Mô hình công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội

Trong các lĩnh vực công tác xã hội quan tâm thì lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người bệnh tâm thần phân liệt là một trong những lĩnh vực đặc biệt vất vả, khó khăn gặp nhiều trở ngại nhất. Nhận thấy tầm quan trọng của công tác xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần, Trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội đã triển khai mô hình công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần và đạt được những hiệu quả.

Theo ước tính nước ta hiện tại có số lượng người mắc bệnh tâm thần và các bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần chiếm tỷ lệ trên 10% dân số. Đối với Thành phố Hà Nội, hiện nay có khoảng hơn 10.000 người đang mắc các thể bệnh tâm thần, số người đang được quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng tập chung tại các cơ sở bảo trợ xã hội khoảng gần 1.200 người, những hoạt động công tác xã hội nhằm đến đối tượng này chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Tiền thân là Trại nuôi dưỡng người tâm thần (thành lập 15/5/1984), rồi Khu điều trị người tâm thân (năm 1994), đến nay, Trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội (trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) đóng trên địa bàn xã Thụy An, huyện Ba Vì đang quản lý 596 bệnh nhân tâm thần phân liệt diện khuyết tật đặc biệt nặng.

Nhận thấy tầm quan trọng của công tác xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần, 03 năm trở lại đây đơn vị đã tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng kết hợp với hoạt động công tác xã hội để can thiệp, hỗ trợ phục hồi toàn diện cho người bệnh tâm thần phân liệt tại Trung tâm. Đến nay, mô hình hoạt động của Trung tâm đã trở thành nơi khơi niềm cảm thông, chia sẻ, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng, là điểm tựa cho những người mắc bệnh tâm thần đặc biệt nặng của Thành phố Hà Nội.

Ông Phạm Quang Thịnh - Giám đốc Trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thân Hà Nội cho biết, các đối tượng được tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng tại Trung tâm hầu hết thuộc đối tượng khuyết tật nặng, gồm các loại bệnh tâm thần phân liệt hoặc rối loạn tâm thần đã được cơ quan y tế chuyên khoa chữa trị nhiều lần nhưng chưa thuyên giảm. Với đặc điểm của bệnh tâm thần mãn tính là chữa không khỏi, thường xuyên có cơn kích động tái phát, bệnh nhân phải uống thuốc chuyên khoa tâm thần duy trì hàng ngày đến hết đời. Với quan điểm đẩy mạnh các hoạt động thể chất, trị liệu tâm lý, hành vi cho người bệnh, giảm việc sử dụng thuốc, lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo quyết liệt triển khai áp dụng một số phương pháp hỗ trợ thiết thực nhắm hướng tới giảm việc sử dụng thuốc, tăng cường tổ chức các hoạt động trị liệu tạo cho bệnh nhân một môi trường sống, sinh hoạt tốt nhất.

Điển hình trong đó phải kể đến mô hình trợ giúp nhóm phục hồi thể lực, trí lực cho người bệnh với nhiều hoạt động đa dạng thu hút nhiều bệnh nhân tham gia. Từ việc sàng lọc, phân loại bệnh nhân, xác định đối tượng nhân viên công tác xã hội tiến hành các hoạt động trợ giúp phù hợp. Để hoạt động rèn luyện thể lực thành hoạt động thường xuyên, nhân viên công tác xã hội lựa chọn bài tập thể dục phù hợp với sức khỏe bệnh nhân, do số lượng bệnh nhân đông, quản lý ở 10 tổ riêng biệt nên việc tổ chức hướng dẫn tập luyện phải thực hiện cho từng nhóm bệnh nhân có khả năng tiếp thu nhanh, khi bệnh nhân thành thục lấy đó làm lòng cốt để hướng dẫn các bệnh nhân khác tại các tổ chăm sóc. Sau một thời gian triển khai đến nay toàn bộ bệnh nhân đã tập luyện thành thục bài tập thể dục và duy trì bài tập trở thành chế độ thể dục buổi sáng sau khi báo thức. Bên cạnh đó nhân viên công tác xã hội xây dựng kế hoạch duy trì thường xuyên hoạt động sinh hoạt nhóm khuyến khích bệnh nhân chia sẻ thông tin, sở thích cá nhân từ đó lựa chọn tổ chức các trò chơi trị liệu tâm lý, hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao; tổ chức hội thi văn nghệ, thi tìm hiểu kiến thức xã hội; thành lập thư viện sách thu hút gần 100 bệnh nhân tham gia; hàng tuần tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao khuyến khích bệnh nhân tham gia tự sáng tạo tổ chức các trò chơi cho các bệnh nhân khác…Mô hình hoạt động nhóm đã phát huy hiệu quả, thu hút bệnh nhân tham gia, tạo môi trường sống, sinh hoạt phong phú, đa dạng.

Đặc biệt từ tháng 3/2017, đơn vị triển khai tổ chức thí điểm tạo việc làm cho bệnh nhân, sau khi sàng lọc sức khỏe bệnh nhân những bệnh nhân đủ điều kiện sức khỏe hướng dẫn nghề các nghề như chăn nuôi, trồng rau, làm vàng mã, may công nghiệp và lắp ráp linh kiện điện dân dụng. Sau 03 năm triển khai nhân rộng bằng phương pháp lấy bệnh nhân hướng dẫn bệnh nhân, đến nay đã thu hút được gần 200 bệnh nhân tham gia các hoạt động lao động trị liệu thường xuyên. Số tiền bệnh nhân đạt được từ hoạt động làm nghề được sử dụng bổ sung thêm vào các bữa ăn và phục vụ sinh hoạt cho chính bệnh nhân. Mức thu nhập từ làm nghề và tổ chức lao động cho bệnh nhân không lớn nhưng là hoạt động trị liệu hết sức hiệu quả nâng cao sức khỏe bệnh nhân, giảm sử dụng thuốc, dần trả lại giấc ngủ sinh học đem lại tinh thần thoải mái, chủ động tăng cường vận động của bệnh nhân, đem lại cơ hội phục hồi các chức năng cho người bệnh.

Kết quả nêu trên góp phần đẩy mạnh thực hiện đề án 1215 của Chính phủ về trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 – 2020. Đồng thời là kinh nghiệm và là cơ sở để phát triển các mô hình công tác xã hội tại các đơn vị có chức năng nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng người tâm thần.

Hiện nay, xuất phát từ nhu cầu rất lớn của xã hội về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người tâm thần phân liệt và các bệnh rối loạn tâm thần, thì mô hình công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội là rất hiệu quả cần được quan tâm nhân rộng triển khai thực hiện.

Pháp luật Net

Nguồn Pháp Luật Net: https://phapluatnet.nguoiduatin.vn/doi-song/mo-hinh-cong-tac-xa-hoi-trong-cham-soc-suc-khoe-tam-than-tai-trung-tam-cham-soc-va-nuoi-duong-nguoi-tam-than-ha-noi-53669.html