Mô hình giáo dục ngoại khóa tại TP HCM: Làn gió mới trong dạy và học

Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, chính việc đưa HS đến với nhiều hoạt động ngoại khóa, sân chơi văn hóa đã tạo nên môi trường đoàn kết.

Sự sáng tạo, linh hoạt trong thiết kế các chương trình ngoại khóa đã tạo nên làn gió mới trong việc nâng cao chất lượng dạy - học tại nhiều trường phổ thông trên địa bàn TP.HCM, giúp học sinh chủ động tiếp thu, ứng dụng kiến thức...

Giờ học lịch sử mới mẻ của học sinh trường THCS Minh Đức và học sinh quốc tế đến giao lưu tại sân trường.

Giờ học lịch sử mới mẻ của học sinh trường THCS Minh Đức và học sinh quốc tế đến giao lưu tại sân trường.

Làm mới cách giáo dục

Mới đây, đông đảo học sinh (HS) Trường THCS Minh Đức (quận 1, TP.HCM) tỏ ra vô cùng thích thú khi được tìm hiểu về lịch sử thời Hùng Vương và chủ quyền biển đảo Việt Nam ngay tại sân trường. Trước đó, các giáo viên (GV) bộ môn Lịch sử của trường đã lên kế hoạch và liên hệ với bảo tàng để mượn tranh trưng bày trong gần hai tuần. Các tiết học tại lớp nhờ vậy được “hô biến” thành giờ tham quan hay những cuộc thi kiến thức sôi nổi. Thay vì đứng trên bục đọc giảng, GV Lịch sử đóng vai trò thuyết trình viên và đặt ra những câu hỏi, những trò chơi tương tác nhằm kiểm tra kiến thức HS. Kết thúc tiết học, các nhóm HS sẽ làm bài báo cáo, viết cảm nhận hoặc thuyết trình theo chủ đề mình yêu thích.

Cô Hoàng Thị Ngọc Yến, GV bộ môn Lịch sử của nhà trường vui vẻ nói: “Cách dạy này không chỉ khiến HS hứng thú mà GV cũng rất thích. Lồng vào quá trình giới thiệu là những kiến thức liên môn, thực tế và câu hỏi mở để kích thích sự tò mò, tương tác của các em. Việc xem ảnh, nghe thuyết minh, liên hệ giúp các em nắm bài nhanh, nhớ bài lâu”.

Bên cạnh việc đưa bảo tàng về trường học, thời gian gần đây, Trường THCS Minh Đức còn tổ chức nhiều chương trình đưa HS đến bảo tàng, các địa chỉ “đỏ” để tìm hiểu về lịch sử dân tộc. “HS được đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh để học về chiến tranh; đến Bảo tàng Lịch sử để học về lịch sử. Chúng tôi còn tổ chức đưa các em đến những nơi từng diễn ra các sự kiện lịch sử như: Rạch Gầm - Xoài Mút, địa đạo Củ Chi... để các em nhớ về các sự kiện đó. Riêng về bộ tranh lịch sử trưng bày lưu động, mới đầu HS không hào hứng nhưng nhờ các thầy cô chủ động thiết kế các tiết học thú vị, các em đã cuốn hút theo. Các em còn học cả tiếng Anh, Ngữ văn và phát triển các phong trào từ nguồn sử liệu thiết thực này”, cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Tiết chào cờ đầu tuần của Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) nhiều năm nay đã trở thành “khung giờ vàng” không thể bỏ qua. Bởi trong giờ sinh hoạt này, các bạn HS sẽ được thầy hiệu trưởng kể cho nghe những câu chuyện về đạo lý, giáo dục, nhân nghĩa từ cuộc sống hằng ngày.

“Đó không phải là chuyện quá cao siêu, khó hiểu mà rất gần gũi. Như chuyện về tình mẫu tử, về đạo lý trong đời. Nó giúp chúng em thức tỉnh, biết quan tâm đến cha mẹ nhiều hơn, biết lắng nghe, chia sẻ với mọi người”, Lê Duy - HS Trường THPT Nguyễn Du bày tỏ.

