Mô hình đại học hai cấp chỉ là biện pháp tình thế

Là người trực tiếp tham gia trong việc xây dựng mô hình đại học quốc gia, đại học vùng vào những thập niên đầu đổi mới giáo dục đại học (1987 - 1997), GS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT - cho rằng, mô hình hiện tại của các đại học quốc gia và đại học vùng là một sản phẩm có tính 'biện pháp tình thế' những năm đầu đổi mới, cần có sự thay đổi cho phù hợp với hiện tại.

GS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học. Ảnh: NV

Thưa GS Lâm Quang Thiệp, xin ông cho biết những quá trình thành lập và hoạt động mô hình đại học quốc gia, đại học vùng?

- Thay đổi mô hình các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) là một trong những chủ trương quan trọng của đổi mới GDĐH những năm đầu đổi mới. Lúc đó, chúng ta muốn xây dựng các trường đại học mạnh. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng các đại học quốc gia và đại học vùng theo mô hình đại học đa lĩnh vực diễn ra không được suôn sẻ, theo nhiều tình huống khác nhau.

Những khó khăn về tổ chức trong quá trình thành lập các đại học quốc gia và đại học vùng cũng đã dẫn đến một hệ quả đáng tiếc, đó là: Các đại học đa lĩnh vực không giữ được mô hình “university” như đã thiết kế. Một trong các lý do thực chất làm cho các trường thành viên phản đối khi được sáp nhập, đó là khả năng mất nhiều “ghế” quản lý, và quan niệm “trường” bị hạ cấp thành “khoa”. Các nhà tổ chức phải thỏa hiệp bằng cách hứa hẹn giữ nguyên vị trí các trường thành viên, không thay đổi các chức vụ quản lý trước đây, do đó các quy chế được xây dựng theo mô hình các đại học
hai cấp.

Theo mô hình này, hoạt động trong các trường thành viên hầu như vẫn giữ như cũ, kết nối giữa các trường thành viên với nhau rất lỏng lẻo, và cấp quản lý trên cùng của “đại học” thực hiện một cơ chế quản lý trung gian gián tiếp, giống như các “bộ đại học” nhỏ.

“Mô hình đại học hai cấp” chỉ là một giải pháp tình thế trong quá trình xây dựng các đại học đa lĩnh vực chứ không phải mô hình của những người thiết kế mong muốn, mô hình này không giữ được thế mạnh của mô hình đại học đa lĩnh vực và làm nảy sinh một số vấn đề về tổ chức.

Vậy theo ông, nhược điểm của mô hình “đại học” quốc gia và “đại học” vùng hai cấp hiện nay là gì?

- Ở nước ngoài, các đại học quốc gia, đại học vùng là các hệ thống “university”, mỗi một “university” trong hệ thống mang đủ tính ưu việt của loại hình này, còn các đại học quốc gia và đại học vùng của ta là tập hợp các đại học đơn ngành hoặc đơn lĩnh vực, mỗi đại học thành viên tách biệt sẽ không còn tính ưu việt như đã nói
trên đây.

Việc này đã được các tổ chức quốc tế nhìn nhận ra. Trong văn bản của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận xét về dự thảo Luật Giáo dục đại học nước ta đặc biệt lưu ý đến mô hình các đại học quốc gia.

Nên chăng thay đổi mô hình đại học quốc gia và đại học vùng, thưa GS?

- Các đại học quốc gia và đại học vùng là các cơ sở GDĐH quan trọng của hệ thống GDĐH nước ta. Tuy nhiên, như đã thấy, mô hình hiện tại chỉ là một sản phẩm có tính “biện pháp tình thế” trong quá trình đổi mới GDĐH, gặp nhiều vấn đề gay cấn, làm cho các cơ sở đó không phát triển mạnh mẽ như mong muốn.

Trong tình hình nói trên, có nên đặt vấn đề thay đổi mô hình của các đại học quốc gia và đại học vùng hay không? Đây là vấn đề rất lớn của Nhà nước. Tuy nhiên, là người trong cuộc có theo dõi diễn biến của việc xây dựng các đại học quốc gia và đại học vùng trong quá trình đổi mới GDĐH, theo tôi, khi nói đến mô hình nên chọn, thì tốt hơn hết các cơ sở GDĐH quan trọng của hệ thống GDĐH nước ta nên xây dựng theo mô hình university (đại học đa lĩnh vực) thực sự, không nên sử dụng mô hình đại học hai cấp.

Muốn vậy, tùy theo điều kiện cụ thể nên xử lý một đại học hai cấp nào đó ở nước ta theo một trong hai giải pháp: 1) Cho phép các trường thành viên đơn ngành, đơn lĩnh vực phát triển thành các “university”, và đại học hai cấp biến thành một tập đoàn các “university” với sự liên kết; 2) Đại học hai cấp chuyển thành một “university” đơn nhất thực sự, thay đổi bộ phận điều phối trung gian thành cấp điều hành trực tiếp, toàn bộ “university” có một chương trình đào tạo chung, như kiểu Trường Đại học Cần Thơ và một số đại học đa lĩnh vực khác ở nước ta.

- Xin cảm ơn ông!

HUYÊN NGUYỄN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/mo-hinh-dai-hoc-hai-cap-chi-la-bien-phap-tinh-the-626185.ldo