Mô hình thực tập sư phạm mới của trường Đại học Giáo dục có gì đặc biệt?

Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) áp dụng mô hình thực hành mới nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo năng lực nghề nghiệp sinh viên sư phạm vừa hồng, vừa chuyên.

Với triết lý đào tạo “Người thầy trước hết phải là một chuyên gia và tinh thông về nghề sư phạm”, mô hình trường thực hành sư phạm tại trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo năng lực nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm với tư cách là một mắt xích cơ hữu trong quy trình đào tạo giáo viên.

Trường Đại học Giáo dục là cơ sở giáo dục đại học đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao, trình độ cao trong khoa học giáo dục, ứng dụng cho đào tạo giáo viên nói riêng và các nhóm nhân lực trong lĩnh vực giáo dục nói chung. Để thực hiện được mục tiêu đó, trường đã và đang nỗ lực mở rộng cơ hội tiếp cận, học hỏi và thực hành nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm trong các môi trường giáo dục đa dạng (công lập, trường chất lượng cao, trường liên cấp…).

Mô hình thực tập sư phạm và rèn nghề tại trường Đại học Giáo dục và hệ thống trường mầm non – phổ thông vệ tinh”.

Mô hình thực tập sư phạm và rèn nghề tại trường Đại học Giáo dục và hệ thống trường mầm non – phổ thông vệ tinh”.

Mô hình thực hành sư phạm mới nhấn mạnh sự “đan xen – kết hợp” trong các học phần đại cương, chuyên ngành khoa học cơ bản (lý thuyết) và các học phần nghiệp vụ sư phạm (thực tiễn) trong khoảng thời gian kéo dài 3 năm (kể từ năm học thứ 2 đến năm học thứ 4 của khóa học).

Thực tập sư phạm và rèn nghề là một học phần bắt buộc trong chương trình đào tạo cử nhân sư phạm của Đại học Giáo dục. Thông qua học phần này, sinh viên sư phạm sẽ có cơ hội học tập rèn luyện các kỹ năng sư phạm, các kỹ năng chuyên biệt, đặc thù của giáo viên theo từng cấp học; từ đó tổ chức, quản lý các hoạt động dạy học, hoạt động giáo dục, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tại các trường thực hành sư phạm; xây dựng tác phong nghề nghiệp vững vàng, đảm bảo chuẩn nghề nghiệp về kỹ năng, thái độ dành cho giáo viên.

Thời lượng thực hành của một số học phần thuộc khối nghiệp vụ sư phạm được tổ chức không chỉ ở Đại học Giáo dục mà còn được tổ chức thực hiện ở tại các cơ sở giáo dục. Nhà trường chủ động hợp tác và xây dựng mạng lưới các trường thực hành sư phạm như: các trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở, trường trung học phổ thông (trường THPT thực hành, trường THPT công lập Chất lượng cao, trường THPT chuyên, trường phổ thông Quốc tế, trường THPT tư thục chất lượng cao) thuộc Hà Nội.

Tỷ lệ các phần lý thuyết, thực hành tại cơ sở đào tạo sư phạm và thực hành tại trường THPT vệ tinh (TH2) trong các môn học.

Học phần Thực tập sư phạm và rèn nghề sẽ được tiến hành song song cùng các hoạt động học tập khác, không tách bạch thành một giai đoạn độc lập. Quá trình rèn luyện được đánh giá một cách sát sao, công bằng, dựa trên chỉ số đánh giá hiệu quả công việc (KPI – Key Performance Indicator). Các KPI này được tổ chức thành hai nhóm:

- Nhóm KPI được thực hiện định kì theo một số ngày/tuần/tháng: sinh viên được rèn luyện các kỹ năng cá nhân - xã hội, kỹ năng nghiệp vụ sư phạm tại Đại học Giáo dục. Tiếp đó, sinh viên được làm quen, quan sát, thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể tại trường thực hành sư phạm như tìm hiểu về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận, cá nhân ở trường phổ thông; phân tích chương trình phổ thông; soạn giáo án, dự giờ và phân tích giờ dạy của giáo viên hướng dẫn, quay các video clip trình bày các chủ đề liên quan tới giáo dục…

- Nhóm KPI được thực hiện liên tục trong 12 tuần: sinh viên liên tục hoạt động tại các trường thực hành sư phạm và thực hiện một số hoạt động như tham gia tổ chức các hoạt động giáo dục, soạn giáo án và tổ chức dạy học theo chủ đề nhằm phát triển năng lực học sinh, thực hiện tham vấn học sinh cá nhân hoặc nhóm học sinh về khó khăn trong học tập, giao tiếp…

Sinh viên Khoa Sư phạm – Đại học Giáo dục tham gia các chuỗi các hoạt động rèn nghề: “Viết và sử dụng bảng”, “Dạy học”, “Tài năng sư phạm” và “Thiết kế standee” trong chương trình “Tự hào sinh viên Sư phạm”

Sản phẩm của toàn bộ quá trình sẽ được tích lũy qua hệ thống quản lý học tập LMS (Learning Management System) của Trường Đại học Giáo dục dưới sự kiểm tra, đánh giá định kỳ của giảng viên/giáo viên hướng dẫn. Các định dạng của sản phẩm cũng được đa dạng hóa như video clip sinh viên tổ chức, hướng dẫn hoạt động giảng dạy/giáo dục, kế hoạch/giáo án bài dạy… nhằm giúp các sinh viên thích nghi được với bối cảnh đổi mới giáo dục.

Sinh viên sư phạm của Đại học Giáo dục sẽ được tham gia học phần Thực tập sư phạm và rèn nghề theo hình thức học tập kết hợp (Blended Learning). Các hoạt động thiết kế theo trình tự logic từ “kiến tập” sang “thực hành”, từ thực tập qua không gian số (cyber space) sang làm thực.

Mục tiêu của mô hình thực hành thực hành sư phạm tại Đại học Giáo dục hướng đến trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và thái độ để các em có thể trở thành “chuyên gia trong lĩnh khoa học cơ bản và tinh thông về nghề sư phạm”; là người có tri thức sâu và rộng về khoa học chuyên ngành; biết cách sử dụng tri thức chuyên môn để thúc đẩy hoạt động học tập, hoạt động giáo dục của học sinh; biết nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình thông qua hoạt động thực tiễn; bên cạnh đó, sinh viên sư phạm còn được luyện tập, trau dồi nhiều kỹ năng phát triển cá nhân, kỹ năng tương tác xã hội.

Minh Khôi

Nguồn VTC: https://vtc.vn/mo-hinh-thuc-tap-su-pham-moi-cua-truong-dai-hoc-giao-duc-co-gi-dac-biet-ar619624.html