Mô hình hỗ trợ người nghiện tại quận Nam Từ Liêm: Những tín hiệu tích cực

Qua hơn một năm triển khai thí điểm, mô hình 'Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy' trên địa bàn quận Nam Từ Liêm đã ghi nhận những tín hiệu tích cực, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người nghiện ma túy.

 Tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác pháp lý và xã hội, phường Mỹ Đình 1. Ảnh: Trần Thảo

Tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác pháp lý và xã hội, phường Mỹ Đình 1. Ảnh: Trần Thảo

Giảm sự kỳ thị của xã hội với người nghiện

Phường Mỹ Đình 1 là một trong 3 phường đầu tiên của quận Nam Từ Liêm triển khai thí điểm mô hình “Hỗ trợ, tư vấn, pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy”. Phường đã bố trí một phòng tư vấn tại Trạm y tế, lựa chọn điều phối viên, tư vấn viên để thực hiện nhiệm vụ điều phối hoạt động kết nối giữa những thành viên tham gia trong mọi hoạt động chuyên môn của mô hình. Đồng thời kết nối với các đơn vị và cử cán bộ tham gia hỗ trợ quá trình đánh giá.
Từng là cán bộ có kinh nghiệm 10 năm công tác trong ngành công an, ông Đỗ Quang Ngoan – điều phối viên, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm chia sẻ, yếu tố cốt lõi của mô hình là giảm sự kỳ thị của xã hội với những người nghiện. Vì thế, để thực hiện mô hình hiệu quả, điều phối viên phải ân cần, chăm sóc, giúp đỡ, hỏi han người bệnh, đặc biệt, phải tuyệt đối giữ gìn thông tin cá nhân cho người bệnh. Tuy nhiệm vụ khởi đầu chỉ là nắm bắt thông tin tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người bệnh nhưng vai trò của điều phối viên cũng không kém phần quan trọng so với tư vấn viên. Còn với những tư vấn viên, thực tế có người cũng đã từng mắc nghiện. Vì thế, họ hiểu và nắm bắt thông tin về người bệnh khá rõ. Từ đó, họ sẽ tư vấn cho người bệnh sâu hơn và hiệu quả hơn.
Theo ông Đỗ Quang Ngoan, bình thường tiếp cận với người nghiện đã khó nhưng để họ làm theo ý mình lại càng khó hơn. Trong khi, mục đích phỏng vấn chủ yếu là lắng nghe người bệnh chia sẻ. Vì vậy, trong quá trình chia sẻ và phỏng vấn người bệnh, kỹ năng đầu tiên khi gặp họ, điều phối viên phải tạo thiện cảm, niềm tin, động lực cho họ. Nếu người bệnh cởi mở, điều phối viên sẽ tiếp tục tư vấn. Ở mô hình này, người quyết định cuối cùng là người bệnh chứ không phải là điều phối viên. Ngoài ra, trong quá trình chuyển gửi, điều phối viên thường xuyên gọi điện trao đổi, đến nhà gặp gỡ, hỏi thăm người bệnh nhằm tạo động lực cho họ cũng như gia đình cảm thấy yên tâm hơn.
Được triển khai thí điểm từ tháng 5/2019 đến nay, phường Mỹ Đình 1 đã hỗ trợ chuyển gửi 30 người bệnh lên Trung tâm Y tế quận Nam Từ liêm để khám sức khỏe và chăm sóc y tế. Qua đó, 100% người bệnh được khám sàng lọc ban đầu; 30 người được tư vấn chuyển gửi đến dịch vụ xét nghiệm HIV, lao, viêm gan B, C; 26 người được đưa vào điều trị thay thế bằng Methadone. Hiện tại, đã có 2 người bệnh nghỉ điều trị Methadone. “Thời gian tới, các đơn vị, địa phương nên triển khai mô hình đồng bộ, với phương thức, phường nào phường đó quản lý, không nặng về chỉ tiêu để mô hình hoạt động hiệu quả hơn” - điều phối viên Đỗ Quang Ngoan nhấn mạnh.

Người bệnh tham gia tư vấn tại phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm.

