Mô hình lúa + cá giống 'sống chung với lũ'

Mô hình lúa + cá giống mà ông Âu Văn On khai sáng đã có sức lan tỏa mạnh tại Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Sau trận lũ lịch sử năm 2000 tại Đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể hóa chủ trương “chung sống với lũ”, nông dân Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã rút ra nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn đối mặt với thiên tai cũng như nhu cầu thị trường.

Từ đó, bà con nhanh chóng chuyển đổi từ mô hình trồng lúa độc canh ba vụ mỗi năm nhiều rủi ro sang kết hợp trồng lúa với ương dưỡng cá giống nước ngọt (gọi là lúa + cá giống) cung ứng cho nhu cầu nuôi thủy sản nước ngọt khu vực phía Nam.

Từ cách làm hiệu quả

Người đi tiên phong thực hiện mô hình rất thành công, được nông dân địa phương ngưỡng mộ, học tập và làm theo là ông Âu Văn On, cư ngụ tại ấp Mỹ Chánh 4, xã Hậu Mỹ Bắc A.

Mỹ Chánh 4 là ấp vùng trũng của Đồng Tháp Mười, nhiễm chua phèn nặng, trồng lúa năng suất thấp, bấp bênh. Những năm lũ lớn và nước tràn về sớm coi như mất trắng.

Ông Âu Văn On có 2,5 ha đất trồng lúa và là nông dân nhạy bén, ham học hỏi và tìm kiếm, sáng tạo những mô hình kinh tế mới. Nhận thấy trồng lúa khó làm giàu, ông nghiên cứu học kỹ thuật cho cá nước ngọt đẻ bằng phương pháp nhân tạo sau đó đem cá bột lên ương dưỡng trên ruộng lúa của mình.

Ông đầu tư vốn cải tạo ao mương nuôi cá bố mẹ, xây bể ương ép cá giống. Cá bột ép đẻ được ông đưa lên ương dưỡng trên ruộng lúa thành cá giống cung ứng cho thị trường. Bên cạnh đó, ông chủ động bố trí mùa vụ lại một cách hợp lý. Vụ Đông Xuân trồng lúa, thời gian còn lại trong năm dành cho việc ương dưỡng cá giống. Các loại cá ương dưỡng trên ruộng lúa: cá mè, chép, trôi, cá hường, trắm cỏ…

Đất đai không phụ công lao khó nhọc của người nông dân cần cù, chịu khó và biết nắm bắt thời cơ, vận hội mới, khi Đảng, Nhà nước ta đang khuyến khích vùng ngập lũ chuyển đổi sản xuất theo hướng “chung sống với lũ”.

Mô hình canh tác mới mang lại cho ông thành công lớn. Trung bình 1,5 kg thức ăn cho ra 1 kg cá giống. Năng suất cá giống đạt 1,5 tấn/ ha/vụ. Mỗi năm sản xuất được 3 vụ cá giống. Với 2,5 ha đất canh tác, áp dụng mô hình lúa + cá giống, mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông Âu Văn On thu lãi trên 300 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với độc canh cây lúa trước đây vừa không phải lo lũ lụt hàng năm gây hại.

Đến cả làng cùng làm giàu

Không chỉ làm giàu cho riêng mình, ông đã chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ao mương, cải tạo đồng ruộng phục vụ cho mục tiêu ương dưỡng cá giống trên ruộng lúa cho gần 200 hộ nông dân ở ấp Mỹ Chánh 4 để cùng áp dụng. Đối với những hộ nông dân nghèo ông cho mượn con giống không lấy lãi, đến khi thu hoạch bán cá giống trả lại vốn, tạo điều kiện để bà con cùng vượt khó vươn lên làm giàu.

Chị Trần Thị Như, cư ngụ cùng ấp với ông Âu Văn On cũng là người được ông giúp kỹ thuật canh tác, cho mượn con giống để tổ chức lại sản xuất theo hướng “chung sống với lũ” mà vượt khó, thoát nghèo và dựng nên cơ nghiệp bền vững trên miền đất khó năm xưa.

Chị Như cho biết, trước đây, gia đình chị rất nghèo, không có đất đai canh tác, phải làm thuê, làm mướn vất vả quanh năm. Cám cảnh nghèo khó của chị, ông Âu Văn On khuyến khích chị thuê mướn đất để trồng lúa và ương dưỡng cá giống cung ứng thị trường theo cách ông đã làm.

