Mở đường cho đặc sản

Cụm từ 'quốc gia củ sâm' từ lâu đã trở thành 'bộ nhận diện thương hiệu' của Hàn Quốc và quốc gia này đã đầu tư, nghiên cứu, phát triển, thu lợi từ ngành công nghiệp nhân sâm cả trăm năm nay. Trình độ nuôi trồng, chế biến nhân sâm của Hàn Quốc đã và đang đứng đầu thế giới với hàng trăm loại sản phẩm từ nhân sâm xuất khẩu đi khắp thế giới. Người Hàn Quốc ăn sâm tươi, dùng sâm để làm đẹp, sử dụng trong ngành dược phẩm… và vẫn đang nhân rộng, nghiên cứu thêm.

Vì sao loại biệt dược này lại trở nên nổi tiếng khắp thế giới và có thể thu về hàng tỷ đô la cho Hàn Quốc? Ngoài những yếu tố về thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác và tiêu dùng thì không thể không nhắc đến tâm huyết của Chính phủ Hàn Quốc trong việc mở đường cho củ nhân sâm. Tại đất nước này, Chính phủ xây dựng và phát triển những vùng nguyên liệu nhân sâm khổng lồ tại những nơi có khí hậu phù hợp, xây dựng và vận hành các viện nghiên cứu nhân sâm, cấp phép và kiểm soát chất lượng rất nhiều sản phẩm chế biến từ nhân sâm… Ở nhiều vùng trồng và chế biến sâm nổi tiếng, Chính phủ thậm chí còn xây cả siêu thị nhân sâm ngay trong trụ sở chính quyền với hàng trăm loại sản phẩm: dược phẩm, mỹ phẩm, bánh kẹo, nước uống đóng lon… chế biến từ các loại nhân sâm. Khách du lịch đến Hàn Quốc hầu hết đều được ghé thăm các trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm nhân sâm, với tem chống hàng giả do Chính phủ bảo trợ, phát hành được dán trên từng sản phẩm như một lời cam kết xác tín về chất lượng.

Quay về với câu chuyện của Việt Nam. Có thể nói, thiên nhiên, thổ nhưỡng và khí hậu cũng ưu đãi cho Việt Nam không ít các sản phẩm đặc sản, quý hiếm phân bố tại nhiều vùng, miền. Chính phủ Việt Nam và chính quyền nhiều địa phương cũng mong muốn phát triển và xây dựng thương hiệu cho nhiều loại đặc sản: sâm núi, nấm linh chi, trầm hương, yến sào… Song nhìn nhận lại, hầu như chưa một sản phẩm nào vươn lên được tầm “đặc sản quốc gia”, thậm chí trở thành thương hiệu và có thể “đường đường, chính chính” xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới, không “núp bóng” thương hiệu quốc gia khác, không bị “mượn” tên tuổi (như đã từng xảy ra với các đặc sản Việt Nam như: gạo, hạt tiêu, nước mắm...).

Vì con đường trở thành đặc sản mang thương hiệu quốc gia thực sự không phải là con đường “trải hoa hồng”, nó đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc hàng chục, thậm chí cả trăm năm với sự huy động từ nhiều nguồn lực: vốn, chính sách, khoa học - công nghệ, hệ thống phân phối trong và ngoài nước... Với tiềm lực của Việt Nam nói chung và chính quyền các địa phương trong nước hiện nay nói chung, câu chuyện chỉ mới được bàn bạc ở mức độ làm sao “mở đường” cho một số loại đặc sản đặc biệt trong nước, chính sách nào cần được tập trung xây dựng để đặc sản bước đầu được nuôi dưỡng, kiểm soát chất lượng và đứng chân được trên thị trường?

Ngay tại Đồng Nai, có thể lấy ví dụ cho câu chuyện “làm sao mở đường cho đặc sản” bằng 2 loại đặc sản được xếp vào hàng “siêu phẩm” trên thị trường hiện nay với giá bán rất cao, có nhiều cơ hội xuất khẩu và lợi nhuận rất lớn là yến sào (tổ yến) và trầm hương. Những năm gần đây, dù khá âm thầm, song có khá nhiều cá nhân lẫn doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất trầm hương và yến sào ngay trong tỉnh. Trong đó, trầm hương được nuôi cấy nhiều nhất ở H.Tân Phú và bước đầu nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã chế biến được nhiều sản phẩm đa dạng, có tiếng trong nước. Với yến sào, hầu hết các địa phương đều phát triển mạnh: H.Trảng Bom, H.Định Quán, H.Vĩnh Cửu, H.Thống Nhất… và nhiều doanh nghiệp cũng bắt đầu có các đơn hàng xuất khẩu.

Với giá bán trên thị trường dao động từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/kg sản phẩm, trầm huơng và yến sào được xếp vào hàng “siêu đặc sản”, tuy không dễ nuôi trồng nhưng lợi nhuận rất cao và thị trường nhiều tiềm năng. Song, thành thật mà nói, những chính sách dành riêng cho việc phát triển, kiểm soát chất lượng, “nuôi dưỡng” danh tiếng, xây dựng thương hiệu… cho 2 loại đặc sản này nói riêng và nhiều loại đặc sản khác nói chung vẫn gần như… chưa có gì. Nghề nuôi chim yến tồn tại vài chục năm nay, song vẫn “đứng ngoài” các chiến lược phát triển nông sản của tỉnh, mặc dù sản phẩm yến sào Đồng Nai được đánh giá khá cao về chất lượng và thường xuyên ở trong thực trạng “cháy hàng”.

May mắn là gần đây, tỉnh đã xây dựng nghị quyết quy định khu vực không được phép nuôi chim yến và vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh, được coi như “hành lang” hoạt động bài bản ban đầu cho nghề nuôi chim yến. Hy vọng từ nền tảng ban đầu này, sẽ có thêm các chính sách mang tính hợp thức hóa, mở đường cho nhiều loại đặc sản khác trong tỉnh như: trầm hương, ngọc trai nước ngọt, nấm linh chi… tạo thêm điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp tham gia sản xuất và thu được lợi nhuận từ những nhóm hàng cao cấp, qua đó cũng tạo thêm danh tiếng cho ngành Nông nghiệp Đồng Nai.

Vi Lâm

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202009/mo-duong-cho-dac-san-3022650/