Mô hình hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Giải quyết tranh chấp hiệu quả và nhân văn

Cho ý kiến Dự án Luật Hòa giải, đối thoại (HG, ĐT) tại Tòa án tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) lần thứ 37, đa số đại biểu Quốc hội (QH) đều tán thành với mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của dự án luật này khi được thông qua cũng như đánh giá cao nỗ lực của TANDTC khi xây dựng dự thảo luật.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Người dân có lợi đầu tiên

Theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, sau khi thực hiện thí điểm thành công tại nhiều tỉnh, thành phố, mô hình HG, ĐT tại Tòa án đã thu được những kết quả tích cực, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá là mô hình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong đời sống, xã hội, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.

Với mục tiêu xây dựng cơ chế pháp lý mới để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; thu hút, huy động nguồn nhân lực có kiến thức và kinh nghiệm trong xã hội tham gia để giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính và nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; tăng tỷ lệ hòa giải thành, đối thoại thành, TANDTC trình xây dựng dự án Luật HG, ĐT tại Tòa án với 4 chương và 30 điều.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết thêm, việc thực hiện các cơ chế hòa giải hiện nay đang có một số hạn chế. Thứ nhất, do các thẩm phán nhiều việc nên không có thời gian đầu tư cho hòa giải. Thứ hai, do thẩm phán phải đảm bảo khách quan, nên không được phép đưa ra lời khuyên có lợi cho bất cứ bên nào.

Vì vậy, nếu dự án luật được thực thi được trong cuộc sống thì người dân sẽ là người có lợi đầu tiên. Ông Bình giải thích, “về bản chất, đây là hòa giải ngoài tố tụng, trước khi tòa án thụ lý. Vì sao là “tại tòa án”, vì có sự tham gia của tòa án trong quá trình hòa giải này. Vai trò của tòa là gì? Tòa làm 2 việc: thứ nhất là điều hành, quản lý việc hòa giải (phân công thẩm phán, phân công hòa giải viên phụ trách vụ việc); thứ hai là công nhận kết quả, vì nó có giá trị pháp lý như một bản án. Khác với hòa giải ở cơ sở (không có hiệu lực thi hành bắt buộc) thì hòa giải này có hiệu lực thi hành bắt buộc”.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số vấn đề còn ý kiến khác nhau về phạm vi HG, ĐT tại Tòa án, lệ phí HG, ĐT; tiêu chuẩn bổ nhiệm Hòa giải viên, Đối thoại viên; thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.

Cho ý kiến dự án Luật trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga đánh giá, dự án Luật đã được chuẩn bị rất tốt, không mang lại lợi ích gì cho tòa, mà mang lại lợi ích chung cho người dân và tòa sẽ vất vả hơn nhiều. Cũng hiếm luật nào mà Chánh án rất sát sao, tổ chức thí điểm, tổng kết thí điểm, mời cả chuyên gia nước ngoài cùng tham gia trong quá trình thí điểm, xây dựng luật như lần này.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc thì đánh giá cao nỗ lực của ngành tòa án trong việc đưa ra một dự luật không có lợi gì cho mình. Tuy nhiên, ông Ngọc cũng cho rằng, cơ chế này muốn thành công cần có sự chân thành của tòa án vì “rất khó hiệu quả nếu không có sự thực tâm của tòa án.

Đưa ra một quy trình lấy đi công việc của tòa thì các thẩm phán có thực sự mong muốn không? Nếu không thì rất khó thành công”. Ngoài ra, còn có 2 yếu tố rất cần thiết khác là việc áp dụng phải thống nhất và các bên tham gia phải rất chuyên nghiệp, đặc biệt là hòa giải viên.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, hòa giải, đối thoại tại tòa án là một cơ chế “vừa mang tính pháp lý, vừa mang tính xã hội” và có tính nhân văn cao. Cơ chế này sẽ giảm bớt áp lực công việc cho tòa án (số vụ tòa phải thụ lý giảm đi); huy động được đóng góp của những người đã về hưu, có uy tín làm hòa giải viên; tạo không khí xã hội mềm mại hơn; có thể giữ được bí mật cho các bên tham gia.

Băn khoăn việc thẩm tra Dự án sân bay Long Thành

Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ xin được trình UBTVQH xem xét báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 tại phiên họp lần thứ 38 (tức phiên họp tháng 10), sau đó xin đưa vào chương trình kỳ thứ 8 vì “đây là nội dung rất quan trọng”.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) của QH Vũ Hồng Thanh đã bày tỏ sự băn khoăn và cho rằng rất khó thực hiện được theo đề nghị trên vì “khoảng 13 - 14/10 UBTVQH mới họp phiên thứ 38. QH dự kiến khai mạc ngày 21/10 thì chỉ còn mấy ngày để chúng tôi thẩm tra.

Hồ sơ của dự án chúng tôi tiếp cận được là hơn 1 tạ, mà cho vài ngày như thế thì chất lượng báo cáo trình QH thế nào? Bây giờ chúng tôi còn chưa biết sẽ báo cáo thẩm tra nội dung gì”.

Theo ông Thanh, hiện báo cáo khả thi của dự án chưa có nội dung, tiêu chí nào để thẩm tra, đánh giá. Hội đồng thẩm định nhà nước cũng chưa có đánh giá gì. Hiện, cơ quan chức năng vẫn đang thuê tư vấn nước ngoài đánh giá một số vấn đề của báo cáo, mà đưa vào chương trình thì UBKT rất băn khoăn, lo ngại về chất lượng thẩm tra.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng, với điều kiện như thế thì không thể trình ra QH ở kỳ họp thứ 8 được vì “ngay thời gian để thẩm tra cũng không đủ, còn đánh giá tác động, hội thảo, nghiên cứu... Một dự án lớn như thế, thẩm tra qua loa thế nào được. Sau đó còn phải gửi cho đại biểu QH trước (20 ngày) theo quy định”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tiếp tục đề nghị UBTVQH đưa vào cuối chương trình Kỳ họp thứ 8 để QH có thể thông qua, thuận lợi cho triển khai, chứ nếu thêm 1 kỳ họp nữa thì quá chậm. Do hội đồng thẩm định có cả tổ chức quốc tế nữa nên hơi chậm, nhưng Thủ tướng đang chỉ đạo quyết liệt việc này.

Kết thúc thảo luận, nhấn mạnh tầm quan trọng của công trình này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, nếu UBKT thấy hồ sơ đáp ứng được yêu cầu thì cố gắng đưa vào chương trình kỳ họp để Quốc hội xem xét.

Phạm Diệu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/mo-hinh-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an-giai-quyet-tranh-chap-hieu-qua-va-nhan-van-470979.html