Mở đường vào chiến dịch

Vào năm 1953, đường cơ giới duy nhất lên Tây Bắc là đường số 41, từ Hòa Bình qua Mộc Châu, Sơn La, Tuần Giáo lên đến Lai Châu. Đường này đi qua những vùng địa hình hiểm trở núi cao, suối sâu, lòng đường hẹp, cầu yếu, nhiều đoạn bị sụt lở.

Từ Tuần Giáo đi vào Điện Biên Phủ không có đường ô tô, chỉ có đường dùng cho ngựa thồ. Trong Chiến dịch Tây Bắc, ta mới mở rộng được một số đoạn để sử dụng ô tô. Sông Nậm Rốm chảy qua cánh đồng Mường Thanh (trong thung lũng Điện Biên), sông Nậm Na chảy từ biên giới Việt-Trung qua Lai Châu về Điện Biên Phủ là những sông nhỏ, nước chảy xiết, nhiều ghềnh thác, chỉ sử dụng được bè, mảng ở từng đoạn.

Từ sau Chiến dịch Tây Bắc (1952), Trung ương Đảng, Chính phủ đã xúc tiến một số việc xây dựng kinh tế kết hợp với củng cố quốc phòng trên địa bàn Tây Bắc-căn cứ địa của cuộc kháng chiến và đồng bằng Khu 3, Khu 4 với chiến trường Tây Bắc được khẩn trương xây dựng. Đồng bào các dân tộc Tây Bắc vừa được giải phóng đã tham gia hàng triệu ngày công sát cánh cùng bộ đội và dân công miền xuôi trong "chiến dịch cầu đường". Riêng đường số 13, từ Yên Bái đến Cò Nòi thường xuyên có 21.400 dân công. Khối lượng đào đắp lên tới gần 870.000m3 đất, đá và phải bắc tới 1.221m cầu. Với nỗ lực cao, chỉ từ tháng 5 đến tháng 11-1953, nhân dân ta đã mở được một con đường mới dài 8km vượt qua nhiều đèo cao (Lũng Lô, Phiềng Ban, Đèo Chẹn), nhiều suối sâu (Ngòi Lạc, Ngòi Sập, Suối Tấc...) mà trước đó chỉ là những con đường mòn xuyên rừng rậm. Đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ dài 89km cũng được mở gấp. Trên con đường này, bộ đội và dân công đã chuyển từ các lòng suối lên mặt đường 18.000m3 đá, bắc 90 chiếc cầu lớn nhỏ, phải chặt từ rừng xa về 92.000m3 gỗ chống lầy.

Trong hơn 3 tháng chuẩn bị trực tiếp cho chiến dịch (từ tháng 12-1953 đến đầu tháng 3-1954), các đơn vị công binh, dân công làm đường đã hoàn thành việc tu sửa và mở mới các con đường số 41, số 13 đường từ Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ là những trục chính của tuyến vận tải cơ giới. Đồng thời đã mở nhiều đường vào kho, vào các vị trí tập kết của bộ đội, phá một số thác trên sông Nậm Na... độ dài các đoạn đường được sửa chữa, mở rộng 300km. Đường cơ giới cho xe vận tải và kéo pháo hoạt động ở hỏa tuyến 60km.

Công cuộc mở đường, sửa đường lên Điện Biên Phủ đã thu được thắng lợi, thực sự phát huy vai trò "cầu đường đi trước một bước" đối với công tác vận tải. Đây là một chiến công lớn của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bác Hồ đã gửi thư khen cán bộ, chiến sĩ, đồng bào dân công trên mặt trận cầu đường.

HƯƠNG NGÂN (theo tài liệu của Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/mo-duong-vao-chien-dich-642589