Mở đường cho du lịch di sản Đồng Nai

Ngành du lịch Đồng Nai đang đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch gắn với các di tích, danh thắng nhằm phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử của các di tích trên địa bàn tỉnh.

Khu du lịch Bửu Long, một trong những di tích, danh thắng cấp quốc gia khai thác tốt về du lịch nhiều năm nay. Ảnh: Ngọc Liên

Khu du lịch Bửu Long, một trong những di tích, danh thắng cấp quốc gia khai thác tốt về du lịch nhiều năm nay. Ảnh: Ngọc Liên

Đồng Nai là địa phương có khá nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng, có tiềm năng khai thác du lịch. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch loại hình này hiện nay vẫn chưa được khai thác, phát triển đúng với tiềm năng của nó.

* Du lịch khám phá những giá trị lịch sử, văn hóa

Đồng Nai hiện có 57 di tích được Nhà nước xếp hạng. đây là tiềm năng lớn để tỉnh khai thác du lịch. Trong đó có 2 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt là danh thắng Vườn quốc gia Cát Tiên (H.Tân Phú) và di tích Mộ cự thạch Hàng Gòn (TP.Long Khánh); 29 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 26 di tích xếp hạng cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó trưởng phòng Quản lý văn hóa, thể thao và du lịch (Sở VH-TTDL) cho biết, Đồng Nai có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch gắn với các di tích, danh thắng. Tuy nhiên, để thu hút khách du lịch, các địa phương cần có chiến lược khai thác hiệu quả từ việc đào tạo nhân viên hướng dẫn đến phát triển thêm các kênh dịch vụ, giải trí đi kèm, những sản phẩm lưu niệm. Có như vậy, khi đến những điểm tham quan du khách không chỉ ngắm di tích mà còn có thể khám phá những sản phẩm làng nghề truyền thống, thưởng thức đặc sản địa phương…

Thực tế, một số di tích, danh thắng đã và đang được khai thác, phát triển du lịch như: di tích căn cứ Chiến khu Đ tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (H.Vĩnh Cửu), Vườn quốc gia Cát Tiên (H.Tân Phú), danh thắng núi Chứa Chan (H.Xuân Lộc), Khu du lịch (KDL) Bửu Long (TP.Biên Hòa)…

Bà Nguyễn Thị Kiều Trinh (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) chia sẻ, gia đình bà thường đi du lịch vào mỗi dịp lễ, tết hoặc ngày nghỉ cuối tuần. Vào dịp cuối tuần, cả gia đình thường chọn những điểm tham quan trong tỉnh như: KDL Bửu Long, núi Chứa Chan…

Đã từng đi nhiều nơi trong nước lẫn nước ngoài, bà Trinh cho rằng Đồng Nai có những danh lam thắng cảnh rất đẹp, có nhiều lợi thế để thu hút du khách tham quan. Điển hình như KDL Bửu Long không chỉ là cảnh đẹp thiên nhiên của hồ và núi, với không gian như một Đà Lạt thu nhỏ mà nơi đây còn được đơn vị quản lý, khai thác sáng tạo thêm những khu vui chơi, hồ bơi, những không gian xanh thích hợp cho các hoạt động sinh hoạt theo nhóm. Bà Trinh chia sẻ: “Đồng Nai có một số điểm du lịch nổi tiếng mà chỉ cần nói tới Đồng Nai, ai cũng nghĩ ngay đến các danh thắng như: KDL Bửu Long, núi Chứa Chan, đá Ba Chồng… mang theo những giá trị văn hóa và giá trị lịch sử. Tôi hy vọng thời gian tới, những danh thắng, di tích của Đồng Nai sẽ tiếp tục được khai thác hiệu quả, là điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh”.

Bàu Sấu là một trong những điểm đến nổi bật của Vườn quốc gia Cát Tiên Nguồn: namcattien.vn

Bà Lê Thị Thanh Hương (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) thì cho rằng, việc kết nối du lịch với các điểm di tích, danh thắng cũng là một phương pháp dạy và học khá hiệu quả đối với học sinh, sinh viên. Một trong những hoạt động mà bà Hương hưởng ứng nhiệt tình nhất là hằng năm các con của bà đều được nhà trường tổ chức các chuyến dã ngoại, trong đó có lồng ghép chương trình về nguồn, học sinh được tham quan các di tích, danh thắng như Văn miếu Trấn Biên, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Bảo tàng Đồng Nai, di tích Nhà lao Tân Hiệp… Bà Hương chia sẻ: “Tôi đã từng cùng đi chung với con trong các buổi dã ngoại nên thấy chương trình này rất có ý nghĩa, các con được nghe, học về lịch sử qua thực tế, được biết đến những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam về tinh thần đoàn kết, yêu nước cũng như được tìm hiểu về giá trị văn hóa của Đồng Nai qua những di tích, danh thắng, nơi ghi dấu ấn lịch sử về sự phát triển của quê hương”.

Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho biết, những năm gần đây, khu bảo tồn thu hút khá nhiều khách tham quan, du lịch, vừa thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên của rừng vừa tìm hiểu về truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc. Theo ông Hảo, do di tích có vị trí nằm trong rừng, có cảnh quan thiên nhiên đẹp nên đây là một lợi thế thu hút du khách đến tham quan.

* Tiềm năng phát triển du lịch di tích

Bà Trần Thu Hà (xã Phú Lợi, H.Định Quán) cho rằng, Đồng Nai gần đây đã có sự nâng cấp trong khai thác các dịch vụ lưu trú, chất lượng phục vụ được nâng cao. Đáng chú ý nhất là các khu nghỉ dưỡng cao cấp đã xuất hiện, đáp ứng nhu cầu du lịch cho mọi đối tượng từ bình dân đến cao cấp. “Tôi và gia đình đã từng nghỉ dưỡng tại điểm du lịch trên địa bàn xã Nam Cát Tiên của H.Tân Phú, điều khiến tôi bất ngờ là dịch vụ lưu trú tại đây có nhiều sự thay đổi cả về hạ tầng lẫn cách phục vụ so với vài năm trước. Một số bạn bè nơi xa khi về Đồng Nai du lịch cũng có nhận xét tốt về Đồng Nai. Tôi tin với sự thay đổi trong làm du lịch như hiện nay, trong tương lai không xa, Đồng Nai sẽ trở thành tỉnh nổi tiếng về phát triển kinh tế trên cả 3 lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ” - bà Hà cho biết thêm.

Dù đã có những di tích khai thác tốt tiềm năng du lịch nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều điểm di tích, danh thắng chưa được khai thác xứng tầm như: di tích khảo cổ học Mộ cự thạch Hàng Gòn (TP.Long Khánh), di tích Thành cổ Biên Hòa, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Nhà Xanh, Khu di tích đá Ba Chồng (H.Định Quán)…

Mộ cự thạch Hàng Gòn (TP.Long Khánh) là di tích cấp quốc gia đặc biệt đang được khai thác du lịch

Trong đó, Mộ cự thạch Hàng Gòn tại TP.Long Khánh là di tích khảo cổ học cấp quốc gia đặc biệt, sau khi chuyển giao về cho địa phương quản lý khoảng 1 năm nay, di tích khảo cổ học này đang mở cửa đón du khách nhưng lượng người đến tham quan chưa cao. Hiện TP.Long Khánh đang lên phương án duy tu, sửa chữa khu di tích, đây sẽ là một trong những điểm tham quan hấp dẫn kết nối với các điểm du lịch sinh thái đang phát triển khá mạnh trên địa bàn TP.Long Khánh.

Hay như TP.Biên Hòa hiện có tới 23 di tích, danh thắng, trong đó có 6 di tích cấp tỉnh và 17 di tích cấp quốc gia (16 di tích lịch sử, 1 di tích kiến trúc nghệ thuật). TP.Biên Hòa hiện đang có những đề án đưa một số di tích, danh thắng vào khai thác du lịch, tạo điểm nhấn cho Biên Hòa như Thành cổ Biên Hòa (đã được trùng tu nhưng chưa đưa vào khai thác), các đình, chùa…

Ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết, TP.Biên Hòa đang đẩy mạnh việc trùng tu, tôn tạo các di tích, danh thắng để khai thác thành những điểm kết nối với tour du lịch tham quan TP.Biên Hòa. Theo đó, những di tích, danh thắng nổi tiếng như: KDL Bửu Long, Văn miếu Trấn Biên, Thành cổ Biên Hòa… và các KDL trên địa bàn thành phố sẽ được kết nối, du khách vừa tham quan du lịch, vừa được tìm hiểu về những giá trị lịch sử, văn hóa của thành phố qua các công trình kiến trúc, lịch sử.

Ngọc Liên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202006/mo-duong-cho-du-lich-di-san-dong-nai-3007030/