Mô hình du lịch nông nghiệp: Bỏ ngỏ đến bao giờ?

Là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, những năm gần đây, bên cạnh việc người dân chú trọng phát triển các loại nông sản hướng đến xuất khẩu và mang lại thu nhập cao, Việt Nam còn được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp (DLNN), tuy nhiên, hiện mô hình kinh tế này vẫn đang phát triển manh mún và chưa xứng với tiềm năng.

Hướng phát triển mới cho nông thôn

Những năm gần đây, bên cạnh mô hình du lịch truyền thống, mô hình kinh tế DLNN, một loại mô hình kinh tế mới dựa trên những giá trị tự nhiên của ngành nông nghiệp như: Đầu tư nuôi trồng tự nhiên, trải nghiệm môi trường sống như ở thôn quê, tự chơi, tự nấu nướng như ở nhà với những không gian sống thực và thoáng đãng mang tính đồng quê, hay cơ hội được trải nghiệm phong tục, nét đẹp văn hóa của địa phương luôn có sức lôi cuốn với du khách ở mọi lứa tuổi khác nhau.

Cần có định hướng cụ thể phát triển DLNN tương xứng với tiềm năng vốn có.

Theo số liệu đưa ra tại Hội thảo “Định hướng phát triển du lịch nông nghiệp từ góc độ sản phẩm và thị trường” cho thấy, những năm gần đây, nhu cầu tham quan, trải nghiệm mô hình nông nghiệp, nông trại tăng đều mỗi năm từ 20 - 30%. Sản phẩm du lịch nông nghiệp đã được trải dài từ Bắc tới Nam, nhiều tour DLNN đã được hình thành, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Đề cập đến tiềm năng phát triển kinh tế với mô hình DLNN, ông Nguyễn Đăng Long, Giám đốc Công ty Du lịch Sống Mới cho biết, khả năng phát triển kinh tế dựa trên mô hình DLNN ở Việt Nam hiện nay là rất lớn. Trong đó, mô hình du lịch kinh tế nông nghiệp chủ yếu tập trung trên 4 phương diện về cảnh quan sinh thái, phương thức sống, phát triển canh tác và sản phẩm, sản vật tạo ra từ nông nghiệp.

"Nhiều hình ảnh về sinh cảnh, về cuộc sống của nông nghiệp nông thôn là những tài nguyên hết sức quý giá để phát triển thành sản phẩm du lịch, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Đồng thời, tạo cơ hội cho khách du lịch nước ngoài được trải nghiệm, cho người dân Việt Nam sinh sống tại các thành phố được gần gũi và hiểu rõ hơn về khởi nguồn đất nước, một đất nước bắt đầu từ nền nông nghiệp”, ông Long cho hay.

Cùng quan điểm với ông Long, để đẩy mạnh hơn nữa DLNN trong thời gian tới, nhiều ý kiến cũng cho rằng, ngành du lịch và nông nghiệp cần phối hợp triển khai xây dựng Chương trình quốc gia về phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; rà soát, quy hoạch, định hướng và đầu tư phát triển sản phẩm DLNN.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong mô hình phát triển DLNN mà chủ thể chính là bà con nông dân, tiếp đó là các doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý du lịch, nông nghiệp, thương mại… Đặc biệt, cần có những kế hoạch quảng bá, xây dựng thương hiệu, bản đồ DLNN cụ thể, khoa học, góp phần đưa DLNN phát triển đột phá, hiệu quả.

Cũng đề cập đến vấn đề phát triển DLNN, ông Đặng Văn Cương – Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương cho rằng, phát triển DLNN trong xây dựng nông thôn mới là góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng nông thôn ở những địa phương có tiềm năng phát triển du lịch. Qua đó, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách, hỗ trợ thu hút đầu tư và nông nghiệp, đặc biệt, thúc đẩy xây dựng chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển DLNN.

Cần phát triển theo hướng bền vững

Với hơn 70% dân số đang sinh sống tại nông thôn, trong đó, Việt Nam lại đa dạng về điều kiện sinh thái, sinh học, văn hóa truyền thống với 54 dân tộc... Có thể nói, tiềm năng phát triển DLNN ở nước ta là rất lớn, nhiều địa phương đã nắm bắt thời cơ để phát triển loại hình dịch vụ này như: Du lịch đồi chè, thăm trang trại bò sữa, lễ hội mận ở Mộc Châu, Sơn La; mô hình du lịch miệt vườn với những cánh đồng lúa chín, rặng dừa…ở Đồng bằng sông Cửu Long; ngắm hoa tam giác mạch ở Sapa – Lào Cai…

Không chỉ ở các địa phương, ngay tại Thủ đô Hà Nội, mô hình phát triển kinh tế DLNN cũng đã được triển khai với các tour ở Ba Vì, Sơn Tây như: Du lịch “Mùa lúa chín” với các hoạt động trải nghiệm thưởng ngoạn cánh đồng lúa chín, tổ chức các đám cưới lãng mạn trên cánh đồng, chụp ảnh ở công viên rơm, ngắm trăng…

Tại Đường Lâm (Sơn Tây), đó là mô hình trải nghiệm hái rau xanh, bắt cá, làm bánh cuốn, đốt lửa trại… các mô hình này đã thực sự thu hút sự khám phá, trải nghiệm cho du khách. Đặc biệt, phát triển loại hình du lịch này còn là cơ hội tạo công ăn việc làm, cung cấp kế sinh nhai, gìn giữ văn hóa truyền thống cho người dân địa phương…

Đề cập đến việc phát triển DLNN, bà Ngô Kiều Oanh - Trưởng nhóm liên kết các nhà sản xuất hữu cơ Ba Vì (Hà Nội) cho biết: "Chúng tôi làm DLNN đã được gần 10 năm nay nhưng, chủ yếu vẫn là tự mày mò và dựa trên nhu cầu đáp ứng cho chính người dân trong nội thành. Do đó, để DLNN thực sự phát triển bền vững, rất cần những người làm nông nghiệp có những chính sách hỗ trợ, tạo dựng sự liên kết từ phía Tổng cục Du lịch trong xây dựng tiêu chí sản phẩm, quảng bá dịch vụ nông nghiệp kết hợp du lịch".

Cũng theo bà Oanh, để nhân rộng mô hình DLNN, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Quy hoạch, bảo tồn các làng nghề truyền thống nông nghiệp; tiến hành xây dựng bộ tiêu chuẩn hóa về sản phẩm DLNN từ tên gọi đến nội dung hoạt động; cung cấp kinh phí đào tạo kỹ năng tiếp đón du khách và tiếp thị sản vật cho các nông hộ; tăng cường vai trò của truyền thông; thắt chặt sự liên kết giữa các địa phương…

Đặc biệt, cần có những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có chất lượng, kết hợp với dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, đậm đà bản sắc dân tộc của từng vùng miền. Qua đó, khai thác tối đa được các tiềm năng DLNN vốn có, góp phần đưa mô hình kinh tế DLNN phát triển mạnh mẽ và làm thay đổi diện mạo nông thôn trong thời gian tới.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/mo-hinh-du-lich-nong-nghiep-bo-ngo-den-bao-gio-71396.html