Mở đường cho nông sản vươn xa

Với việc triển khai Đề án 'Mỗi xã phường một sản phẩm', phong trào sản xuất - kinh doanh tại nhiều xã, huyện vùng cao tỉnh Bắc Kạn đã có những bước chuyển mạnh mẽ, nhiều sản phẩm truyền thống của địa phương đã có mặt ở các hệ thống bán lẻ hiện đại ở thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…

Vùng đất của những cây trồng thế mạnh

Từ đầu những năm 1980, tại khu vực xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây quýt. Quýt Bắc Kạn có mùi thơm đặc trưng, hương vị dịu ngọt… không lẫn với bất kỳ sản phẩm quýt của vùng nào nên được nhiều người tiêu dùng rất ưa chuộng. Mỗi khi đến mùa thu hoạch quýt, xã Quang Thuận lại rộn ràng khách đến tìm mua. Từng sọt quýt lớn, bé từ đây tỏa đi nhiều huyện trong tỉnh, sang cả các tỉnh lân cận.

Diện tích cam, quýt của Bắc Kạn ngày càng tăng

Diện tích cam, quýt của Bắc Kạn ngày càng tăng

Thu hoạch trước quýt khoảng 3 tháng là hồng không hạt Bắc Kạn – giống hồng đã có trên 100 năm tuổi, ngọt thơm và rất giòn. Hồng không hạt Bắc Kạn chín vào thời điểm cuối tháng 7, 8 âm lịch, khi chín, màu quả chuyển từ xanh sang đỏ vàng sáng. Với nhiều người dân Bắc Kạn, hồng không hạt là món quà mà ai cũng tự hào khi được dành tặng cho người thân, bạn bè.

Cùng với quýt, hồng không hạt; gần đây, nhắc tới Bắc Kạn là nhắc tới miến dong, gạo Bao Thai, gạo nếp thơm, khoai môn, rau bò khai, nghệ, bí xanh… Đây đều là những sản phẩm được chăm sóc theo phương pháp nuôi trồng hữu cơ, đảm bảo độ an toàn với chất lượng cao.

Triển khai Đề án “Mỗi xã phường một sản phẩm”

Nhận thức được những lợi thế của các loại cây trồng trên mang lại, cũng như nhu cầu được sử dụng sản phẩm sạch và chất lượng của người tiêu dùng…, từ năm 2010, tỉnh Bắc Kạn đã xúc tiến để các sản phẩm này được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học công nghệ) cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý Bắc Kạn. Với chứng nhận này cùng các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu được tổ chức thường xuyên, không chỉ người sản xuất ở Bắc Kạn có những thay đổi vượt bậc về tư duy, cách thức sản xuất, mà hơn thế, người tiêu dùng ở nhiều địa phương cũng được thưởng thức những nông sản bản địa, đậm đà hương sắc của Bắc Kạn.

Đặc biệt, từ tháng 5/2018, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 851/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Mỗi xã phường một sản phẩm - OCOP” tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, Bắc Kạn đã triển khai được 8/8 nội dung, trong đó tập trung vào các hoạt động nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực cho cán bộ các cấp, các tổ chức kinh tế phát triển, đánh giá sản phẩm. Đến nay, Hội đồng đánh giá cấp tỉnh đã tiến hành đánh giá, xếp loại 5 sản phẩm đạt 4 sao, 32 sản phẩm đạt 3 sao và 8 sản phẩm tiếp tục hoàn thiện và tham gia chương trình năm 2019. Với việc thực hiện đề án, nhiều sản phẩm truyền thống của địa phương đã được chú trọng xây dựng mẫu mã, bao bì đáp ứng quy định lưu thông trên thị trường và có tiềm năng xuất khẩu. Đặc biệt, sản phẩm nghệ của Bắc Kạn đã được doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, chinh phục được cả khách hàng khó tính.

Bí xanh thơm - cây trồng đặc sản bản địa của huyện Ba Bể, Bắc Kạn

Thông qua việc triển khai Đề án “Mỗi xã phường một sản phẩm - OCOP”, hoạt động sản xuất – kinh doanh tại nhiều xã, huyện của Bắc Kạn đã trở thành phong trào, kích thích tinh thần sản xuất sản phẩm hàng hóa chất lượng cao trong đồng bào dân tộc ở Bắc Kạn.

Giờ đây, không chỉ tự hào vì quýt, hồng thơm ngon; Bắc Kạn còn được biết đến với nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu như: Miến dong Nhất Thiện, miến dong Chính Tuyển, rượu chuối Tân Dân, Tinh nghệ Bắc Kạn…

Mai Hoàng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/mo-duong-cho-nong-san-vuon-xa-114000.html