Mô hình phát triển kinh tế hiệu quả ở Mồ Sì San

Xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ là một trong những xã vùng cao nơi biên giới khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu. Thế nhưng, với sự đồng hành, sẻ chia, giúp đỡ tận tình của những người lính Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, BĐBP Lai Châu, thời gian gần đây, cuộc sống của đồng bào dân tộc vùng biên ải này đang có những bước chuyển mình tích cực.

Cán bộ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, BĐBP Lai Châu hướng dẫn gia đình chị Phùng Lở Mẩy, ở bản Séo Hồ Thầu, xã Mồ Sì San chăm sóc đàn dê. Ảnh: Bảo An

Cán bộ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, BĐBP Lai Châu hướng dẫn gia đình chị Phùng Lở Mẩy, ở bản Séo Hồ Thầu, xã Mồ Sì San chăm sóc đàn dê. Ảnh: Bảo An

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, những năm qua, Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế giúp bà con các dân tộc vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống, trong đó, mô hình hiệu quả nhất là nuôi dê tập trung.

Xác định xã Mồ Sì San là nơi có địa hình đồi núi dốc, thảm thực vật phong phú, thuận lợi cho chăn nuôi gia súc, Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải đã xây dựng mô hình chăn nuôi theo nhóm. “Lúc đầu, việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con rất khó khăn, do bà con chưa quen với cách làm tập thể, cùng nhau làm, cùng nhau hưởng” - Đại úy Nguyễn Hữu Kiểm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải cho biết. Với phương châm tuyên truyền, kết hợp với vận động, kiên trì giải thích, từ đó, người dân đã hiểu được cách làm, thay đổi nếp nghĩ, rồi tự giác tham gia nhiệt tình. Ngoài ra, hàng tuần, cán bộ, chiến sĩ đơn vị thường xuyên xuống hướng dẫn bà con kiểm tra chuồng trại chăn nuôi của bà con, không để dê bị dịch bệnh.

Kể lại quá trình thực hiện mô hình chăn nuôi dê trên địa bàn, Đại úy Kiểm chia sẻ, năm 2013, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Trì tổ chức lễ kết nghĩa với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải. Qua đó, đơn vị kêu gọi hỗ trợ được 100 triệu đồng làm vốn, xây dựng mô hình tập trung chăn nuôi dê tại 2 xã Pa Vây Sử và Mồ Sì San. Mỗi xã được giao 30 con dê giống, do 2 nhóm quản lý. Cán bộ, chiến sĩ xắn tay cùng đồng bào phát bụi rậm, san mặt bằng làm chuồng trại, rồi mua sách kỹ thuật chăn nuôi về hướng dẫn bà con. Đối với những gia đình đặc biệt khó khăn, Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải còn vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ bò giống, tạo sinh kế để phát triển kinh tế cho các hộ gia đình.

“Hiện, xã Mồ Sì San có 450 hộ với hơn 2.600 khẩu, chủ yếu là người dân tộc Dao đỏ sinh sống. Trong xã, tỉ lệ hộ nghèo còn chiếm hơn 50%. Thành công bước đầu của mô hình chăn nuôi dê tập trung tại xã đã in dấu công lao của những người lính Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải và sự nỗ lực của người dân. Tôi hy vọng, mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới vì phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu và đặc điểm chăn thả của đồng bào dân tộc tại địa phương” - Ông Tẩn Chin Lùng, Chủ tịch UBND xã Mồ Sì San khẳng định.

Chúng tôi theo chân cán bộ Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải đến thăm gia đình anh Tẩn Sài Phạ và chị Phùng Lở Mẩy, ở bản Séo Hồ Thầu, xã Mồ Sì San. Gia đình anh Phạ vốn là một trong những hộ nghèo nhất bản Séo Hồ Thầu, quanh năm phải lo ăn từng bữa, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn gạo trợ cấp của Nhà nước. Thế nhưng, sau khi nhận dê giống, được Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải hỗ trợ hướng dẫn cách nuôi, từ đàn dê 5 con ban đầu, đến nay, đã tăng lên gần 50 con. Kinh tế gia đình giờ đây đã dần ổn định, 3 người con của anh chị có điều kiện để đến trường học tập. Trò chuyện với chúng tôi, chị Phùng Lở Mẩy chia sẻ: “Được chính quyền xã và BĐBP lựa chọn để nhận dê giống về chăm sóc, nuôi dưỡng, mình lo lắng lắm, vì chưa nuôi bao giờ. Thế nhưng khi cán bộ Biên phòng về bản hướng dẫn cách làm chuồng, chăm sóc, mình thấy có thể làm được nên nhận nuôi. Dê giống khỏe, sinh sản tốt, nên giờ mình có cả đàn dê rồi, kinh tế của gia đình mình ngày càng khấm khá”.

Thiếu úy Tẩn Chỉn Minh, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải cho biết: “Để hỗ trợ, giúp đỡ bà con, đơn vị đã cử cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xuống hướng dẫn bà con cách làm chuồng trại và chăm sóc theo từng đàn. Chúng tôi hướng dẫn khoảng 10 gia đình nghèo và làm tập trung, bước đầu chỉ khoảng 10 đến 15 con. Thời gian tới, chúng tôi vẫn đặt mục tiêu nuôi dê là hướng phát triển kinh tế chủ đạo, giúp đồng bào Dao đỏ thoát nghèo”.

Bảo An

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mo-hinh-phat-trien-kinh-te-hieu-qua-o-mo-si-san-post430962.html