Mô hình quản lý, phòng ngừa người tâm thần gây án ở Hòa Bình

Theo số liệu của Công an huyện Cao Phong, Hòa Bình hiện nay trên địa bàn huyện có 158 người mắc bệnh tâm thần, bao gồm: 96 người tâm thần, 55 động kinh, 7 trầm cảm.

Những trường hợp này là nhóm có nguy cơ cao gây ra các vụ việc về an ninh, trật tự như giết người, đâm, đánh nhau, cố ý gây thương tích. Đặc biệt, một số vụ do người tâm thần gây án với mức độ tàn độc, man dợ, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của nhân dân.

Trước tình hình đó, Công an huyện Cao Phong đã triển khai thí điểm mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ, phòng ngừa người mắc bệnh tâm thần gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn huyện Cao Phong”.

Nguyên nhân gây ra các vụ việc phạm tội do gia đình, xã hội không có biện pháp quản lý, giám sát người tâm thần một cách thường xuyên, chặt chẽ. Ngoài ra, do đối tượng lạm dụng rượu, bia, ma túy bị ngáo đá, không làm chủ được hành vi, hành động, lời nói mất kiểm soát. Thậm chí, một số ít gia đình do nhận thức cổ hủ, lạc hậu cho rằng người bệnh bị ma làm nên tổ chức cúng bái, trừ tà, không đưa đi điều trị nên bệnh ngày càng nặng.

Trên cơ sở đánh giá các vụ việc có người tâm thần gây ra, Công an huyện Cao Phong đã chỉ đạo lực lượng Công an toàn huyện phối hợp với ngành Lao động, thương binh, xã hội, y tế và UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Phối hợp tổ chức 2 lớp tập huấn kiến thức về bệnh tâm thần cho trên 200 cán bộ chuyên trách tại các cơ quan, đơn vị. Tập trung rà soát, lập danh sách các trường hợp mắc bệnh tâm thần theo các mức độ.

Đối với người tâm thần không có khả năng quản lý cần vận động đưa đi các cơ sở chữa bệnh, trung tâm bảo trợ xã hội; đối với các trường hợp có khả năng quản lý cần thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ, định kỳ đưa đi các cơ sở y tế để thăm khám, điều trị. Kịp thời phát hiện các biểu hiện bất thường để có biện pháp phòng ngừa, triệt tiêu nguy cơ phát sinh tội phạm. Đối với các trường hợp có tiền sự, tiền án hoặc biểu hiện vi phạm pháp luật cần gọi hỏi, răn đe giáo dục kịp thời, tạo công ăn, việc làm ổn định để họ hòa nhập với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

Theo Thượng tá Trần Đăng Khoa – Trưởng Công an huyện Cao Phong, sau khoảng 9 tháng hoạt động, mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ, phòng ngừa người mắc bệnh tâm thần gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn huyện Cao Phong” đã mang lại hiệu quả thiết thực. Các trường hợp mắc bệnh tâm thần được quản lý chặt chẽ ngay tại cơ sở và đều được theo dõi, thăm khám bệnh đầy đủ theo quy định. Trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và cộng đồng ngày càng được nâng cao, tích cực hợp tác quản lý, giáo dục người tâm thần tại cộng đồng.

Cùng với triển khai quyết liệt các giải pháp phòng ngừa người mắc bệnh tâm thần, Công an huyện Cao Phong đã tích cực phối hợp với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tạo công việc, hỗ trợ nguồn vốn giúp người mắc bệnh tâm thần ổn định cuộc sống. Đồng thời tích cực tham gia vào các hoạt động tại cộng đồng. Đến nay, các trường hợp mắc bệnh tâm thần có biểu hiện tiến bộ, không xảy ra các vụ mâu mắc tại cộng đồng.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá, rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai mô hình. Nhân rộng cách làm hay, hiệu quả, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong quá trình thực hiện. Chúng tôi quyết tâm kéo giảm tội phạm và các hành vi vi phạm do người mắc bệnh tâm thần gây ra, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân” – Thượng tá Trần Đăng Khoa cho biết thêm.

Như Hùng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phap-luat/mo-hinh-quan-ly-phong-ngua-nguoi-tam-than-gay-an-o-hoa-binh-643561/