Mở đầu vào, xét tuyển dạy thạc sĩ: Đừng ra bằng 'dởm'!

Chuyên gia giáo dục cho rằng, không nên hạn chế đầu vào, sợ nhất là quá trình đào tạo dễ dãi khiến chất lượng thạc sĩ yếu kém.

Bộ GD-ĐT đang lấy kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân cho dự thảo Thông tư ban hành Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ.

Theo dự thảo này, hình thức tuyển sinh đào tạo thạc sĩ sẽ mở hơn. Cụ thể, thay vì chỉ thi tuyển như quy định hiện hành, dự thảo Thông tư quy định, bên cạnh thi tuyển, cơ sở đào tạo được phép xét tuyển hoặc kết hợ giữa thi và xét tuyển trình độ thạc sĩ.

Trao đổi với Đất Việt về quy định mới này của dự thảo Thông tư ban hành Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ, một số chuyên gia giáo dục đều khẳng định, với quy định này, việc tuyển sinh đào tạo thạc sĩ trở nên mềm dẻo, nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, không phải vì thế mà lo "phổ cập thạc sĩ".

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, thạc sĩ không phải là bằng cấp gì ghê gớm, nó chỉ là nâng cấp thêm trình độ đại học mà thôi, làm cơ sở, tạo điều kiện cho người học có thể nghiên cứu, do đó không nên hạn chế đầu vào.

"Nếu định ra được tiêu chuẩn rõ ràng, minh bạch thì thi tuyển cũng được, xét tuyển cũng được. Thế nào là xét tuyển? Xét tuyển như thế nào? Phải xem xét quá trình công tác, học tập năng lực của ứng viên ra sao? Có khả năng nghiên cứu bài báo ra sao? Đạo đức thế nào?... Những tiêu chí ấy phải làm cho rõ trong quá trình xét tuyển", nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT lưu ý.

Chuyên gia ủng hộ mở đầu vào đào tạo thạc sĩ nhưng phải siết chặt đầu ra

Chuyên gia ủng hộ mở đầu vào đào tạo thạc sĩ nhưng phải siết chặt đầu ra

Cùng quan điểm, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, học thạc sĩ là quyền của mỗi người. Nếu các cơ sở đào tạo làm một cách nghiêm túc, đặc biệt là nghiêm túc trong quá trình đào tạo, người học không đáp ứng các yêu cầu về chương trình đào tạo, trường không cấp bằng, không công nhận học vị của người đó... thì dẫu đầu vào có dễ cũng không vấn đề gì.

"Chết nỗi lâu nay đào tạo thạc sĩ ở Việt Nam ai ra cũng điểm cao ngất ngưởng. Điểm thi phổ thông đã cao rồi, điểm thạc sĩ còn cao hơn nhiều, hầu như ai bảo vệ thạc sĩ cũng đều đạt điểm xuất sắc.

Đây là điều nguy hiểm, sợ nhất là quá trình đào tạo dễ dãi, người ta học vớ vẩn trường cũng cấp bằng, dẫn đến thạc sĩ "dởm" nhiều, học xong không giải quyết được gì.

Cho nên, theo tôi, kể cả đào tạo đại học lẫn đào tạo thạc sĩ, kể cả làm tiến sĩ, ai có năng lực thì chúng ta tôn trọng, nhưng tất cả phải đảm bảo yêu cầu nghiêm ngặt của quá trình đào tạo", Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam nêu chỉ rõ.

Từ thực tế này, theo quan điểm của vị chuyên gia, nếu đầu vào tuyển sinh cứng nhắc, làm chặt quá để rồi sau đó thả lỏng thì còn nguy hiểm hơn. Cho nên, thà rằng đầu vào mở nhưng siết chặt đầu ra còn hơn, trong quá trình học nếu người học không tuân thủ yêu cầu đào tạo thì dứt khoát phải thôi, không cấp bằng cho người đó.

Cũng theo GS.TS Phạm Tất Dong, trên thế giới khuyến khích chương trình đào tạo mở, không tính đầu vào. Cơ sở đào tạo quy định số tín chỉ nhất định, thời gian học của mỗi người có thể kéo dài 5 năm, 7 năm, 10 năm... quan trọng là giúp người học tích lũy tri thức.

"Cách học này khác hẳn kiểu bằng mọi giá phải vào được, rồi sau đó tìm mọi cách hô biến thành một cử nhân, một thạc sĩ...", ông cho biết.

Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ được xây dựng theo hướng quy định về nguyên tắc và ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào. Các cơ sở đào tạo xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường, từng ngành nhưng vẫn phải tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu do nhà nước quy định để thực hiện trách nhiệm giải trình cũng như sự giám sát của các bên liên quan và toàn xã hội.

Quy định về phương thức xét tuyển, cơ sở đào tạo căn cứ theo kết quả học tập đào tạo, đề xuất nghiên cứu đối với chương trình thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu. Các trường ban hành quy chế tổ chức xét tuyển cho phù hợp với trường và ngành đào tạo. Chẳng hạn như xét hồ sơ học tập, kinh nghiệm làm việc, bài luận về bản thân, thư giới thiệu của giảng viên hoặc người quản lý, đề xuất cho đề tài nghiên cứu đối với chương trình theo định hướng nghiên cứu…

Điều 9. Tổ chức tuyển sinh và công nhận học viên trúng tuyển (dự thảo Thông tư ban hành Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ)

1. Đối với những cơ sở đào tạo tổ chức tuyển sinh theo phương thức xét tuyển phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng về các tiêu chí để xét tuyển:

a) Căn cứ kết quả học tập ở trình độ đại học để xét tuyển.

b) Trưởng khoa chuyên môn lựa chọn tối thiểu 02 môn quan trọng trong các học phần bắt buộc theo yêu cầu của ngành đào tạo trình độ thạc sĩ để đánh giá kiến thức chuyên môn ở trình độ đại học của ứng viên dự tuyển.

c) Đối với, chương trình thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu: ngoài yêu cầu tại điểm a và b khoản này, cơ sở đào tạo thực hiện xét tuyển đối với ứng viên có bằng tốt nghiệp đại học xếp loại khá trở lên và đánh giá đề xuất nghiên cứu của ứng viên.

d) Ngoài quy định tại điểm a, b và c khoản 2 Điều này, thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định cụ thể các điều kiện để xét tuyển tại Đề án tuyển sinh đối với từng chương trình đào tạo gồm có cả chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu và theo định hướng ứng dụng.

3. Đối với những cơ sở đào tạo tổ chức tuyển sinh theo phương thức thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng sau:

a) Tổ chức thi tối thiểu 02 môn quan trọng trong các học phần bắt buộc theo yêu cầu của ngành đào tạo trình độ thạc sĩ do Trưởng khoa chuyên môn lựa chọn để kiểm tra kiến thức chuyên môn ở trình độ đại học của ứng viên dự tuyển.

b) Tổ chức thi ngoại ngữ cho ứng viên không được miễn đánh giá năng lực ngoại ngữ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Quy chế này.

c) Có bộ phận độc lập chuyên trách thực hiện chức năng tổ chức thi tuyển sinh, trong đó có đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chấm thi, cán bộ ra đề thi, cán bộ đánh giá, thẩm định đề thi, cán bộ hỗ trợ, kỹ thuật viên, đáp ứng các yêu cầu về số lượng và năng lực để tổ chức thi tuyển sinh.

d) Có ngân hàng câu hỏi thi với số lượng câu hỏi ít nhất gấp 50 lần tổng số câu trong 01 đề thi; đề thi phải được rút ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi thi.

đ) Bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ kỳ thi, phù hợp với quy mô và phương thức tổ chức thi.

e) Thủ trưởng cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi trung thực, khách quan, công bằng; giải trình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ kỳ thi.

4. Ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào:

a) Đối với các phương thức tuyển sinh kết quả mỗi học phần ở trình độ đại học sử dụng để xét tuyển hoặc kết quả thi của môn thi tuyển phải đạt ít nhất 50% thang điểm của học phần hoặc môn thi đó.

b) Đối với chương trình thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu: ngoài yêu cầu tại điểm a khoản này, bằng tốt nghiệp đại học của ứng viên phải xếp loại khá trở lên và đề xuất nghiên cứu được trưởng khoa chuyên môn của cơ sở đào tạo đánh giá đạt yêu cầu.

5. Căn cứ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 34 Luật Giáo dục đại học (đã được sửa đổi, bổ sung), thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định chi tiết việc tổ chức tuyển sinh, tiêu chuẩn, số lượng, nhiệm vụ và quyền của các cá nhân và tập thể tham gia tổ chức tuyển sinh; phê duyệt danh sách học viên trúng tuyển và ra quyết định công nhận trúng tuyển.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/mo-dau-vao-xet-tuyen-day-thac-si-dung-ra-bang-dom-3419593/