''Mở cửa'' thị trường 500 triệu dân

Với kết quả 401 phiếu ủng hộ (63,3%), Nghị viện châu Âu đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) vào khoảng 18 giờ ngày 12-2 (giờ Việt Nam). EVFTA - hiệp định có lịch sử 10 năm đàm phán - được cho là một hiệp định toàn diện, chất lượng, sẽ mang lại lợi ích lớn, rõ ràng và cụ thể cho cả Việt Nam và EU.

Giày dép là một trong những ngành được dự báo hưởng lợi khi xuất khẩu sang EU. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Bình Tiên (Biti’s) Đồng Nai. Ảnh: Văn Gia

Giày dép là một trong những ngành được dự báo hưởng lợi khi xuất khẩu sang EU. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Bình Tiên (Biti’s) Đồng Nai. Ảnh: Văn Gia

Để đón làn sóng thương mại - đầu tư trong ngắn hạn và dài hạn, doanh nghiệp cả nước cũng như Đồng Nai đang tích cực chuẩn bị để khi hiệp định chính thức có hiệu lực (dự kiến vào tháng 7-2020) sẽ đạt kết quả cao nhất.

* “Cửa” khó nhất đã mở

Theo tính toán của Bộ Công thương, EVFTA mở cửa cho gần 100% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU, hàng hóa sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau lộ trình khoảng 10 năm, tạo thuận lợi cho các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường EU như: dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ…

Ngay khi hiệp định này có hiệu lực, EU sẽ lập tức xóa bỏ 85,6% số dòng thuế nhập khẩu, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Con số này được cho là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, không chỉ thúc đẩy cải cách thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh…, EVFTA còn tác động lớn đến tăng trưởng xuất khẩu, dòng đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Hiệp định này mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với hơn 500 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18 ngàn tỷ USD của EU. Điều này đặc biệt quan trọng khi EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với kim ngạch năm 2019 đạt 41,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD.

EVFTA dự kiến sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025. Trong khi đó, GDP của EU sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035. Còn xuất khẩu của Việt Nam dự kiến có thể tăng thêm 20% trong 2 năm tới.

Tiến trình đàm phán các hiệp định EVFTA và EVITA . (Thông tin: Văn Gia - Đồ họa: Hải Quân)

Tầm quan trọng của EVFTA không chỉ là kinh tế, đây là lần đầu tiên, một nước đang phát triển như Việt Nam ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU. Điều này khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Với EVFTA, chuỗi giá trị mới của Việt Nam với một đối tác quan trọng trên thế giới sẽ được hình thành. Môi trường đầu tư mở hơn và thuận lợi hơn, khi triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ EU vào Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt là các lĩnh vực như: dịch vụ, tài chính, ô tô, chế biến chế tạo, công nghệ thông tin, công nghệ cao, nông sản thực phẩm chế biến...

“Đây là bước đi gần như cuối cùng để EU hoàn tất quy trình thủ tục pháp lý cho việc phê chuẩn một hiệp định thương mại tự do và hiệp định bảo hộ đầu tư thế hệ mới với các tiêu chuẩn rất cao, kết thúc quá trình đàm phán kéo dài nhiều năm với Việt Nam” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định tại buổi trả lời báo chí sau khi Nghị viện châu Âu thông qua hiệp định.

* Sẽ đón “sóng” thương mại - đầu tư

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, để các hiệp định có hiệu lực, Việt Nam đang khẩn trương thực hiện các công việc liên quan. Trước hết, cần có sự phê chuẩn của Quốc hội Việt Nam, dự kiến trong kỳ họp sắp tới của Quốc hội vào giữa năm 2020. Sau khi được sự phê chuẩn của Quốc hội Việt Nam, hàng loạt các vấn đề khác cũng phải chuẩn bị, đặc biệt là sự chuẩn bị “đối mặt” với áp lực thực hiện các cam kết hội nhập cũng như chuẩn bị cho các kế hoạch dài hạn.

Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam khẳng định, Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới thông qua các FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA. Chắc chắn Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều hơn thách thức nếu đặt trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và một số vấn đề bất ổn trong quan hệ thương mại EU - Trung Quốc.

“Chúng ta có lợi thế về mặt xuất khẩu và thu hút vốn FDI, cần phải khai thác triệt để bằng việc tập trung nguồn lực, thúc đẩy nhanh và mạnh năng lực của các doanh nghiệp liên quan đến xuất khẩu hàng hóa, đặt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 25% doanh nghiệp trong nước tham gia xuất khẩu trực tiếp thay vì phải làm gia công như hiện nay” - ông Tô Hoài Nam khẳng định.

* Đồng Nai tích cực chuẩn bị

Đối với Đồng Nai, EU là một trong 4 thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, chiếm 2,5 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, EU hiện có 28 nước nhưng hiện các doanh nghiệp Đồng Nai mới tập trung khai thác ở một số thị trường như: Pháp, Đức, Anh, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Hà Lan. Còn lại các nước khác trong khối thì kim ngạch thương mại hai chiều không cao.

Các doanh nghiệp ở Đồng Nai hiện đang xuất khẩu nhiều nhóm hàng dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, xơ sợi dệt, thiết bị máy móc, phụ tùng, điện tử và linh kiện... vào thị trường EU. Khi hiệp định có hiệu lực, hầu hết các doanh nghiệp đều kỳ vọng tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này.

Để đồng hành cùng DN, tỉnh và các sở, ngành sẽ tích cực thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi cho xuất khẩu. “Năm 2020, ngành hải quan tiếp tục cải cách hành chính, tăng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại cho DN. Ngành hải quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan kiểm tra chuyên ngành, thực hiện đổi mới phương pháp kiểm tra, giảm thời gian thông quan hàng hóa” - Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai Phùng Thị Bích Hường cho biết.

Tương tự, việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với các thị trường trọng điểm, nhất là EU cũng được chú trọng. Trong bối cảnh xuất khẩu đang chậm lại, muốn đạt kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu của năm, tỉnh sẽ hỗ trợ giao thương giữa các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp và nhà phân phối, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, lợi thế thương mại cho một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu.

“Bên cạnh xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường mới thì các thị trường đã ký các thỏa thuận thương mại tự do như EU với EVFTA sẽ được chú trọng nhằm tận dụng tốt các cơ hội “mở cửa” của nước ngoài và lộ trình cắt giảm thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa” - Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc cho hay.

Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng liên hệ với tham tán thương mại các nước mà tỉnh có giao thương để có những thông tin kịp thời về chính sách mới, dự báo nhu cầu của từng thị trường trong ngắn hạn, dài hạn. Từ đó cho DN biết thông tin và chủ động lên kế hoạch, điều chỉnh sản xuất cho phù hợp để đáp ứng các yêu cầu của khách hàng.

Cùng với xuất khẩu, ở chiều ngược lại, Đồng Nai sẵn sàng để đón “sóng” đầu tư từ châu Âu. Thời gian qua, nhiều tập đoàn, DN lớn của châu Âu đã về Đồng Nai tìm hiểu cơ hội hợp tác. Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh khẳng định Đồng Nai sẽ là một trong những nơi đón nhiều “làn sóng” đầu tư nhất, đặc biệt khi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động giai đoạn 1. Lợi thế lớn của Đồng Nai là về hạ tầng giao thông hoàn thiện, gần TP.Hồ Chí Minh, lại có hệ thống khu công nghiệp lớn, nhiều DN hoạt động, tạo điều kiện hợp tác giữa các DN trong và ngoài nước. Không chỉ vậy, tỉnh thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các DN để tìm hiểu những khó khăn và tháo gỡ kịp thời để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202002/chau-au-thong-qua-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-va-hiep-dinh-bao-ho-dau-tu-giua-viet-nam-eu-mo-cua-thi-truong-500-trieu-dan-2988563/