Mô hình 'ruộng lúa, bờ hoa' đem lại hiệu quả cao

Vụ đông xuân 2018-2019, Trại thực nghiệm sản xuất giống cây trồng An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp đã giảm được chi phí đầu tư, bảo vệ được môi trường và tăng năng suất lúa… do áp dụng mô hình trồng bông trên bờ ruộng.

Ông Nguyễn Hà, Giám đốc Trại thực nghiệm sản xuất giống cây trồng An Phong, cho biết trước gieo sạ lúa giống khoảng 30 ngày, trại tổ chức trồng các loại bông có hương thơm và màu sắc sặc sỡ trên bờ ruộng. Chủ yếu là bông cúc, bông trang, hướng dương, sao nhái, vạn thọ…

Việc trồng bông trên bờ ruộng giúp thu hút, dẫn dụ các loại côn trùng có ích (thiên địch) như bướm, nhện, ong về diệt sâu rầy. Nhờ vậy, làm giảm đáng kể số côn trùng gây hại, tạo sự cân bằng sinh học trên đồng ruộng, giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (nhất là giai đoạn đầu cây lúa)… Điều này còn giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nhận thức làm ra giống lúa sạch, chất lượng cao.

Theo tính toán, áp dụng mô hình trồng bông trên bờ ruộng lúa và chương trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm… vụ đông xuân này, trại đã giảm được chi phí đầu tư khoảng 3 triệu đồng/ha, năng suất lúa tăng lên từ 9 - 10 tấn/ha, chất lượng lúa giống cũng được nâng cao…

Ông Lê Thành Tín (xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông) nhận xét: “Mô hình “ruộng lúa, bờ hoa” không chỉ đẹp mà còn đem lại hiệu quả thiết thực. Vụ hè thu tới, tôi sẽ áp dụng trên cánh đồng lúa 4ha của gia đình và vận động nông dân thực hiện mô hình này để giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và đặc biệt là cho ra sản phẩm lúa sạch, an toàn, bán được giá cao…”

TRẦN TRỌNG TRUNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/mo-hinh-ruong-lua-bo-hoa-dem-lai-hieu-qua-cao-576232.html