Học theo ông On, ban đầu chị thuê 2 công đất (0,2 ha) ương dưỡng cá giống, mỗi năm bán thu lãi ròng vài chục triệu đồng. Làm ăn có lãi khá chị dành dụm, tích lũy tái sản xuất mở rộng, sau gần 20 năm gắn bó mô hình làm ăn mới trên vùng ngập lũ, chi Như đã tậu được 1,5 ha đất sản xuất, trở thành điển hình vượt khó làm giàu ở Hậu Mỹ Bắc A hôm nay.

Hay như ông Lê Quốc Vũ, cũng là một nông dân lam lũ ở địa phương. Gia đình ông canh tác khoảng 1 ha đất trồng lúa ba vụ/năm. Đồng cảnh ngộ bị thiên tai lũ lụt gây hại hàng năm, ông Vũ học tập kinh nghiệm và áp dụng mô hình lúa + cá giống mà ông Âu Văn On đã khởi xướng rất thành công.

Ông Lê Quốc Vũ cho biết, sau khi thu hoạch lúa vụ Đông Xuân xong ông đốt rơm rạ, bơm nước lên và thả cá bột để ương lên cá giống. Trung bình 2,5 đến 3 tháng xong một vụ và tiếp tục ương vụ sau cho đến khi bắt tay vào sản xuất vụ lúa Đông Xuân mới.

Về cá giống thì thay đổi theo vụ, vụ này có thể ương cá mè nhưng vụ sau có thể ương cá trôi, cá chép… Đối với vụ lúa Đông Xuân, nhờ mùn bả hữu tồn dư qua 3 vụ nuôi cá nên hầu như ông không phải bón phân đạm, chỉ bón một ít ka li và phun xịt thuốc trừ bệnh 3 lần/vụ, không dùng thuốc trừ cỏ trong khi năng suất lúa vẫn bội thu, từ 80 - 90 tạ/ha. Hạch toán mỗi năm, ông đạt lợi nhuận bình quân trên 100 triệu đồng; trong đó, riêng lợi nhuận từ cá giống khoảng 70 triệu đồng.

Gần 20 năm qua kể từ sau trận lũ lụt lịch sử năm 2000, nông dân Âu Văn On vẫn gắn bó chung thủy với con cá giống. Có khác ở chỗ ngoài những con cá dễ cho đẻ bằng phương pháp nhân tạo: rô phi, mè, chép, trôi… Ông tiếp tục tìm hiểu kỹ thuật và cho đẻ thành công những con cá khó tính hơn: cá chình, cá chim trắng... nhằm đa dạng hóa nguồn cung cá giống cho nhu cầu nuôi cá nước ngọt của người dân. Đặc biệt, ông là người đầu tiên ở Tiền Giang cho đẻ thành công cá chim trắng nước ngọt bằng phương pháp nhân tạo.

Ghi nhận những công lao và đóng góp to lớn của người nông dân Đồng Tháp Mười, Thủ tướng Chính phủ đã tặng ông Âu Văn On Huân chương Lao động hạng II.

Mô hình lúa + cá giống mà ông khai sáng đã có sức lan tỏa mạnh tại địa phương, giúp hình thành nên làng cá giống Hậu Mỹ Bắc A với gần 200 hộ nông dân, diện tích canh tác trên 150 ha. Đây là làng cá giống có qui mô tập trung lớn nhất và cũng hiệu quả nhất tỉnh Tiền Giang trong gần hai thập kỷ qua.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, trung bình mỗi năm, làng cá giống Hậu Mỹ Bắc A cung ứng gần 1 tỉ con cá bột, khoảng 500 tấn cá giống nước ngọt các loại. Từ độc canh cây lúa mỗi năm ba vụ nhiều rủi ro, nông dân đã chuyển hẳn sang mô hình 1 vụ lúa Đông Xuân + 3 vụ ương dưỡng cá giống. Hậu Mỹ Bắc A cũng là nơi có nguồn cung cá giống nước ngọt quan trọng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Đông Nam bộ và một phần xuất sang Campuchia.

Nhờ chuyển đổi sang mô hình mới, lấy con cá giống làm đầu cơ nghiệp, Hậu Mỹ Bắc A từ nhiều năm qua đã xây dựng được mô hình cánh đồng 100 triệu đồng/ha. Riêng tại các ấp Mỹ Chánh 4, Mỹ Chánh 5 - cái nôi của mô hình mới, hiện không còn hộ nghèo khó trong khi nhiều hộ vươn lên làm giàu bền vững. Hơn 90% hộ dân cất được nhà cửa kiên cố, khang trang với đầy đủ tiện nghi trong gia đình…

Minh Trí (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/mo-hinh-lua-ca-giong-song-chung-voi-lu-20180919093900999.htm