Mô hình bác sỹ gia đình: Vẫn là mớ bòng bong?

Đã hơn 30 lần các Hội thảo, hội nghị góp ý xây dựng Thông tư hướng dẫn thí điểm về bác sĩ gia đình (BSGĐ) và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình được tổ chức song đến nay mô hình khám bệnh theo hình thức này vẫn chỉ dừng lại ở hình thức thí điểm.

Phòng khám bác sỹ gia đình là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người bệnh. Ảnh: DN

Ngày 8/11, Bộ Y tế tiếp tục tổ chức Hội thảo xây dựng Thông tư hướng dẫn thí điểm về bác sỹ gia đình (BSGĐ) và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình.

Theo ông Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đến nay mô hình BSGĐ đã có mặt trên 8 tỉnh, thành phố thí điểm, song việc nhân rộng ra các tỉnh, TP khác còn gặp nhiều khó khăn do chưa ban hành được hành lang pháp lý đầy đủ để các cơ sở y tế triển khai thực hiện.

Trách nhiệm của BSGĐ là quản lý hồ sơ bệnh án điện tử, cung cấp thông tin đầu đủ, chính xác về bệnh cảnh của người bệnh trong suốt cuộc đời. Đây là một quá trình lâu dài và không dễ thực hiện đối với cán bộ y tế tuyến cơ sở, bởi họ phải quản lý hàng trăm nghìn trường hợp như thế đòi hỏi BSGĐ cần có chuyên môn tổng quát.

Bên cạnh đó, chi trả BHYT được cho là sự ưu việt của mô hình BSGĐ triển khai tại tuyến y tế cơ sở. Tuy nhiên, rà soát trong quy trình khám chữa bệnh, vẫn có rất nhiều công đoạn chưa có trong danh mục thanh toán BHYT như tư vấn dự phòng, tư vấn tâm lý, quản lý thông tin sức khỏe toàn diện, đến nhà khám chữa bệnh...

Ngoài ra, mạng lưới BSGĐ hiện nay cũng chưa triển khai được ở phòng khám tư nhân, do nơi đây thu từ 100.000 - 200.000 đồng/lần khám bệnh, nhưng BHYT chỉ chi trả có 20.000 đồng nên các cơ sở này chưa mặn mà. “Khi triển khai mô hình này trong hệ thống y tế tư nhân, việc cấp chứng chỉ hành nghề đòi hỏi bác sỹ phải có văn bằng chuyên ngành y học gia đình nên nhiều bác sỹ đã được đào tạo chuyên khoa khác không muốn đào tạo lại”, ông Cao Hưng Thái nêu.

Trước những bất cập nêu trên, đại diện một số cơ sở y tế cho rằng, Dự thảo Thông tư xây dựng mô hình BSGĐ nên thực hiện ở y tế tuyến hai (tuyến bệnh viện của các trường đại học) hay ở cả tuyến 1 trạm y tế xã hay ở tuyến 2, tuyến 3 (BV huyện), và tuyến 4 (BV tỉnh)? Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, nếu áp dụng mô hình phòng khám BSGĐ tại bệnh viện huyện (tuyến 3) và các bệnh viện của trường đại học (tuyến 2) thì sẽ có khó phát triển BSGĐ tại trạm y tế xã (tuyến 1) vì người dân vẫn có xu hướng lên khám, chữa bệnh tại tuyến 2, 3 do danh mục kỹ thuật, thuốc và phạm vi được hưởng nếu có BHYT sẽ cao hơn. Vì thế, bác sỹ Trang đề xuất nên đầu tư mô hình BSGĐ cho tuyến xã.

“Bên cạnh đó, nếu chỉ quy định chứng trong tuyến 4 với trạm y tế xã và phòng khám BSGĐ thì không phát triển được kỹ thuật. Do đó, nên quy định theo hướng cơ sở được thực hiện kỹ thuật tuyến trên nhưng phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn trong giấy phép hoạt động”, bà Trang đề xuất.

Còn quan điểm của bác sỹ Khúc Minh Cảnh, Phó Trưởng bộ môn Y học gia đình, Đại học Y Dược Cần thơ cho biết, nếu để mô hình BSGĐ tại bệnh viện của các trường đại học sẽ không hợp lý. Bác sỹ Cảnh cũng đặt ra câu hỏi vì sao bác sỹ y học cổ truyền không được đào tạo bác sỹ y học gia đình vì có rất nhiều phạm vi hoạt động chuyên môn là của bác sỹ y học cổ truyền. Vì thế, Bộ Y tế nên tận dụng lực lượng có sẵn để đào tạo BSGĐ.

Để phát triển mô hình BSGĐ, theo ông Lê Ngọc Trọng, Chủ tịch Hội Bác sỹ gia đình cho biết, cần liên tục mở các lớp đào tạo liên tục BSGĐ vì lực lượng này đang rất thiếu. Do đó, sẽ lấy nguồn nhân lực chính là bác sĩ đa khoa, sau đó sẽ mở rộng dần đối tượng đào tạo.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/mo-hinh-bac-sy-gia-dinh-van-la-mo-bong-bong.aspx