Mô hình hàng không giá rẻ lan sang đường sắt ở châu Âu

Các hãng hàng không như Ryanair (Ireland) và EasyJet (Anh) đã mang lại sự lựa chọn đi lại hàng không giá rẻ ở châu Âu bằng cách cắt giảm các dịch vụ không cần thiết và giờ đây mô hình này đang lan sang đường sắt, theo Bloomberg.

Một đoàn tàu của công ty vận chuyển đường sắt giá rẻ Italo (Ý). Ảnh: Wikimedia

Tàu giá rẻ sắp nở rộ ở châu Âu?

Khi ngày càng có nhiều hành khách chuyển sang sử dụng các hãng hàng không giá rẻ như Ryanair và EasyJet, các hãng hàng không gạo cội ở châu Âu lo lắng tột độ và buộc phải cắt giảm giá vé, rồi tính phí hành khách mọi thứ từ hành lý cho đến bia và đã có một số hãng tuyên bố phá sản vì không cạnh tranh nổi.

Chẳng bao lâu nữa, các công ty vận chuyển đường sắt hàng đầu ở châu Âu như công ty đường sắt quốc gia Pháp (SNCF) hay công ty đường sắt Deutsche Bahn (Đức) có thể đối mặt với cơn chấn động tương tự khi châu Âu thúc đẩy tính cạnh tranh trong dịch vụ vận chuyển đường sắt.

Jacques Gounon, giám đốc điều hành công ty Getlink, đơn vị quản lý đường hầm eo biển Anh, một tuyến đường sắt dài 50,45 km nằm dưới biển Manche kết nối thị trấn Folkestone (Anh) với thị trấn Coquelles (Pháp) cho rằng giá vé đường sắt rẻ hơn có thể thu hút hàng triệu hành khách mới.

Getlink đang vận hành tàu chở xe tải và xe hơi thông qua tuyến đường hầm này và đang cân nhắc triển khai dịch vụ vận chuyển hành khách bằng tàu cao tốc với giá rẻ để cạnh tranh với Eurostar International, công ty vận chuyển hành khách bằng đường sắt cao tốc duy nhất khai thác tuyến đường hầm eo biển Anh với giá vé cao ngất ngưởng 510 đô la Mỹ cho chuyến đi khứ hồi London-Paris. SNCF đang nắm giữ 55% cổ phần của Eurostar International.

“Chúng tôi tin rằng có nhu cầu cho sự lựa chọn giá rẻ hơn qua tuyến đường hầm này”, Gounon nói.

Liên minh châu Âu (EU) đã ra lệnh các nước thành viên phải mở cửa tất cả các dịch vụ vận chuyển đường sắt thương mại trong nước để cạnh tranh vào năm 2020. Kinh nghiệm cho thấy điều này dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ với sự xuất hiện nhiều dịch vụ vận chuyển đường sắt giá rẻ trong tương lai. Việc cho phép các công ty vận chuyển đường sắt cạnh tranh trên các tuyến đường sắt như Prague – Ostrava ở Cộng hòa Czech đã giúp lượng hành khách đi tàu tăng gần gấp đôi trong một số trường hợp, trong khi đó, giá vé tàu cũng giảm mạnh.

Công ty FlixMobility (Đức), đang cung cấp dịch vụ vận chuyển xe buýt giữa các nước châu Âu, gần đây đã khai khác dịch vụ vận chuyển đường sắt cao tốc ở hai tuyến đường sắt tại Đức với mức giá vé rẻ hơn thông thường. Sự cạnh tranh rộng rãi hơn sẽ làm gia tăng tần suất sử dụng mạng lưới đường sắt cao tốc dài hơn 9.000km của châu Âu mà phần lớn chưa sử dụng hết công suất. Chẳng hạn, tuyến đường sắt ở đường hầm eo biển Anh chỉ hoạt động khoảng 58% công suất.

Các công ty đường sắt nhà nước bị đe dọa

Công ty vận chuyển đường sắt nhà nước SNCF (Pháp) đã giới thiệu dịch vận chuyển đường sắt cao tốc giá rẻ có tên gọi Ouigo. Ảnh: Reuters

Một số công ty vận chuyển đường sắt non trẻ ở châu Âu đã thành công nhờ chiến lược giá rẻ. Năm 2012, công ty khởi nghiệp Italo (Ý) được đồng sáng lập bởi Luca Cordero di Montezemolom, cựu chủ tịch hãng xe Ferrari, bắt đầu triển khai dịch vụ vận chuyển đường sắt cao tốc trên Milan-Rome. Hiện nay, công ty này vận chuyển hành khách ở các tuyến đường sắt đi đến 17 thành phố ở Ý bằng những đoàn tàu màu đỏ tươi. Italo giờ đây kiểm soát 30% thị phần đường sắt cao tốc ở Ý, phục vụ khoảng 13 triệu lượt hành khách vào năm ngoái, tăng so với con số 6 triệu vào năm 2014.

