Mở cửa lại lễ hội: Đừng chống dịch trên lý thuyết

Chúng ta thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội vừa đảm bảo phòng chống dịch tốt. Vì vậy trước hết cần kêu gọi ý thức trách nhiệm, tính tự giác của mỗi cá nhân khi tham gia lễ hội là điều kiện tiên quyết, bởi chỉ khi mỗi cá nhân tự ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân trước dịch bệnh thì những quy định của cơ quan chức năng đưa ra mới có tính khả thi cao.

 Du khách đi thuyền trên suối Yến vào vãn cảnh Chùa Hương, lễ Phật năm 2020. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Du khách đi thuyền trên suối Yến vào vãn cảnh Chùa Hương, lễ Phật năm 2020. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã cho phép các di tích, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được hoạt động trở lại trong bối cảnh đã kiểm soát được dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, không địa phương nào dám bảo đảm không có dịch xảy ra trên địa bàn của mình. Do đó, công tác phòng chống dịch trong lễ hội phải thật cụ thể, chi tiết, đề sẵn các kịch bản và thực hiện phương châm “phòng” hơn “chống”.

Sau nhiều ngày không có ca mắc COVID-19 mới tại Hà Nội, vừa qua lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đã đồng ý để các quận, huyện, nếu đủ điều kiện có thể mở cửa các di tích, cơ sở tôn giáo trở lại từ ngày 8/3.

UBND Thành phố yêu cầu, các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, đáp ứng nhu cầu tâm linh đầu năm của nhân dân cần có sự sắp xếp phù hợp về quy mô; khuyến khích các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, điểm nhóm tín ngưỡng tổ chức tập trung các nghi lễ dưới hình thức trực tuyến online, đồng thời chia nhỏ quy mô cuộc lễ, vừa bảo đảm sự tôn nghiêm vừa bảo đảm phòng, chống dịch.

Tại Bắc Ninh, UBND tỉnh cho phép các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, các di tích văn hóa-lịch sử, điểm du lịch tại tỉnh được hoạt động trở lại từ ngày 8/3. UBND tỉnh yêu cầu các sự kiện văn hóa chỉ được tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội và phải đảm bảo khoảng cách giữa 2 người tối thiểu 1 m.

UBND tỉnh Thái Bình chính thức cho phép các di tích, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh mở cửa trở lại từ 7h ngày 10/3. Tại các di tích, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch như: Lập trạm kiểm soát ghi nhật ký (họ tên, địa chỉ, số điện thoại của du khách); tổ chức phân luồng (lối vào, lối ra một chiều, bảo đảm khoảng cách…); yêu cầu du khách đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ dung dịch sát khuẩn tay ở những nơi thuận tiện cho du khách.

Tỉnh Bình Thuận cũng vừa có thông báo về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái “bình thường mới”. Theo đó, các hoạt động lễ hội, lễ nghi tôn giáo, hội chợ, hội nghị, hội thảo, hội thao... được phép tổ chức trở lại, nhưng phải thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch.

Từ ngày 11/3, tỉnh Quảng Ninh cho phép các cơ sở dịch vụ, du lịch, các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo và các cơ sở dịch vụ khác hoạt động trở lại. Tuy nhiên vẫn phải tiếp tục duy trì nghiêm quy trình, biện pháp phòng dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới khi đưa, đón khách tham quan.

Một lễ hội hàng năm thu hút nhiều người tham gia đó là từ ngày 13/3, Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) mở cửa trở lại phục vụ khách tham quan, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn huyện và du khách thập phương.

Để hoạt động tham quan, tín ngưỡng được an toàn, Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức, Hà Nội (Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương) cho biết đã xây dựng phương án cụ thể, chi tiết về đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn khi mở cửa trở lại.

Dễ nhận thấy, đi lễ hội để cầu an, cầu lộc, cầu may là nhu cầu tín ngưỡng chính đáng của người dân. Dịch bệnh với những diễn biến khó lường càng khiến người ta mong ước được khỏe mạnh, an lành. Song ở giai đoạn khi dịch chưa thực sự được kiểm soát triệt để, vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại, trong đó sự an toàn của cộng đồng trở thành ưu tiên số một thì có lẽ việc bảo đảm an toàn phòng dịch khi thực hành lễ hội cần được thực hiện nghiêm túc, thật sự có tính khả thi chứ không phải phòng chống dịch trên lý thuyết.

