Mở đường đàm phán

Tổng thống Donald Trump tối 28-11 (giờ địa phương) có chuyến thăm bất ngờ các binh sĩ Mỹ ở Afghanistan, để ăn mừng ngày Lễ Tạ ơn với các binh sĩ xa nhà. Tuy nhiên, mục tiêu chính của ông khi đến Afghanistan là 've vuốt' Taliban và mở lại cuộc đàm phán với nhóm phiến quân hiện đang nắm quyền kiểm soát nhiều nơi ở nước này.

Tổng thống Donald Trump tối 28-11 (giờ địa phương) có chuyến thăm bất ngờ các binh sĩ Mỹ ở Afghanistan, để ăn mừng ngày Lễ Tạ ơn với các binh sĩ xa nhà. Tuy nhiên, mục tiêu chính của ông khi đến Afghanistan là “ve vuốt” Taliban và mở lại cuộc đàm phán với nhóm phiến quân hiện đang nắm quyền kiểm soát nhiều nơi ở nước này.

Trong chuyến thăm ngắn ngủi này, ông Trump đã phục vụ bữa tối với gà tây cho các binh sĩ, chụp ảnh và có bài phát biểu sau khi gặp Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. Điểm gây chú ý trong bài phát biểu là ông chủ Nhà Trắng khẳng định Mỹ sẽ tổ chức đàm phán với phiến quân Taliban và bày tỏ tin tưởng nhóm này sẽ nhất trí với một lệnh ngừng bắn. “Taliban muốn đạt được một thỏa thuận. Chúng tôi đang gặp gỡ họ. Chúng tôi đã rất thành công trong các cuộc đàm phán với Taliban”, ông Trump phát biểu sau cuộc gặp song phương với Tổng thống Ghani tại căn cứ không quân Bagram của Mỹ gần thủ đô Kabul.

Thật sự, chuyến thăm bất ngờ của ông Trump đang từng bước mở đường cho bàn đàm phán hòa bình với Taliban. Trong động thái đáp lại ngay sau đó, các thủ lĩnh Taliban cho biết, nhóm này vẫn đang tổ chức nhiều cuộc gặp với các quan chức cấp cao Mỹ ở Doha kể từ hồi cuối tuần qua, đồng thời nhấn mạnh họ có khả năng sớm nối lại cuộc hòa đàm chính thức. Người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid tuyên bố, nhóm này “sẵn sàng nối lại cuộc đàm phán” từng đổ vỡ sau khi Tổng thống Trump hoãn lại hồi đầu năm nay.

Khoảng 13.000 lính Mỹ vẫn ở Afghanistan, 18 năm sau khi Lầu Năm Góc mở cuộc chiến xâm lược quốc gia Trung Á sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001. Đây là cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ. Vì vậy, Tổng thống Trump đã nhấn mạnh ông luôn tìm cách giảm bớt số lượng binh sĩ Mỹ ở quốc gia Trung Á này xuống 8.600 người hay thậm chí xuống mức thấp hơn nữa vì nhờ “các vũ khí và công nghệ mới”. Tuy nhiên, ông không đưa ra chi tiết. Nhưng có thể thấy, việc tiến đến một thỏa thuận hòa bình với Taliban nằm trong chiến lược này của ông Trump. Hồi đầu năm nay, Washington đã đạt được thỏa thuận với Taliban nhằm rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan, từng bước chấm dứt cuộc chiến dài nhất của Mỹ để đổi lấy đảm bảo an ninh.

Mọi việc đang trên đà thuận lợi thì ông Trump lại có một động thái gây sốc vào tháng 9, mô tả các cuộc đàm phán kéo dài 1 năm qua “đã chết” và rút lại lời mời cho Taliban đến hội đàm tại Washington sau vụ một binh sĩ Mỹ bị giết. Taliban sau đó từ chối đàm phán chính thức với chính phủ Afghanistan, mặc dù các bên tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao để đi đến một thỏa thuận hòa bình cuối cùng. Và sau một thời gian khủng hoảng ở Afghanistan với những vụ đánh bom đẫm máu, có lẽ đã đến lúc ông Trump nhận thấy cần phải có một giải pháp chính trị cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.

THANH VĂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_216790_mo-duong-dam-phan.aspx