Tiếp tục hỗ trợ thẻ BHYT
Phó Trưởng phòng LĐTB&XH quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Thanh Hoa cho biết, từ tháng 5/2019, UBND quận Nam Từ Liêm phối hợp với Sở LĐTB&XH Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) triển khai thí điểm mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy trên địa bàn quận Nam Từ Liêm” theo Kế hoạch 40/2019/KH-UBND của UBND TP Hà Nội. Mô hình được áp dụng thí điểm tại 3 phường: Xuân Phương, Cầu Diễn, Mỹ Đình 1.
Bằng những biện pháp tích cực, tính đến cuối tháng 10/2020, tổng số người nghiện ma túy được chuyển gửi theo mô hình là 94 người. Trong đó, 94 người nghiện ma túy được điều phối viên tiếp nhận, sàng lọc và can thiệp ngắn. 10 người được tư vấn, chuyển gửi đến dịch vụ xét nghiệm và điều trị dự phòng HIV. 60 người được chuyển gửi đến cơ sở Methadone. 35 người được tư vấn chuyển gửi đến dịch vụ điều trị cai nghiện ma túy. Đặc biệt, mô hình đã hỗ trợ pháp lý và thủ tục hành chính cho 49 người; chuyển gửi điều trị sức khỏe tâm thần 2 người và tư vấn, chuyển gửi 1 người tới dịch vụ dạy nghề, tạo việc làm.
Để tiếp tục triển khai mô hình có hiệu quả, thời gian tới, quận Nam Từ Liêm đề nghị Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tư vấn của tư vấn viên và điều phối viên. Nhà nước tiếp tục hỗ trợ thẻ BHYT cho những người đã và đang tham gia mô hình (với những trường hợp chưa có và hết hạn thẻ BHYT). Bổ sung thêm cho mỗi phường một tư vấn viên để kết hợp với điều phối viên tư vấn, hỗ trợ trực tiếp khách hàng tại nơi cư trú. “Đặc biệt, quận Nam Từ Liêm đề nghị TP cũng như các đơn vị có chính sách riêng cho những trường hợp người ngoại tỉnh, có cách theo dõi hay hỗ trợ bàn giao lại cho địa phương nơi người sau chuyển gửi trở về tái hòa nhập cộng đồng để quản lý và hạn chế những trường hợp có nguy cơ tái nghiện sau khi trở về” - Phó trưởng phòng LĐTB&XH quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Thanh Hoa nói.

Việc chuyển gửi mô hình uống thuốc Methadone rất hiệu quả, số lượng người sử dụng Methadone ở phường Mỹ Đình 1 có 26 người. Hầu hết những người đi uống thuốc Methadone đều rất yên tâm. Phần lớn người uống Methadone đã có cuộc sống tốt, sức khỏe, cơ thể tốt lên. Gia đình thấy người thân tuân thủ thời gian uống thuốc, tư tưởng thay đổi, quyết tâm từ bỏ ma túy nên phần nào cũng tin tưởng.
Ông Đỗ Quang Ngoan – điều phối viên, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm

Việc triển khai mô hình thí điểm hỗ trợ tư vấn pháp lý, chuyển gửi người nghiện ma túy trên địa bàn 3 phường tại quận Nam Từ Liêm đã giúp cho người nghiện có thêm nhiều cơ hội được quan tâm chăm sóc, hỗ trợ, tư vấn. Thông qua các cuộc làm việc, trao đổi của tư vấn viên, điều phối viên, chương trình đã giúp cho người nghiện bớt tự ti, mặc cảm và có thêm động lực để quyết tâm cai nghiện. Số người nghiện ma túy được hỗ trợ tư vấn pháp lý và chuyển gửi có những biểu hiện tích cực, chủ động hợp tác, góp phần làm giảm tỷ lệ số người đi cai nghiện bắt buộc trên địa bàn.
Phó Trưởng phòng LĐTB&XH quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Thanh Hoa

Thảo Trần

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/mo-hinh-ho-tro-nguoi-nghien-tai-quan-nam-tu-liem-nhung-tin-hieu-tich-cuc-400638.html