Ở các điểm lễ hội, thay vì cùng lúc đón một lượng khách lớn đổ tới, có thể có giải pháp để phân chia các nhóm khách, khống chế số khách vào di tích, nơi thờ tự ở từng thời điểm sao cho bảo đảm tốt nhất các nguyên tắc phòng dịch… Với các cá nhân có nhu cầu thực hành lễ hội cũng cần nâng cao ý thức phòng dịch. Chẳng hạn, thay vì đi vài ba gia đình như trước thì nay chỉ cần người đại diện đi lễ cho cả nhà; hoặc thay vì đi lễ đầu năm thì chờ tới thời điểm khác trong năm, khi tình hình dịch ổn hơn mới tiến hành. Việc đơn giản hóa, hy sinh những nhu cầu cá nhân vì lợi ích chung của cộng đồng trong lúc này cũng chính là thể hiện ý thức, trách nhiệm công dân đối với toàn xã hội.

Cần phải nói ngay rằng, mặc dù các đơn vị quản lý lễ hội đã bám sát những chỉ đạo của cơ quan chức năng về phòng chống dịch để đề ra quy định, nhưng đó mới chỉ là phòng chống dịch trên lý thuyết, còn thực tế diễn ra như thế nào thì vẫn cần có thời gian kiểm chứng.

Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận, một bộ phận không nhỏ người Việt là dễ bị ảnh hưởng, thậm chí bị “kích động” bởi tâm lý đám đông. Điều này xuất hiện rất rõ ở một số lễ hội trong thời gian gần đây. Mặt trái của tâm lý đám đông trong lễ hội là dễ lôi cuốn nhiều người hành động theo bản năng, thiếu kiểm soát, không thiếu những hình ảnh túm năm tụm ba khấn vái mà không chú ý giãn khoảng cách, thậm chí còn có những người còn đeo khẩu trang chưa đúng cách… Dẫn đến không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ nhiều người tụ tập trong một khoảng thời gian, không gian nhất định.

Có thể thấy, đó đây, tâm lý chủ quan đối với dịch bệnh ở một bộ phận người dân khi tham dự lễ hội vẫn đang tồn tại. Và không ai dám chắc, trong bối cảnh dịch bệnh đang phức tạp, vẫn ghi nhận các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, điều này không trở thành nguy cơ khiến tình hình có thể tệ hơn, gây khó khăn cho công tác truy vết, dập dịch. Bởi nếu có ca dương tính quay trở lại thì sẽ rất khó khăn, ảnh hưởng rất ghê gớm không chỉ với an sinh xã hội, các hoạt động sản xuất kinh tế, mà còn ở tâm lý người dân, đảo lộn việc học tập của học sinh, hoạt động của phụ huynh.

Chúng ta thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội vừa đảm bảo phòng chống dịch tốt. Vì vậy trước hết cần kêu gọi ý thức trách nhiệm, tính tự giác của mỗi cá nhân khi tham gia lễ hội là điều kiện tiên quyết, bởi chỉ khi mỗi cá nhân tự ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân trước dịch bệnh thì những quy định của cơ quan chức năng đưa ra mới có tính khả thi cao.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần đặc biệt siết chặt việc kiểm tra, xử phạt công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các di tích, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thuộc phạm vi quản lý. Nếu các địa điểm này không bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch thì yêu cầu tạm dừng hoạt động...

Như vậy, mặc dù tình hình dịch đã cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên các cấp, ban, ngành, cơ quan quản lý văn hóa và nhân dân không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt tuân thủ tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế. Đối với các đơn vị quản lý lễ hội cần chủ động xây dựng, thực hiện các kịch bản, sẵn sàng ứng phó với các tình huống, cấp độ dịch có thể xảy ra, để công tác bảo đảm toàn phòng dịch khi thực hành lễ hội không dừng lại ở trên lý thuyết./.

Đỗ Thoa

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/thoi-su/mo-cua-lai-le-hoi-dung-chong-dich-tren-ly-thuyet-576326.html