Mô hình sinh kế bền vững: cần lồng ghép, nhân rộng, lan tỏa

Các mô hình sinh kế bền vững đã tác động đến phát triển kinh tế, xã hội và môi trường ở các địa phương; huy động nguồn lực để phát triển kinh tế. Chính vì vậy, trong thời gian tới, mô hình này cần được lồng ghép, nhân rộng, lan tỏa.

Bến Tre: Dự án AMD kéo giảm 44,6% tỷ lệ hộ nghèo

Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Bến Tre (gọi tắt là Dự án AMD) được Quỹ Quốc tế về Phát triển nông nghiệp (gọi tắt là IFAD) tài trợ. Dự án được triển khai tại 30 xã chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu thuộc 8 huyện của tỉnh Bến Tre với mục tiêu nâng cao năng lực thích ứng cho cộng đồng và các tổ, nhóm mục tiêu để thích ứng tố hơn với biến đổi khí hậu, đồng thời xây dựng các mô hình sinh kế bền vững cho người nghèo nông thôn trong điều kiện môi trường khí hậu thay đổi. Từ năm 2014 - 2020, Dự án AMD đã tác động đến phát triển kinh tế, xã hội và môi trường ở các địa phương; huy động nguồn lực để phát triển kinh tế, kéo giảm 44,6% tỷ lệ hộ nghèo ở 30 xã; hỗ trợ gần 13.500 hộ nghèo, cận nghèo tăng thu nhập.

Dự án hỗ trợ cho người dân nghèo huyện Thạnh Phú nuôi cua biển.

Dự án hỗ trợ cho người dân nghèo huyện Thạnh Phú nuôi cua biển.

Trong 6 năm thực hiện, có 8 nghiên cứu ứng dụng và mô hình canh tác cho nông dân tham gia sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu được thực hiện; các kiến thức, mô hình thích ứng thành công được hệ thống hóa, phổ biến áp dụng, nhân rộng; năng lực sản xuất và xử lý giống nông nghiệp (nhất là giống tôm) được cải thiện; có 4 mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu khả thi được áp dụng bởi hơn 400 hộ gia đình nghèo và cận nghèo.

Bà Nguyễn Thị Thu Ba, Giám đốc Quỹ hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre cho biết trên 99% khách hàng vay vốn từ Quỹ hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre đều có thu nhập tăng lên đáng kể, thể hiện việc các chị em đã trả được vốn hàng tháng và gửi tiết kiện trong Quỹ số tiền trên 11 tỷ đồng, số tiền tiết kiệm là nguồn lớn bổ sung vào nguồn vốn của Quỹ để giúp cho nhiều chị em khác được vay vốn. Rất nhiều chị em đã thay đổi được hoàn cảnh kinh tế gia đình, gần 500 thành viên thoát nghèo, 617 hộ chuyển loại hộ nghèo.

Lê Hàn Quốc và sinh kế mới của nông dân Xăm Khòe (Hòa Bình)

Những năm gần đây, dưa lê siêu ngọt Hàn Quốc do tổ chức Good Neighbor International (GNI) tại Việt Nam triển khai, thực hiện tại xã Xăm Khòe, huyện Mai Châu (Hòa Bình) đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân sinh sống trên địa bàn. Với đặc tính ngắn ngày, năng suất tốt, dưa lê siêu ngọt Hàn Quốc đang trở thành sinh kế mới để người dân vùng dân tộc thiểu số thoát nghèo.

Trước đây, cuộc sống của nông dân xã Xăm Khòe, huyện Mai Châu phụ thuộc vào nông nghiệp, sản phẩm trồng trọt chủ yếu là lúa và các loại cây rau, đậu, ớt... Mô hình trồng dưa lê siêu ngọt Hàn Quốc được tổ chức GNJ đưa vào trồng thử nghiệm với sự tham gia của 10 hộ gia đình ở hai xóm Sun và Xuân Tiến, trên diện tích gần 5ha.

Dưa lê siêu ngọt Hàn Quốc của người dân xã Xăm Khòe, huyện Mai Châu (Hòa Bình).

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Châu, trong 9 tháng đầu năm 2019, diện tích cây trồng đặc sản ngắn ngày này đang được nông dân xã Xăm Khòe nhân rộng. Tại hai xóm Xuân Tiến và Sun đã trồng giống dưa đặc sản này là 2ha, trong đó đã xây dựng được 1 khu trồng dưa lê Hàn Quốc trong nhà lưới có diện tích 1.500m2. Tổ chức GNJ không chỉ hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật mà còn kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các hộ trong mô hình tại các siêu thị lớn ở Hà Nội.

Bình quân mỗi vụ thu hoạch, người dân trồng dưa trên địa bàn xã Xăm Khòe thu về 40 - 50 triệu đồng. Đặc biệt, đây là giống dưa ngắn ngày, cứ 3 tháng là có thể thu hoạch.

Điện Biên: đổi đời nhờ chăn nuôi bò sinh sản

Từ các nguồn vốn lồng ghép phát triển sản xuất của các chương trình 30a/CP và 135/CP, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế, góp phần quan trọng trong giảm nghèo bền vững. Trong số đó, nổi bật là mô hình chăn nuôi bò sinh sản. Đối tượng tham gia là hộ nghèo, cận nghèo và các hộ mới thoát nghèo. Sau khi được hỗ trợ con giống sinh sản, hộ thụ hưởng có trách nhiệm chăm sóc bò trong thời gian 3 năm, khi bò mẹ sinh bê con đầu tiên sẽ được luân chuyển cho gia đình khác. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ giống, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, hỗ trợ tổ chức sản xuất.

Ngoài ra, huyện còn cung ứng vật tư, bố trí cán bộ chuyên môn đến trực tiếp hướng dẫn thực hiện dự án cho đến khi có kết quả; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; thu hồi, luân chuyển kinh phí hỗ trợ và kiểm tra, giám sát dự án. Đến nay, mô hình chăn nuôi bò sinh sản đã phát triển tại 19 xã trên địa bàn huyện với 402 hộ được hưởng lợi, trong đó có 319 hộ nghèo, 83 hộ cận nghèo. Qua công tác kiểm tra, đánh giá cho thấy hầu hết các hộ được hỗ trợ bò đều duy trì và phát triển tốt, số lượng đàn bò gia tăng, nhiều hộ đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò sinh sản. Tiêu biểu như gia đình chị Lò Thị Xoan, bản Co Mỵ, xã Sam Mứn được nhận bò đợt đầu năm 2017 đến nay đã nhân đàn lên 5 con và luân chuyển cho các hộ khác. Từ một hộ nghèo, gia đình chị Xoan đã thoát nghèo từ năm 2019.

Phạm Nguyễn

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/mo-hinh-sinh-ke-ben-vung-can-long-ghep-nhan-rong-lan-toa-126421.html