Vào cuối tuần và các dịp lễ lớn, bên cạnh sân chơi văn hóa quen thuộc, nhà trường còn chủ động lồng ghép nhiều hoạt động ngoại khóa phù hợp với nhu cầu của bạn trẻ như sân chơi STEM, tìm hiểu công nghệ, các gian hàng khởi nghiệp cho HS, các câu lạc bộ tương tác giữa phụ huynh với GV, nhà trường…

Tăng sự gắn kết

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, chính việc đưa HS đến với nhiều hoạt động ngoại khóa, sân chơi văn hóa đã tạo nên môi trường đoàn kết, cởi mở giữa GV với HS, nâng cao chất lượng giáo dục. Nhà trường còn thiết kế nhiều chuyên đề cho phụ huynh tham gia để hiểu con em mình nhiều hơn và có được phương pháp giáo dục, hỗ trợ phù hợp nhất. Nhờ nhiều sân chơi trí tuệ, sân chơi văn hóa giàu tính nhân văn như vậy mà HS, gia đình và nhà trường đã phối hợp ăn ý hơn, sáng tạo và đổi mới không ngừng trong việc giáo dục đạo đức cho HS.

Thầy Phú cho biết thêm: “Sau mỗi chuyên đề, hoạt động ngoại khóa, chúng tôi nhận về rất nhiều phản hồi tốt từ HS, phụ huynh và GV. Năm học này, chúng tôi phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức chuyên đề dạy văn hóa trong nhà trường nhằm giúp HS hiểu rõ để yêu tiếng Việt hơn và hiểu thế nào là nền văn hóa nghệ thuật dân tộc đậm đà bản sắc. Khách mời là các chuyên gia, nghệ sĩ nổi tiếng và cách trình bày vô cùng gần gũi, thiết thực nên HS nắm kiến thức rất nhanh. Cách truyền đạt kiến thức thông qua các chương trình ngoại khóa thực sự rất phù hợp với điều kiện hiện nay và nó đặt GV trước yêu cầu ngày càng cao để đổi mới liên tục”.

Lồng ghép kiến thức liên môn vào các hoạt động ngoại khóa cũng là cách mà Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức, TP.HCM) triển khai vài năm trở lại đây. Dạy lịch sử qua chuyên đề sân khấu hóa, dạy giới tính qua điện ảnh hay dạy Ngữ văn qua việc kích thích văn hóa đọc là ba điểm mới thu hút HS Trường THPT Nguyễn Hữu Huân tham gia trong năm học này.

Thầy Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc thay đổi cách dạy đã kéo theo nhiều đổi thay tích cực khác: “Từ số lượng sách ban đầu, đến nay, tủ sách tại mỗi lớp đã rất phong phú. Các em HS chủ động kết nối cùng nhau để tăng và trao đổi sách. Thư viện được kết nối mạng và tăng cường các đầu sách phù hợp giúp HS cảm thấy thích thú hơn.

Kết thúc nhiều cuộc thi liên quan đến văn hóa đọc, tôi nhận thấy học trò của mình đã thay đổi rất nhiều. Các em đọc, viết và thể hiện suy nghĩ của mình chỉn chu, khoa học hơn. Nhiều hoạt động thiết thực khác như bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa cũng triển khai hiệu quả thông qua hình thức sân chơi ngoại khóa như thế này. Có thể nói cách dạy học bằng dự án, chuyên đề, ngoại khóa đã giúp cả thầy và trò đều sáng tạo để đạt được kết quả cao hơn”./.

Không áp lực điểm số, không bài vở khô khan, những kiến thức cơ bản được giáo viên lồng ghép khéo léo vào từng buổi sinh hoạt chuyên đề và các chương trình “vừa học vừa chơi” giúp học sinh có thêm nhiều trải nghiệm thực tế.

Gia Mỹ/Báo VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/mo-hinh-giao-duc-ngoai-khoa-tai-tp-hcm-lan-gio-moi-trong-day-va-hoc-986931.vov