Mô hình Đội tình nguyện 'Hỗ trợ du lịch Thăng Long - Hà Nội': Thiết thực, hữu ích

Gần một năm sau khi Sở Du lịch Hà Nội và Thành đoàn Hà Nội phối hợp triển khai mô hình Đội tình nguyện 'Hỗ trợ du lịch Thăng Long - Hà Nội', đã có nhiều phản hồi tích cực về mô hình thiết thực và hữu ích này. Điều đó cho thấy sự cần thiết duy trì và tiếp tục nâng cấp để mô hình này ngày càng phát huy hiệu quả.

Đội tình nguyện hỗ trợ hơn 22.000 lượt khách về du lịch Hà Nội

Trao thưởng cho các sinh viên hoàn thành tốt nhiệm vụ khi tham gia Đội tình nguyện.

Trao thưởng cho các sinh viên hoàn thành tốt nhiệm vụ khi tham gia Đội tình nguyện.

Một việc, nhiều mục tiêu

Trên thực tế, câu chuyện về nguồn nhân lực du lịch chưa bao giờ là cũ. Nhiều điểm đến du lịch luôn thiếu hướng dẫn viên, người phục vụ. Trong khi đó, các trường đại học đào tạo chuyên ngành Du lịch cũng đau đáu với việc giúp sinh viên có vốn kiến thức thực tế, qua đó sớm thích nghi với công việc khi ra trường. Vì thế, khi thành lập Đội tình nguyện “Hỗ trợ du lịch Thăng Long - Hà Nội” vào tháng 3-2018, Sở Du lịch Hà Nội hy vọng giải quyết vấn đề thiếu nhân lực du lịch ở một số điểm đến trọng điểm; nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên chuyên ngành Du lịch.

Tại cuộc họp tổng kết hoạt động của Đội tình nguyện “Hỗ trợ du lịch Thăng Long - Hà Nội” năm 2018 (gọi tắt là Đội tình nguyện), bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội nhận xét: "Công việc ở Ban Quản lý luôn bộn bề bởi được giao quản lý nhiều điểm di tích và gần đây là cả phố bích họa Phùng Hưng. Nhân lực có hạn, địa bàn rộng, việc lại nhiều nên khó quán xuyến kỹ càng. Chính vì vậy, sự xuất hiện của Đội tình nguyện là rất đáng quý. Ngoài kiến thức giao tiếp thông thường, Ban Quản lý đã tập huấn thêm cho các em bài thuyết minh chuẩn về các địa điểm nổi tiếng ở phố cổ, kiến trúc, ẩm thực… Nhờ đó, các sinh viên đã nhanh chóng thích nghi, hỗ trợ rất nhiều cho Ban Quản lý phố cổ”.

Tại khu vực phố cổ và chợ đêm ở quận Hoàn Kiếm có 2 đội sinh viên của Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Viện Đại học Mở Hà Nội hoạt động từ 18h30 đến 21h00 các ngày từ thứ sáu đến chủ nhật hằng tuần. Mỗi ca trực thường có 15 đến 20 sinh viên - chia thành tốp nhỏ "chốt" trên các tuyến phố tập trung đông khách du lịch. Tại đây, sinh viên tuyên truyền về văn hóa phố cổ, các điểm di tích; hỗ trợ chỉ đường, giới thiệu điểm ăn uống, dịch vụ giải trí cho du khách, tham gia bảo đảm vệ sinh môi trường, trật tự giao thông…

Bạn Quang Minh, sinh viên Viện Đại học Mở Hà Nội tham gia Đội tình nguyện ở khu vực phố cổ và chợ đêm Đồng Xuân chia sẻ: “Chúng tôi học hỏi được nhiều điều qua giao tiếp với du khách. Công việc giúp chúng tôi trưởng thành nhanh hơn, thấy rõ tính thiết thực của hoạt động này”.

Câu chuyện ở Ban Quản lý phố cổ và chợ đêm Đồng Xuân cho thấy một cách làm có tác dụng cụ thể, thiết thực. Theo Sở Du lịch Hà Nội, hoạt động từ tháng 3-2018, Đội tình nguyện với 300 tình nguyện viên của 5 trường đại học trên địa bàn Hà Nội gồm Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Thủ đô, Viện Đại học Mở Hà Nội, Đại học Thăng Long đã hỗ trợ, hướng dẫn, đón tiếp hơn 36.000 lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan ở 5 điểm gồm: Hoàng thành Thăng Long; hồ Hoàn Kiếm, Tượng đài Lý Thái Tổ và Vườn hoa Bát Giác; khu vực phố cổ và chợ đêm; quầy thông tin du lịch tại phố Lê Thạch; Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đánh giá: “Đội tình nguyện đã đóng góp tích cực vào việc gìn giữ, phát huy, quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô và đất nước tới nhân dân cả nước, khách du lịch quốc tế. Bằng những hành động thiết thực, họ còn góp phần xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch; nâng cao ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ và nhân dân trong việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Thủ đô”.

Tiếp tục nâng chất lượng

Mặc dù đánh giá tích cực về hoạt động của Đội tình nguyện, song những người trong cuộc cũng thẳng thắn nhìn nhận về hạn chế của mô hình này. Theo đại diện Sở Du lịch Hà Nội, hạn chế đó là sự thiếu chủ động tiếp cận, hướng dẫn, giới thiệu đến du khách thông tin thuyết minh tại điểm trực. Tại một số địa điểm, trong một số buổi, hoạt động của đội bị gián đoạn, chưa bảo đảm duy trì đủ lực lượng trực theo phân công, nguyên nhân là thời gian hoạt động của Đội tình nguyện trùng với thời gian tham gia các hoạt động tình nguyện khác hoặc vì lý do cá nhân, do ảnh hưởng của thời tiết xấu.

Chia sẻ nhận xét về hoạt động của Đội tình nguyện, Trưởng ban Tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội Lý Duy Xuân đề cập đến sự chi phối về cảm xúc của nhiều tình nguyện viên trong quá trình hoạt động. Anh Lý Duy Xuân đề nghị các trường có sinh viên tham gia Đội tình nguyện cần hỗ trợ tối đa để các điểm trực luôn đủ người, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình này.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Anh Dũng, mô hình Đội tình nguyện đã và đang chứng tỏ hiệu quả, tính thiết thực. Tuy trong quá trình hoạt động cho thấy một số hạn chế nhất định nhưng đó là những vấn đề có thể khắc phục được. Quan trọng nhất là Đội tình nguyện đã thực hiện được mục tiêu kép: Giúp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Du lịch và hỗ trợ tối đa cho du khách và đơn vị quản lý điểm đến du lịch. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà Sở Du lịch Hà Nội khẳng định sẽ tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền duy trì và đổi mới mô hình tổ chức hoạt động của Đội tình nguyện “Hỗ trợ du lịch Thăng Long - Hà Nội”, đơn giản là bởi mô hình này đã và đang chứng tỏ là điểm sáng của du lịch Thủ đô.

Mô hình Đội tình nguyện “Hỗ trợ du lịch Thăng Long - Hà Nội”: Thiết thực, hữu ích

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/du-lich/923398/mo-hinh-doi-tinh-nguyen-ho-tro-du-lich-thang-long---ha-noi-thiet-thuc-huu-ich