Mở dây hụi phải thông báo phường, xã

Từ ngày 5-4, những người chơi hụi phải chịu sự giám sát của địa phương.

Chơi hụi (họ, biêu, phường) là hình thức gây vốn và tiết kiệm do một nhóm người tham gia với nhau. Cũng chính vì hình thức chơi lỏng lẻo nên thời gian qua ở một số địa phương xảy ra nhiều vụ giật hụi, bể hụi và có những vụ lên đến hàng tỉ đồng.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 19/2019 về họ, hụi, biêu (gọi tắt là hụi), phường quy định cụ thể về nguyên tắc tổ chức hụi, các điều kiện chơi, văn bản thỏa thuận cũng như lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của các bên... Nghị định này thay thế Nghị định 144/2006 và có hiệu lực từ ngày 5-4.

15 tuổi được tham gia chơi hụi

Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với luật sư Trần Vân Linh, Đoàn Luật sư TP.HCM, về một số điều khoản của Nghị định 19/2019.

. Phóng viên: Luật sư có thể cho biết những điểm nổi bật của Nghị định 19/2019 so với quy định trước đây?

+ Luật sư Trần Vân Linh: Nghị định 19/2019 quy định cụ thể độ tuổi của chủ hụi và thành viên của dây hụi. Việc tổ chức dây hụi phải lập thành văn bản và phải có những nội dung theo quy định của Nghị định 19 và phải được công chứng, chứng thực khi có các thành viên yêu cầu. Văn bản này có thể được sửa đổi, bổ sung và quy định về lãi suất trong dây hụi. Đặc biệt, nghị định này quy định chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi đối với dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở từ 100 triệu đồng trở lên; tổ chức từ hai dây hụi trở lên.

. Nghị định 19/2019 quy định như thế nào về những thành viên tham gia dây hụi và điều kiện nào để được làm chủ hụi?

+ Tại Điều 5, 6 của Nghị định 19 quy định thành viên tham gia dây hụi phải từ đủ 18 tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật Dân sự. Ngoài ra, người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu có tài sản riêng có thể là thành viên của dây hụi, trường hợp sử dụng tài sản riêng là bất động sản, động sản phải đăng ký để tham gia dây hụi thì phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Người dân huyện Châu Thành A (Hậu Giang) kể về việc bị chủ hụi giật tiền. Ảnh: H.NHUNG

Người dân huyện Châu Thành A (Hậu Giang) kể về việc bị chủ hụi giật tiền. Ảnh: H.NHUNG

Điều kiện làm chủ hụi phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật Dân sự.

Trường hợp các thành viên tự tổ chức dây hụi thì chủ hụi là người được hơn nửa tổng số thành viên bầu, trừ trường hợp các thành viên có thỏa thuận khác.

. Hình thức của việc thỏa thuận bằng văn bản về dây hụi quy định như thế nào, thưa luật sư?

+ Thỏa thuận về dây hụi được thể hiện bằng văn bản. Văn bản thỏa thuận về dây hụi được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia dây hụi yêu cầu. Trường hợp thỏa thuận về dây hụi được sửa đổi, bổ sung thì văn bản sửa đổi, bổ sung phải được thực hiện theo quy định nêu trên.

Chủ hụi phải lập và giữ sổ hụi, trừ trường hợp có thỏa thuận về việc một thành viên lập và giữ sổ hụi. Trường hợp dây hụi không có chủ hụi thì các thành viên thỏa thuận giao cho một thành viên lập và giữ sổ hụi.

Khi góp hụi, lĩnh hụi, nhận lãi, trả lãi hoặc thực hiện giao dịch khác có liên quan thì thành viên có quyền yêu cầu chủ hụi hoặc người lập và giữ sổ hụi cấp giấy biên nhận về việc đó.

Lãi suất không vượt quá 20%/năm

. Nghị định 19/2019 quy định về lãi suất chơi hụi ra sao?

+ Về phần lãi suất, đối với những dây hụi có lãi thì phần lãi suất do các thành viên của dây hụi thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi. Tuy nhiên, lãi suất không được vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần hụi phải góp trừ đi giá trị các phần hụi đã góp trên thời gian còn lại của dây hụi.

Trường hợp đến kỳ mở hụi mà chủ hụi không giao hoặc giao không đầy đủ các phần hụi cho thành viên được lĩnh hụi, thành viên chưa lĩnh hụi không góp phần hụi hoặc góp phần hụi không đầy đủ thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

. Nếu có tranh chấp xảy ra thì các thành viên và chủ hụi phải xử lý như thế nào?

+ Vấn đề tranh chấp và xử lý vi phạm sẽ được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, chủ hụi, thành viên, cá nhân, tổ chức liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật,…

. Xin cám ơn luật sư.

Không được lợi dụng chơi hụi để cho vay lãi nặng

Nghị định 19/2019 gồm năm chương, 28 điều, quy định việc tổ chức hụi phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản và quy định của Bộ luật Dân sự. Chủ hụi và các thành viên không được lợi dụng việc tổ chức dây hụi để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và các hành vi vi phạm pháp luật.

NGUYỄN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/mo-day-hui-phai-thong-bao-phuong-xa-821208.html