Mở hãng bay ồ ạt, Thái Lan từng bị cấm bay tới nhiều nước

Năm 2015 ghi nhận một giai đoạn u ám của hàng không dân dụng Thái Lan khi việc cấp phép bay quá nhanh và quá nhiều đã dẫn tới việc nước này bị ICAO hạ bậc đánh giá an toàn.

Khi so sánh về số lượng hãng hàng không của Việt Nam với thế giới, các chuyên gia hàng không Việt Nam thường dùng Thái Lan làm ví dụ. Xứ sở chùa Vàng với 69 triệu dân nhưng có tới 19 hãng hàng không lớn nhỏ, tương quan với 96 triệu dân và 5 hãng hàng không của Việt Nam.

Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào trong số 19 hãng hàng không này của Thái Lan đều hoạt động hiệu quả và chính nền hàng không dân dụng Thái từng nếm "trái đắng" vì cấp phép bay quá nhanh và quá nhiều.

Dễ dãi cấp phép, không đủ nhân sự giám sát an toàn

Trong giai đoạn 2010-2015, Cục Hàng không dân dụng Thái Lan đã cấp phép cho khoảng 22 hãng bay, một con số cao bất thường. Tính tới năm 2019, chỉ còn 8 hãng trong số này tiếp tục hoạt động, trong khi 14 hãng đã sớm phải đóng cửa.

Tháng 4/2015, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã đưa ra cảnh báo tới nhà chức trách hàng không Thái Lan. Tổ chức này đưa ra các quan ngại về việc đảm bảo an toàn bay của ngành hàng không Thái Lan, chủ yếu đến từ việc Cục Hàng không dân dụng Thái Lan cấp phép bay cho quá nhiều hãng trong thời gian ngắn.

2015 là một năm đáng quên của hàng không dân dụng Thái Lan khi chịu thiệt hại lớn vì cấp phép bay ồ ạt. Ảnh: CAAi.

2015 là một năm đáng quên của hàng không dân dụng Thái Lan khi chịu thiệt hại lớn vì cấp phép bay ồ ạt. Ảnh: CAAi.

Việc có hàng loạt hãng mới đã khiến số vụ việc uy hiếp an toàn bay tại Thái Lan, buộc ICAO phải cảnh báo tới nhà chức trách hàng không nước này. ICAO cho Thái Lan 90 ngày để khắc phục tình trạng trên trước khi có biện pháp mạnh hơn.

Ngay sau khi cảnh báo trên được đưa ra, toàn bộ các hãng hàng không dân dụng tại Thái Lan đã lần lượt phải thực hiện xét duyệt lại bởi ICAO, trong đó cả Thai Vietjet Air, liên doanh của Vietjet Air tại Thái Lan, cũng chịu ảnh hưởng liên đới. Hãng sau đó phải vượt qua phần sát hạch của ICAO và Cục Hàng không dân dụng Thái Lan để tiếp tục khai thác các đường bay quốc tế.

ICAO khi đó đưa ra thời hạn 90 ngày để nhà chức trách hàng không Thái Lan vẫn không thể chứng minh năng lực quản lý để đảm bảo an toàn cho gần 20 hãng hàng không hoạt động cùng lúc.

Theo Bangkok Post, tổ chức này cũng phát hiện nhiều xung đột lợi ích tại Cục Hàng không dân dụng Thái Lan khi cơ quan này vừa là nhà chức trách hàng không tại Thái Lan, vừa là đơn vị khai thác hàng loạt cảng hàng không tại nước này.

ICAO cũng cảnh báo về việc Cục Hàng không dân dụng Thái Lan đã không đủ nhân sự đảm bảo giám sát an toàn cũng như có sự dễ dãi trong cấp phép bay cho các hãng mới.

Tới tháng 6/2015, do không thể đáp ứng được những yêu cầu mà ICAO đưa ra, nhà chức trách hàng không tại Thái Lan đã bị tổ chức này "rút thẻ đỏ" nâng kiểm soát an toàn bay.

Tới tháng 12/2015, đến lượt Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) công bố hạ Chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1) của hàng không Thái Lan xuống CAT2.

Cơ quan này cho hay việc hạ bậc chứng chỉ cho thấy Thái Lan thiếu cơ sở pháp lý hay quy định cần thiết để giám sát các hãng hàng không tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu hoặc cơ quan chức trách hàng không của Thái Lan đang không hiệu quả ở một hoặc nhiều mặt như kỹ thuật, nhân lực, lưu hồ sơ hay thủ tục thanh tra.

Thiệt hại dây chuyền

Động thái trên của ICAO và FAA đã kích hoạt phản ứng dây chuyền. Hàng loạt các hãng hàng không của Thái Lan gặp khó khăn khi khai thác các chặng bay quốc tế do "thẻ đỏ" từ ICAO khiến hàng không nhiều nước kiểm soát chặt hơn các chuyến bay đến từ các hãng hàng không Thái Lan.

Hàng loạt các quốc gia Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã rút giấy phép vận hành và đình chỉ việc bay bán chuyến (charter) của nhiều hãng bay Thái ngay sau thẻ đỏ của ICAO, dẫn tới việc hàng không Thái Lan mất đi cơ hội khai thác các thị trường trọng điểm trong nhiều tháng liền.

Trang tin ABS-CBN dẫn lời Cục trưởng Hàng không dân dụng Thái Lan khi đó là ông Somchai Piputwat về việc tính riêng thị trường Nhật Bản, sẽ có khoảng 120.000 hành khách Thái Lan không thể bay đến quốc gia này vì lệnh cấm, chưa tính chiều ngược lại.

Hãng hàng không giá rẻ đường dài NokScoot của Thái Lan ước tính thiệt hại do lệnh cấm từ phía nhà chức trách hàng không Nhật Bản là vào khoảng 12 triệu USD, đến từ 44 chuyến bay charter không được cấp phép.

Thai AirAsiaX, liên doanh khai thác bay quốc tế đường dài của AirAsia tại Thái Lan, cũng ước tính mất 150.000 hành khách trong năm 2015 do phía Nhật Bản không cho hãng này bay tới Sapporo, Nhật Bản. Thiệt hại được hãng ước tính là vào khoảng 15 triệu USD.

Uy tín của hàng không Thái Lan cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn tới việc các hãng hàng không nước này phải chịu mức chi phí bảo hiểm cao hơn, từ đó đánh mất khả năng cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực.

Cũng sau sự việc này, Cục Hàng không dân dụng Thái Lan đã bị giải tán và thay thế bằng cơ quan mới là Nhà chức trách Hàng không dân dụng Thái Lan (CAAT). Đơn vị này đã làm việc sát sao với ICAO, tuy nhiên phải mất 2 năm, tức tới năm 2017 tổ chức này mới gỡ "thẻ đỏ" dành cho hàng không Thái Lan.

Ngô Minh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/mo-hang-bay-o-at-thai-lan-tung-bi-cam-bay-toi-nhieu-nuoc-post975300.html