Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở huyện Thạch Thành

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, địa phương, huyện Thạch Thành đã đẩy mạnh tuyên truyền; duy trì, nhân rộng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ); lấy việc thành lập câu lạc bộ (CLB) gia đình phát triển bền vững và nhóm PCBLGĐ để triển khai các nội dung về xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Các thành viên CLB “Gia đình 5 không, 3 sạch” xã Thành Tân.

Do vậy, tình trạng xảy ra BLGĐ đã được từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ BLGĐ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Để cụ thể hóa và đưa Luật PCBLGĐ vào cuộc sống, UBND huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về PCBLGĐ; xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các văn bản đến các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn. Đồng thời xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp nhằm triển khai hiệu quả Luật PCBLGĐ; tổ chức, hướng dẫn các địa phương lồng ghép nội dung PCBLGĐ vào các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao và treo băng zôn, khẩu hiệu, panô áp phích, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh nhằm nâng cao hiểu biết cho nhân dân về tầm quan trọng của gia đình trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Chỉ đạo phòng tư pháp phối hợp với hội LHPN huyện tổ chức các hội nghị phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới tại các xã, thị trấn; phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền các văn bản pháp luật trong các CLB PCBLGĐ, CLB phụ nữ với pháp luật, CLB hạnh phúc gia đình...

Theo bà Bùi Thị Bích Thủy, chủ tịch hội LHPN huyện thì nguyên nhân sâu xa dẫn đến BLGĐ là do bất bình đẳng giới, thiếu hiểu biết về Luật PCBLGĐ. Điều đáng nói là khi xảy ra BLGĐ trong gia đình, hầu hết các nạn nhân giấu, không chủ động báo cáo với các cơ quan chức năng, thậm chí khi bị thương phải điều trị tại các cơ sở y tế vẫn không tố giác hành vi bạo lực của thành viên gia đình gây ra cho bản thân... Do đó, gây khó khăn trong việc phát hiện, xử lý, ngăn chặn kịp thời tình trạng BLGĐ. Từ khi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai Luật PCBLGĐ và các văn bản quy phạm pháp luật quy định, xử lý cụ thể các hành vi vi phạm và đặc biệt là mô hình PCBLGĐ ra đời, phát triển đã góp phần đẩy lùi, ngăn chặn và hàn gắn những hậu quả mà BLGĐ gây ra. Bên cạnh đó, các mô hình theo dõi, thực hiện tư vấn công tác PCBLGĐ, hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ của hội LHPN các cấp được mọi người tích cực hưởng ứng. Hầu hết các xã, thị trấn đã xây dựng mô hình PCBLGĐ, các CLB phòng chống tội phạm, CLB không sinh con thứ 3. Các thôn đều có các tổ tự quản, tổ hòa giải và chi hội phụ nữ... hoạt động dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Vì thế tình trạng BLGĐ trên địa bàn huyện có chiều hướng ngày một giảm. Theo thống kê số liệu về BLGĐ của tòa án nhân dân huyện, năm 2009 xảy ra 49 vụ BLGĐ, đến năm 2014 có 26 vụ BLGĐ, giảm 23 vụ. Và từ đầu năm 2018 đến nay không có vụ việc BLGĐ bị xử lý.

Còn bà Lê Thị Hương, phó trưởng phòng văn hóa – thông tin huyện, cho biết: Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức của người dân về PCBLGĐ đã được nâng lên rõ rệt, nhất là nam giới, hành vi ứng xử của các thành viên trong gia đình đối với trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi được nâng cao. Đa số các hộ dân đã nhận thấy được trách nhiệm của mình trong việc phát hiện, tố cáo những hành vi bạo hành gia đình để các cơ quan chức năng kịp thời can thiệp cũng như quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển kinh tế gắn với xây dựng gia đình văn hóa. Bên cạnh đó, nội dung Luật PCBLGĐ được cụ thể hóa, lồng ghép vào các hoạt động của phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa; phong trào xây dựng nông thôn mới và xây dựng đô thị văn minh. Các ban, ngành, đoàn thể đã cụ thể hóa nội dung PCBLGĐ với các phong trào thi đua, như: Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo; nuôi con khỏe, dạy con ngoan; xóa đói, giảm nghèo..., đồng thời gắn nội dung PCBLGĐ với việc đăng ký, bình xét danh hiệu gia đình văn hóa. Kết quả, số gia đình đạt chuẩn danh hiệu gia đình văn hóa liên tục tăng, đến nay đạt 84,5% tổng số gia đình.

Có thể thấy, nhờ làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nhận thức của nhân dân về vấn đề bình đẳng giới và PCBLGĐ ngày càng được nâng cao. Quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, phát huy những giá trị, truyền thống quý báu, tốt đẹp của gia đình Việt Nam, gìn giữ và phát huy những chuẩn mực của gia đình nhằm góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc.

Bài và ảnh: Mai Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/j04s80/new-article.aspx