Mô hình Siêu dự án Ai Cập của Siemens có thể áp dụng tại Việt Nam

Ông Thierry Toupin, Tổng Giám đốc Siêu dự án Ai Cập, do Công ty Siemens thực hiện, cho biết mô hình này có thể nhân rộng ở các nước, trong đó có Việt Nam.

Toàn cảnh nhà máy Beni Suef (Nguồn: Siemens)

Trong tháng 6/2015, Siemens đã giành được đơn hàng lớn nhất từ trước tới nay cho việc mở rộng nguồn cấp điện cho Ai Cập. Cùng với các đối tác địa phương - Orascom Construction và Elsewedy Electric, công ty Siemens đã đạt tiến độ rất tốt trong việc nâng cao sản lượng điện cho Ai Cập thêm 45%, tính tới thời điểm 3 nhà máy điện hoàn thành.

Giai đoạn đầu tiên của siêu dự án đã được hoàn thiện, vượt mục tiêu bổ sung 4,4 GW vào lưới điện.

Trả lời phỏng vấn vào cuối tháng 5 vừa qua trong khuôn khổ chuyến thăm dự án của đoàn nhà báo quốc tế, ông Thierry Toupin, Tổng Giám đốc Siêu dự án Ai Cập , cho biết mô hình này có thể nhân rộng ở các nước, trong đó có Việt Nam.

"Dù có phụ thuộc vào yếu tố thời gian và điều kiện của từng quốc gia nhưng những gì chúng tôi thực hiện cho Ai Cập có thể được áp dụng ở bất cứ các quốc gia nào khác," Tổng Giám đốc Siêu dự án Ai Cập khẳng định.

[Siemen hỗ trợ Ai Cập phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao]

Nói về dự án "độc nhất vô nhị" trong lịch sử Siemens, ông Thierry Toupin cho biết toàn bộ công ty, từ Tổng Giám đốc Joe Kaeser cho tới nhân viên, đều tập trung cao độ để thực hiện thành công dự án. Đây là đóng góp của Siemens cho sự phát triển bền vững của Ai Cập và mô hình này có thể được áp dụng tại nhiều quốc gia, tuy nhiên, Siemens cần phải tìm hiểu thêm về các đặc trưng, các nhu cầu của mỗi nước, của chính phủ và của các bộ ngành.

Cùng chung quan điểm, ông Emad Ghaly, Tổng Giám đốc Công ty Siemens Ai Cập cho biết các công nghệ áp dụng tại siêu dự án ở Ai Cập có thể được áp dụng tại Việt Nam, cụ thể là công nghệ tuabin khí thế hệ H với cấu hình chu trình kết hợp. Công nghệ này giúp sản xuất được điện năng với hiệu suất cao, lên đến hơn 60% và hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu điện năng của Việt Nam.

Các kỹ sư tại nhà máy thuộc siêu dự án (Nguồn: Siemens)

Về việc một số kỹ sư Việt Nam cũng tham gia vào Siêu dự án Ai Cập, ông Thierry Toupin cho biết kỹ sư và kỹ thuật viên Việt Nam đến làm việc tại Ai Cập sẽ không gặp trở ngại gì.

"Cho dù bạn đến từ quốc gia nào đi nữa, tôi luôn luôn chào đón sự tham gia và sự đóng góp của các bạn cho thành công của siêu dự án," ông nói.

Tuy nhiên, quy trình tuyển chọn rất nghiêm ngặt. "Phải lọc hơn 25.000 bộ hồ sơ, với nhiều quy trình, chúng tôi mới chọn được 600 ứng viên," Tổng Giám đốc Siêu dự án Ai Cập cho biết.

Cho đến nay Siemens vẫn là nhà cung cấp tu abin khí hàng đầu ở thị trường Việt Nam. Siemens đã tham gia thực hiện thành công một số nhà máy điện chu trình kết hợp tiêu biểu của Việt Nam như Phú Mỹ 2-1 mở rộng, Phú Mỹ 3, Cà Mau 1 & 2 và Nhơn Trạch 2.

Siemens còn được tín nhiệm cung cấp các dịch vụ bảo trì dài hạn cho các thiết bị chính của các nhà máy này. Đây là những nhà máy điện có hiệu suất cao nhất và thân thiện với môi trường nhất tại Việt Nam.

Công ty đang rất kỳ vọng có thể giới thiệu thành tựu công nghệ mới nhất là công nghệ tuabin khí thế hệ H với cấu hình chu trình kết hợp trong các dự án điện tương lai tại Việt Nam./.

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/mo-hinh-sieu-du-an-ai-cap-cua-siemens-co-the-ap-dung-tai-viet-nam/449501.vnp