm mắt. Mùa khô, chó nhà, chó hoang chạy hết cánh đồng phải nằm lăn ra ngáp vì mệt, vì khát. Mùa mưa, người lội một buổi không qua, đi một đêm không hết.

Nuôi cá sấu với số lượng lớn mang lại cho gia ông Trần Văn Tương, ấp Nhà Lầu 2, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân thu nhập ổn định.

Ông Phạm Cao Hồng (70 tuổi) ở ấp Nhà Lầu 1, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân tâm sự: “Trước đây, bà con trong vùng chỉ sống bằng nghề chăn trâu mướn cho những điền chủ ở các tỉnh lân cận, như: Cà Mau, Sóc Trăng... Do vùng này có lợi thế cánh đồng cỏ mênh mông nên khi vụ lúa vừa thu hoạch xong, họ mang trâu qua xứ này thuê người dân chúng tôi chăn hộ. Một số hộ trong vùng còn trồng trúc làm nguyên liệu đan thúng, lờ, đó... để bán. Từ ngày có kênh dẫn nước vào đồng cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ về mọi mặt của chính quyền địa phương, người dân chúng tôi chuyển sang trồng lúa, nuôi tôm”.

Chứng kiến tất cả sự đổi thay của vùng đất này, ông Võ Văn Út (Út Nhỏ), nguyên Bí thư Huyện ủy Hồng Dân, nhớ lại: "Ngày ấy, mỗi lần thực tế ở cơ sở, gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến của cán bộ và nông dân… tôi cùng các đồng chí lãnh đạo huyện thấu hiểu nỗi khổ của người dân và nỗi khát khao thoát nghèo của họ. Chúng tôi suy nghĩ rất nhiều để tìm hướng phát triển kinh tế-xã hội ở vùng đất khó khăn này. Sau nhiều lần trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, tận mắt chứng kiến một vài lão nông ở các xã Ninh Thạnh Lợi, Ninh Thạnh Lợi A, Ninh Hòa... trồng được giống lúa Một Bụi Đỏ trên đất phèn, mặn đạt hiệu quả, nhiều hộ đạt năng suất 5 tấn/ha, một chuyện lạ chưa từng có trên cánh đồng này, chúng tôi đã vận động người dân địa phương tập trung trồng. Năng suất đạt cao, nhưng chất lượng gạo lại rất thấp, tôi chủ động tìm chuyên gia để nghiên cứu, lai tạo giống mới từ giống lúa Một Bụi Đỏ cho gạo đặc sản. Kết quả, sau nhiều lần thử nghiệm, chúng tôi có giống lúa Một Bụi Đỏ mới cho cơm trắng, dẻo, thơm ngon, bổ dưỡng hơn trước và được nhân rộng toàn huyện".

Một góc ấp Nhà Lầu 1, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.

Không dừng lại ở đó, người dân ở đây đã thử nghiệm nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng ngay trên chính đồng ruộng của mình. Đặc thù của vùng này nước nhiễm mặn tới 7 tháng, 5 tháng còn lại thì nước lợ. Ông Út Nhỏ cho biết thêm: Trước đây mùa mưa thì làm lúa, mùa khô nhiễm mặn thì nuôi tôm. Nhưng làm như vậy không có lãi, nên người dân đã thử nuôi tôm sú và thả cá trên ruộng trong mùa nước lợ. Thật bất ngờ, con tôm, con cá sống và phát triển tốt. Đặc biệt, người nông dân nơi đây nuôi tôm theo cách tự nhiên nên nguồn nước không bị ô nhiễm, thịt tôm thơm và ngon hơn. Khi thu hoạch lúa thì rải vôi trên ruộng để gốc rạ phân hủy làm thức ăn cho tôm. Trung bình người dân thu hoạch được 120kg tôm/ha. Mô hình tôm-lúa-cá đã thực sự giúp vùng quê nghèo năm xưa khởi sắc. Đến nay, hơn 60% số hộ trong huyện có mức sống khá; hàng trăm hộ giàu và tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt.

Trong năm 2017, giá trị nông sản, thủy sản của huyện Hồng Dân đạt 3.936 tỷ đồng (vượt 5,7% kế hoạch đề ra). Với diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 25.000ha, năm 2017 tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của huyện đạt 35.720 tấn. Đây là những con số thể hiện sự vươn lên mạnh mẽ của “cánh đồng chó ngáp” trong thời kỳ mới.

Dịp đầu năm 2018, đi từ ấp Nhà Lầu 2 sang các ấp Nhà Lầu 1, ấp Thống Nhất (xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân) trên con đường bê tông rộng 3m, chúng tôi bắt gặp không ít ngôi biệt thự mới xây, mà chủ nhân của nó là những lão nông đã mạnh dạn, kiên cường “vật lộn” với cây sậy, cây năn để chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, phương thức sản xuất trên “cánh đồng chó ngáp”. Ông Nguyễn Hồng Thái, Bí thư Đảng ủy xã Ninh Thạnh Lợi A cho biết: "Xã có 5 ấp, với hơn 2.100 hộ, nông dân sống chủ yếu nhờ vào nghề nuôi trồng thủy sản, diện tích tự nhiên hơn 6.600 ha. Thu nhập bình quân đầu người hiện hơn 35 triệu đồng/năm. Tại hai ấp Nhà Lầu 1 và Nhà Lầu 2 bây giờ có hơn 80% nhà xây, biệt thự”.

Bài và ảnh: HOÀNG NHƯỠNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/mo-hinh-tom-lua-ca-tao-dien-mao-moi-cho-vung-que-ngheo-537756