Mô hình thí điểm chính quyền đô thị tại Hà Nội nhằm xây dựng bộ máy tinh gọn

Chiều 14-11, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội.

Chuẩn bị kỹ lưỡng, mang tính đột phá

Cho ý kiến về dự thảo nghị quyết không tổ chức HĐND phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội, nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình với mô hình thí điểm này, cho rằng việc này thể hiện Hà Nội là địa phương dám đột phá, dám làm và có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho việc xây dựng mô hình thí điểm.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, việc xây dựng đề án và dự thảo nghị quyết là sự thể chế hóa rất kịp thời Kết luận của Bộ Chính trị về chính quyền đô thị Hà Nội; là sự đổi mới táo bạo để thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Việc thí điểm này đáp ứng yêu cầu phát triển về trình độ đô thị hóa, hội nhập quốc tế tại Hà Nội; yêu cầu đổi mới, cải cách bộ máy, tổ chức tinh gọn, giảm cấp trung gian, giảm thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt, hiệu lực, hiệu quả hơn. Đại biểu kỳ vọng, nếu mô hình tổ chức chính quyền hai cấp ở đô thị, gồm cấp thành phố và cấp quận, thị xã, thành công ở Hà Nội sẽ có thể nhân rộng ra cả 63 tỉnh, thành phố nhằm sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Đại biểu Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) bày tỏ sự nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ về việc Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội. Theo đại biểu, đề xuất không tổ chức HĐND phường của Hà Nội và Chính phủ thực chất là không tổ chức cấp chính quyền phường, nghĩa là chính quyền đô thị ở Hà Nội chỉ còn hai cấp. Nếu đề án, tờ trình đặt vấn đề không tổ chức cấp chính quyền phường thì rõ ràng hơn, dễ hiểu hơn.

Đại biểu Phan Thị Bình Thuận (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhắc lại việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường của 10 tỉnh, thành phố; viện dẫn kết quả điều tra, thăm dò dư luận theo báo cáo của Chính phủ cho thấy nhân dân tại những nơi thực hiện thí điểm đánh giá quyền đại diện vẫn được bảo đảm. Đa số người được hỏi cho rằng, khi thực hiện thí điểm, chính quyền các cấp đã quan tâm nhiều hơn đến ý kiến và nguyện vọng của nhân dân, chiếm 53%. Số ý kiến cho rằng sự quan tâm vẫn như trước chiếm 37%. Số ý kiến cho rằng sự quan tâm kém hơn trước chỉ chiếm 5%. 55 đến 61% người được hỏi đánh giá về tính ổn định, tinh gọn của bộ máy, tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành ở nơi thực hiện thí điểm có chiều hướng tốt hơn.

Tuy nhiên, cũng có đại biểu bày tỏ băn khoăn, việc tổ chức mô hình thí điểm chính quyền đô thị tại Hà Nội có vi phạm Hiến pháp hay không. Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) viện dẫn các Điều 110, 111, 114 Hiến pháp để củng cố quan điểm phường cũng là một cấp chính quyền nên cần có đủ HĐND và UBND.

Mô hình thí điểm hợp hiến, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, việc xây dựng đề án bắt nguồn từ thực tiễn của Hà Nội. Bộ máy chính quyền Hà Nội hiện nay có 3 cấp đầy đủ là thành phố; quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn. Trong khi đặc điểm khu vực đô thị là dân cư sống rất tập trung, mật độ dân cư cao nên hoàn toàn có thể giảm bớt một cấp chính quyền để giảm tầng nấc, làm gọn nhẹ hệ thống hành chính và giúp cho các quyết định điều hành của UBND, Chủ tịch UBND thành phố, quận, huyện, thị xã với cơ quan hành chính cấp dưới nhanh hơn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn Thủ đô.

Đại biểu Hoàng Trung Hải (đoàn Hà Nội) cho biết, ngay từ khi bắt đầu xây dựng đề án, Hà Nội đã rất quan tâm đến tính hợp hiến; tổ chức nhiều hội thảo, tham khảo ý kiến của các nhà luật học, các nhà quản lý. Các ý kiến đóng góp đều khẳng định đề án thí điểm của Hà Nội không vi hiến. Khi thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng nêu rõ: “Nội dung của dự thảo nghị quyết cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên”. “Đây là nhu cầu thực sự của các địa phương, không phải chỉ riêng Hà Nội. Các địa phương đều mong muốn thí điểm các mô hình quản lý của mình theo hướng hiệu lực, hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu của người dân tốt hơn”, đại biểu Hoàng Trung Hải nói.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình thêm, nhấn mạnh rằng cơ sở chính trị để xây dựng dự thảo nghị quyết là Kết luận số 22-KL/TW ngày 7-11-2012 của Bộ Chính trị và Kết luận số 46-KL/TW ngày 19-4-2019 của Bộ Chính trị đã nêu rất rõ về việc thí điểm không tổ chức HĐND phường ở quận, thị xã của TP Hà Nội. Việc tổ chức lại mô hình chính quyền đô thị của Hà Nội là tổ chức lại mô hình hai cấp chính quyền, gồm thành phố và quận, thị xã. Phường không còn là một cấp chính quyền, mà chỉ là đơn vị hành chính trực thuộc cơ quan hành chính cấp trên.

* Cũng trong chiều 14-11, Quốc hội nghe tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia; Báo cáo thuyết minh Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia; Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.

* Sáng cùng ngày, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020 với tỷ lệ tán thành 90,48%.

Cũng trong buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/mo-hinh-thi-diem-chinh-quyen-do-thi-tai-ha-noi-nham-xay-dung-bo-may-tinh-gon-599954