Mô hình đặc biệt chốn nhà thương

Nhiều ngày đã trôi qua nhưng sự ngổ ngáo, manh động của Quý 'vệ sĩ' (tên đầy đủ là Nguyễn Xuân Quý, trú tại phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang) vẫn còn ám ảnh các y, bác sĩ ở Trung tâm cấp cứu 115-Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa. Giữa lúc các nhân viên y tế đang tận tâm dốc sức cứu chữa cho người bị thương thì Quý xông vào hành hung ông Nguyễn Mạnh Tuân.

Từ cuộc gọi cấp báo được chuyển đến cơ quan chức năng cộng với hình ảnh thu được từ những camera tại khu cấp cứu bệnh viện, Quý "vệ sĩ" đã bị Công an TP Nha Trang bắt giữ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Văn Xáng, Giám đốc BVĐK Khánh Hòa chia sẻ: "Đây là cơ sở khám chữa bệnh lớn của khu vực Nam Trung Bộ, lại nằm ở vị trí trung tâm của Nha Trang. Trước đây, trộm cắp, hành hung, uy hiếp các nhân viên y tế lẫn người bệnh thường xuyên xảy ra khiến lãnh đạo bệnh viện gần như hiếm có đêm nào ngon giấc".

Chuông nóng ở khu cấp cứu được đấu nối với cơ quan Công an, tạo an tâm cho thầy thuốc lẫn người bệnh.

Từ những đêm trắng ấy, bác sĩ Xáng đã hình thành ý tưởng và phối hợp cùng UBND phường Lộc Thọ, Công an phường Lộc Thọ (TP Nha Trang)… lên kế hoạch xây dựng Mô hình "Liên kết tuần tra kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự và quản lý lưu trú tại BVĐK Khánh Hòa". Nòng cốt của mô hình là các tổ tuần tra gồm: Công an, bảo vệ dân phố, bảo vệ nội bộ bệnh viện, bảo vệ của Công ty vệ sĩ Long Sơn. Tổ tuần tra này sẽ liên tục tuần tra, kiểm soát 24/24h.

Cùng với đó, hệ thống camera được đấu nối ở các điểm nóng trong bệnh viện. Hệ thống chuông báo động từ Trung tâm cấp cứu 115 cũng được đấu nối với cơ quan Công an. Khi chuông từ bệnh viện rung lên thì cơ quan Công an cũng nhận được để ứng cứu, xử lí kịp thời khi có sự cố. Mô hình này rất hiệu quả bởi có lực lượng chuyên nghiệp là Công an tham gia vào sẽ trấn áp kẻ xấu tốt hơn.

Không chỉ Quý "vệ sĩ" mà những tên hung hãn, táo tợn khét tiếng từng xông vào bệnh viện uy hiếp bác sĩ, đánh người như: Phan Đức Bình (biệt danh Bình "phê" thường trú tại đường Trần Phú, TP Nha Trang); Vũ Văn Hoàn (quê TP Hải Phòng,thường trú ở xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang)… cũng lần lượt bị truy quét, lập hồ sơ xử lý. Từ đó, đã củng cố thêm sự an tâm của người bệnh.

Hơn 40 ngày nằm điều trị ở BVĐK Khánh Hòa cũng là bấy nhiêu ngày ông Lê Văn Tùng và hàng ngàn bệnh nhân nội trú chứng kiến sự tận tâm với công việc của các chiến sĩ trong tổ tuần tra. Ông Tùng sẻ chia: "Có những ngày mưa to, gió lớn nhưng các chiến sĩ đặc biệt ấy vẫn đến từng phòng hỏi han, động viên, kiểm soát tình hình an ninh, hễ có đối tượng xấu trà trộn là bị sàng lọc, truy quét ngay".

