Mô hình 'Cảnh báo xâm hại tình dục trẻ em'

Để giúp các bạn hiểu, cảnh giác và biết cách phòng tránh hành động xâm hại, 3 học sinh Trường Tiểu học Hạ Long (TP Hạ Long) đã sáng tạo ra mô hình 'Cảnh báo xâm hại tình dục trẻ em'.

Nhóm tác giả mô hình "Cảnh báo xâm hại tình dục trẻ em (bên trái) nhận giải nhất tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng TP Hạ Long, tháng 5/2019.

Nhóm tác giả mô hình "Cảnh báo xâm hại tình dục trẻ em (bên trái) nhận giải nhất tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng TP Hạ Long, tháng 5/2019.

Chủ nhân của mô hình này là Nguyễn Hà Anh, Phạm Đăng Anh, Nguyễn Thị Kim Ngân, học sinh lớp 4A5, Trường Tiểu học Hạ Long (TP Hạ Long). Chia sẻ về ý tưởng khi thực hiện mô hình này, Nguyễn Hà Anh, trưởng nhóm, cho biết: Thời gian gần đây những vụ xâm hại tình dục trẻ em diễn ra ngày càng nhiều, kể cả ở bạn nữ và bạn nam, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của học sinh. Hiện tượng xâm hại tình dục trẻ em diễn ra ở mọi nơi kể cả trường học, nhiều khi là ngay tại chính ngôi nhà của các bạn. Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại gồm nhiều lứa tuổi và đặc biệt nguy hiểm hơn là những người tưởng như an tâm nhất, như người thân trong gia đình, thầy, cô giáo của các bạn. Mặc dù chúng em đã được các thầy cô giáo dục về giới tính, phổ biến một số kiến thức về cách nhận biết hành vi xâm hại tình dục, kỹ năng để bảo vệ mình khi gặp nguy hiểm, nhưng nhiều bạn vẫn chưa nhận thức hết được nguy hiểm, chưa biết xử lý tình huống và tố giác người xâm hại mình. Do đó, nhóm chúng em đã đưa ra ý tưởng xây dựng mô mình “Cảnh báo xâm hại tình dục trẻ em”, nhằm giúp các bạn học sinh hiểu, nhận biết rõ các hành vi nguy hiểm xâm hại đến thân thể mình để biết cách phòng, tránh.

Mô hình "Cảnh báo xâm hại tình dục trẻ em" được trưng bày tại lễ trao giải Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ V, năm 2019.

Cấu tạo của mô hình gồm có: 1 ma-nơ-canh trẻ em, 1 bộ quần áo đồng phục, hệ thống các modul nhận và phát tín hiệu, loa cảnh báo và pin. Trên ma-nơ-canh được phân thành 2 vùng: Vùng xâm hại và vùng nhạy cảm; tại đây có các nút bấm và modul ghi phát âm thanh riêng cho từng vùng. Khi có hành động đặt tay vào vùng xâm hại và vùng nhạy cảm, các nút bấm nhỏ đặt ẩn dưới trang phục sẽ nhận biết, đồng thời truyền tín hiệu để phát ra âm thanh cảnh báo. Âm thanh này sẽ tiếp tục phát khi có hành động tương tự và tự động dừng lại nếu không có hành động xâm hại. Các hệ thống tín hiệu cảnh báo sẽ giúp các bạn học sinh có sự cảnh giác, phản xạ và phòng bị trước các hành động xâm hại.

Mô hình được thiết kế đơn giản, vật liệu dễ tìm, vận hành dễ dàng, có thể áp dụng trong các tiết học giáo dục giới tính. Với mô hình này, các buổi học về giới tính trở nên đơn giản hơn, kiến thức được chuyển tải một cách trực quan hơn, học sinh có thể ghi nhớ tốt hơn, từ đó hình thành được phản xạ khi có hành động xâm hại xảy ra.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có gần 150 trẻ bị xâm hại về tình dục, bạo lực, mua bán, bỏ rơi… Đáng chú ý hơn, độ tuổi trẻ bị xâm hại ngày càng nhỏ hơn, thậm chí có trường hợp trẻ mới 14 tháng tuổi. Bên cạnh các giải pháp từ các cơ quan chức năng, thì việc giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng bị, xử lý trước những hành vi xâm hại tình dục cho trẻ là rất cần thiết. Mô hình "Cảnh báo xâm hại tình dục trẻ em" là một sáng kiến có ý nghĩa thiết thực cần được áp dụng rộng rãi trong các trường học. Cũng với mô hình này, nhóm tác giả đã đoạt giải ba tại Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh lần thứ V, năm 2019.

Yến Vy

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201911/mo-hinh-canh-bao-xam-hai-tinh-duc-tre-em-2461826/