Mô hình Ban quản lý ATTP TP. Hồ Chí Minh: Một năm ngổn ngang những nỗi lo

Sau một năm thành lập mô hình thí điểm Ban quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP. Hồ Chí Minh, việc quản lý ATTP trên địa bàn đã có chuyển biến tích cực, nhiều vụ việc vi phạm ATTP trên địa bàn được phát hiện và ngăn chặn. Tuy nhiên vẫn còn ngổn ngang những nỗi lo thực phẩm bẩn.

Bà Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại Hội nghị sơ kết một năm thí điểm thành lập Ban quản lý ATTP

Nỗi lo thực phẩm dư, ế sau chợ

Đầu năm 2018, đoàn kiểm tra công tác liên ngành đã phát hiện 27 tấn sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, ôi thiu, không đảm bảo vệ sinh ATTP chuẩn bị được đưa vào chế biến tại cơ sở sản xuất giò chả Ngọc Châu (ấp Nam Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn). Nếu không phát hiện, thu giữ kịp thời, số thịt bẩn này sẽ được làm thành giò chả và nhanh chóng đưa ra tiêu thụ.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý ATTP TP. Hồ Chí Minh, những sản phẩm thịt động vật ế, dư thừa sau các chợ là vấn đề chính quyền phải quan tâm đặc biệt trong quản lý ATTP. Bà Lan cho rằng, nếu không quản lý tốt, số thịt ôi thiu này dễ dàng trở thành nguyên liệu đầu vào của các cơ sở sản xuất giò, chả, xúc xích. Sau đó, sẽ được tuồn ra thị trường, tiếp tục đưa đến bàn ăn của người tiêu dùng.

Theo báo cáo của Ban quản lý ATTP thành phố, sau một năm đi vào hoạt động, Ban quản lý ATTP TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra gần 1.000 cơ sở, phát hiện vi phạm 174 cơ sở, ban hành 119 quyết định xử phạt với số tiền phạt trên 1,7 tỷ đồng, đang tiếp tục xử lý 55 trường hợp vi phạm với số tiền phạt hơn 800 triệu đồng, chưa kể đến số lượng kiểm tra liên ngành của quận, huyện.

Các đội quản lý ATTP thành phố còn phát hiện và xử phạt 14 trường hợp vi phạm về điều kiện thú y trong vận chuyển sản phẩm động vật với số tiền là gần 45 triệu đồng; thu hồi, tạm giữ 1.400kg răng mực, 2.500kg mực ống; tiêu hủy gần 35.000kg sản phẩm động vật, thịt gia cầm, thực phẩm các loại.

Nhiều điều luật, cơ chế cần tháo gỡ

Theo bà Lan, trong quy định xử phạt đối với việc sử dụng hóa chất độc hại, cơ quan chức năng chỉ được phép chỉ xử phạt đối với các trường hợp sử dụng hóa chất ngoài danh mục cho phép. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều hóa chất nguy hiểm được sử dụng sai mục đích, liều lượng… ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng nhưng không thể phạt được. Ví dụ như vụ phát hiện hơn 3.700 con heo tiêm thuốc an thần ở Củ Chi cuối năm 2017.

Việc lấy mẫu kiểm tra rồi lưu kho, chờ kết quả đối với những lô hàng có dấu hiệu vi phạm ATTP. Trong quá trình chờ các thủ tục hành chính nhiêu khê, nhiều chủ lô hàng đã bỏ trốn nên cơ quan chức năng không thể xử phạt.

Trong khi việc cấp phép kinh doanh, buôn bán các hóa chất cấm, độc hại còn dễ dàng, chưa được kiểm soát chặt như việc kinh doanh phụ gia, hóa chất tại chợ Kim Biên, người mua dễ dàng tìm mua được hóa chất, phụ gia độc hại.

Sử dụng hóa chất tồn dư lâu ngày tích tụ trong cơ thể gây hại cho nòi giống, dẫn đến những hệ lụy, những bệnh nan y về sau này. Nhưng luật lại quy định phải chết ngay, nhưng đối với thực phẩm không phải như thuốc độc để có thể chết ngay được.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, về mặt quản lý nhà nước, việc quản lý ATTP tại các quận, huyện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh sẽ không còn nói chung chung nữa, nhưng phải có lãnh đạo địa phương cụ thể chịu trách nhiệm; thành phố cùng kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn.

Úc Uyên

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/mo-hinh-ban-quan-ly-attp-tp-ho-chi-minh-mot-nam-ngon-ngang-nhung-noi-lo.html