Mô hình hoạt động gọn nhẹ của Italo, chẳng hạn, thuê công ty bên ngoài bảo dưỡng các đoàn tàu, đã giúp công ty này bán vé rẻ hơn với công ty vận chuyển đường sắt nhà nước Trenitalia. Trước sự cạnh tranh này, Trenitalia buộc phải cắt giảm giá vé để giữ khách. Giá vé trên các tuyến đường sắt mà Italo vận chuyển hành khách đã giảm trung bình 41%, trong khi đó, lượng hành khách tăng trung bình 80%, theo một nghiên cứu của nhà kinh tế Andrea Giuricin ở Đại học University of Milano-Bicocca (Ý).

Thậm chí, Italo còn gây sức ép cho cả hai hãng hàng không giá rẻ Ryanair và EasyJet, buộc họ phải dừng khai thác tuyến bay giữa Rome và Milan vì Italo cùng Trenitalia cung cấp hàng chục chuyến tàu ngày giữa hai thành phố này với giá vé thấp đến mức 40 euro cho một chuyến khứ hồi. Hồi tháng 3, quỹ đầu tư Global Infrastructure Partners ở New York đã đồng ý mua lại Italo với giá 2 tỉ euro.

Tại Áo, Cộng hòa Czech và Thụy Điển, việc cho phép các công ty vận chuyển đường sắt cạnh tranh trên nhiều tuyến đường sắt như Vienna-Salzburg (Áo) đã tạo ra tác động tương tự với lưu lượng hành khách tăng đến 92%, trong khi, giá vé tàu giảm đến 42% so với trước đây.

Một số công ty đường sắt nhà nước buộc phải tung ra các phương án chống lại các đối thủ giá rẻ. Chẳng hạn, SNCF giới thiệu dịch vận chuyển đường sắt giá rẻ có tên gọi Ouigo, phục vụ các hành trình đến hơn 12 thành phố trên cùng tuyến mà dịch vụ đường sắt cao tốc TGV của SNCF triển khai. Giá vé của dịch vụ Ouigo có thể rẻ đến mức chỉ còn 10 euro nếu đặt mua trực tuyến cho các hành trình dài đến 800km nhờ cắt giảm dịch vụ như buffet, giới hạn không gian để hành lý...

Sử dụng các nhà ga xa trung tâm để giảm giá vé

Getlink vẫn chưa quyết định có nên mở dịch vụ vận chuyển hành khách qua ở tuyến đường sắt ở đường hầm eo biển Anh hay không nhưng dự tính, nếu triển khai, dịch vụ này vẫn có lợi nhuận với giá vé thấp hơn 25% so với giá vé của Eurostar International.

Theo kế hoạch, Getlink sẽ bán rẻ hơn bằng cách tránh các mức phí cao do các nhà ga ở trung tâm nội thành áp đặt. hãng này đang cân nhắc khai thác tuyến đường sắt từ sân bay Charles de Gaulle ở Paris đến thị trấn Stratford ở phía đông London. Vì hành khách phải đi các tàu địa phương đến các nhà ga bên ngoài vùng trung tâm để lên các tàu của Getlink nên tổng thời gian di chuyển của họ có thể dài hơn 50 phút so với hành trình Paris-London của các chuyến tàu Eurostar.

Không giống như Eurostar International, các đoàn tàu của Getlink sẽ không có toa phục vụ cà phê và chỉ có hạng vé phổ thông. Một nghiên cứu của công ty Roland Berger dự báo lượng hành khách sử dụng dịch vụ vận chuyển hành khách tuyến Paris-London với giá rẻ của Getlink có thể đạt khoảng 4 triệu lượt mỗi năm, trong đó hơn một nửa là các hành khách truyền thống của Eurostar chuyển sang.

Cách tiếp cận của Getlink tương tự mô hình vận chuyển hành khách của Ryanair đến các sân bay phụ (xa trung tâm nên có mức phí hạ cánh và cất cánh tương đối hơn) nhưng nó có thể không thích hợp với dịch vụ vận chuyển đường sắt cao tốc.

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/277482/mo-hinh-hang-khong-gia-re-lan-sang-duong-sat-o-chau-au.html