Mở đường cho thanh niên dân tộc khởi nghiệp

Tháng 2/2018, Dự án Khởi nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) tại thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái chính thức được Tỉnh đoàn, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Yên Bái triển khai. 8 tháng sau trở lại Khuôn Bổ, trên diện tích đất triển khai dự án đã thấy rõ màu xanh của cây, sức sống của vật nuôi, đặc biệt là niềm vui, niềm hy vọng hiển hiện trên gương mặt của những người thực hiện dự án.

Tạo việc làm từ lợi thế địa phương

Hờ A Sênh sinh năm 1995 là con cả trong một gia đình có 5 người con, nhà chỉ làm nông nghiệp, diện tích đất ít nên cũng chỉ đủ ăn. Hiểu được hoàn cảnh gia đình, Sênh cố gắng, nỗ lực học tập và thi đỗ vào Khoa Sử - Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Vì gia đình quá nghèo, không đủ nuôi Sênh ăn học nên học đến năm 2 thì Hờ A Sênh phải nghỉ học, xuống Hà Nội làm thuê để đỡ đần bố mẹ và giúp đỡ các em. Còn Hờ A Chở sau 2 năm đi thực hiện nghĩa vụ quân sự, em trở về quê hương tập trung chăm lo phát triển kinh tế gia đình nhưng vốn không có, định hướng không rõ ràng nên kinh tế gia đình vẫn rất khó khăn.

Những cây gỗ lớn đầu tiên của Dự án Khởi nghiệp tại Khuôn Bổ đã được trồng tại thôn Khuôn Bổ

Hiểu được khát khao lập nghiệp nhưng bị hạn chế bởi không có vốn và thiếu định hướng của nhiều thanh niên DTTS, tháng 2/2018, Tỉnh đoàn Yên Bái đã phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ triển khai dự án khởi nghiệp cho thanh niên DTTS nhằm hỗ trợ, thúc đẩy, khích lệ thanh niên tạo việc làm để giảm nghèo, phát triển sản xuất - kinh doanh, làm giàu từ chính tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trong đó, Hờ A Sênh và Hờ A Chở (cùng sinh sống tại thôn Khuôn Bổ) đã được chọn để thực hiện dự án.

Với số tiền hỗ trợ trị giá 300 triệu đồng, Hờ A Sênh và Hờ A Chở được hướng dẫn kỹ thuật trồng cây gáo vàng, cỏ voi, dược liệu, nho Pháp và rau hữu cơ, chăn nuôi lợn và hươu nhung. Đồng thời, huy động đoàn viên thanh niên hỗ trợ 300 ngày công lao động để trồng cây, xây dựng chuồng trại và đồng hành cùng Hờ A Sênh và Hờ A Chở trong quá trình thực hiện mô hình.

Khơi dậy ngọn lửa nhiệt huyết của thanh niên

Sau gần 1 năm nỗ lực, đến nay, diện tích gần 2 héc-ta đất đồi hoang hóa hôm nào đã được Hờ A Sênh và Hờ A Chở phủ xanh bởi 400 gốc cây gáo vàng, 2.000 gốc sa nhân, 6 tạ gốc nghệ giống, 30 con lợn, 2 cặp hươu nhung – tổng vốn đầu tư gần 800 triệu đồng. Là người đặc biệt tâm huyết với dự án khởi nghiệp cho thanh niên DTTS, anh Bùi Thanh Dân - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Yên Bái chia sẻ: “Nuôi lợn để thanh niên có việc làm đều đặn hằng ngày. Trồng nghệ một năm đã cho thu hoạch, với giá thị trường dao động từ 10.000 - 15.000đồng/kg nghệ tươi. Trồng cây gáo vàng 10 năm thì được khai thác. Toàn bộ đầu ra của sản phẩm đã được các công ty, doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu nếu dự án thành công. Với cách làm lấy ngắn nuôi dài bền vững như thế này, tôi tin mô hình này sẽ cho hiệu quả kinh tế cao và bền vững”.

Với Hờ A Sênh, được tin tưởng hỗ trợ một khoản vốn lớn, lại được hỗ trợ kỹ thuật, định hướng về đầu ra nên anh vô cùng phấn khởi. “Trước đây, em cũng muốn nuôi lợn, phát triển kinh tế gia đình, trồng rừng nhưng chưa có vốn và kỹ thuật. Nay được Tỉnh đoàn – Hội Doanh nhân trẻ chọn hỗ trợ dự án, em sẽ cố gắng để sớm có được những thành quả tốt nhất” – Hờ A Sênh phấn khởi tâm sự.

Anh Đỗ Minh Huấn - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái cho biết, thời gian tới, Tỉnh đoàn Yên Bái sẽ chỉ đạo các cấp bộ đoàn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng phong trào khởi nghiệp, khơi dậy ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần sáng tạo, cống hiến của sức trẻ trong thanh niên, nhất là thanh niên vùng cao, vùng DTTS. Đồng thời, thường xuyên nghiên cứu, phối hợp với các cấp, các ngành liên quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai, vận dụng các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp của đoàn viên thanh niên với quyết tâm không để khởi nghiệp chỉ làm phong trào mà phải làm bền vững. Cụ thể như, khi dự án tại thôn Khuôn Bổ thành công, mô hình này sẽ mở đường để nhân rộng thêm các mô hình khác trong toàn xã Hồng Ca.

Phong trào khởi nghiệp từ nông nghiệp của tuổi trẻ Yên Bái do Tỉnh đoàn và Hội Doanh nhân trẻ Yên Bái phát động đã xây dựng được 354 mô hình kinh tế từ nông – lâm nghiệp/690 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ. Tuy chỉ với quy mô vừa và nhỏ nhưng mỗi mô hình đã cho doanh thu từ 100 – 600 triệu đồng mỗi năm, mang lại thu nhập cao cho 5.000 lao động.

Phương Tú

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/mo-duong-cho-thanh-nien-dan-toc-khoi-nghiep-111829.html