Nhà neo người, được bạn thân ở xa trang bị cho chiếc Ipad và điện thoại di động là hai tài sản giá trị để giữ liên lạc, cập nhật tình trạng bệnh tật, trước đây bà Nguyễn Thị Thanh cứ phấp phỏng sợ bị trộm. Bà bảo: "Tuổi 70 rồi, cũng hay quên.

Có khi ra hành lang buổi tối nghe điện thoại xong lại để ngay cạnh ghế bên mình. Tôi từng chứng kiến có người như vậy mà mất tài sản. Giờ thấy các chiến sĩ liên tục tuần tra, đối tượng hay trộm cắp đã bị lập hồ sơ xử lí, người ra vào được kiểm soát nghiêm nên không còn phấp phỏng như trước".

Để người bệnh được bảo đảm tuyệt đối sự an tâm cả về sức khỏe lẫn tài sản, mô hình "Liên kết tuần tra kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự và quản lý lưu trú tại BVĐK Khánh Hòa" còn cấp thẻ lưu trú với ký hiệu và mã số riêng cho thân nhân ở lại qua đêm chăm sóc bệnh nhân khi nhập viện điều trị. Các thân nhân này phải đeo thẻ khi ra vào từ tối nay cho đến 6h sáng hôm sau và xuất trình khi tổ tuần tra yêu cầu.

Cùng với đó, còn tạo tài khoản đăng ký tạm trú đối với người nước ngoài nhập và điều trị tại bệnh viện, phân công cho bộ phận có trách nhiệm khai báo tạm trú đối với bệnh nhân, thân nhân là người nước ngoài ở lại qua đêm. Tổ tuần tra đêm đã tiến hành trên 40 lượt tuần tra kiểm soát khép kín bệnh viện và phân công người đứng chốt, kiểm tra chặt chẽ tại cầu thang lên xuống từ tầng 7 đến tầng 10 khu D của bệnh viện.

Sự chặt chẽ này đã kịp thời đẩy, đuổi những đối tượng giả danh, lợi dụng việc chăm nuôi bệnh nhân trà trộn vào, góp phần kéo giảm đáng kể tình trạng trộm cắp trong viện, tâm lý của các thầy thuốc được củng cố, không còn phân tâm khi điều trị, chăm sức khỏe cho nhân dân. Nếu mô hình này được nhân rộng ra các bệnh viện, nhà thương khác thì sẽ phát huy lợi thế nhiều mặt.

Thượng tá Phan Hoàng Vân, Phó trưởng Công an TP Nha Trang đánh giá: Việc đấu nối nhiều mắt camera từ cơ quan Công an với bệnh viện không chỉ xử lí tại chỗ mà còn trích xuất hình ảnh để tiếp tục truy quét, không để những kẻ hung hãn gây nên những hậu quả nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh cũng như tâm lý, sức khỏe người bệnh lẫn nhân viên y tế.

Việc cấp thẻ lưu trú cho người chăm nuôi bệnh nhân là sáng kiến rất hay đã hạn chế nạn trộm cắp rất tốt. Khi đeo thẻ này vào thì chính người nhà bệnh nhân cũng đã có ý thức bảo vệ tài sản của mình rồi. Các đối tượng mang ý đồ xấu chúng phải dè chừng. Làm điều này tốt cho cả người bệnh, người nhà lẫn công tác an ninh trật tự nữa.

Bệnh nhân Phạm Văn Út vui mừng cho biết: "Người nhà bệnh nhân ai cũng làm theo hướng dẫn thì cũng chính là bảo vệ mình, người thân của mình. Đeo thẻ chăm nuôi người bệnh, chính người dân cũng có thể giám sát được kẻ xấu. Bởi nếu ai cũng đeo thẻ mà có người không có thẻ ở viện ban đêm thì phải báo với tổ tuần tra ngay". Nhờ mô hình, mà sự bình yên đã hiện hữu ở chốn nhà thương.

Tuấn Hà

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/mo-hinh-dac-biet-chon-nha-thuong-519189/