Mở cửa cho tư nhân đầu tư sân bay: Đâu là nút thắt?

Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng cho rằng, quan điểm của Nhà nước là phải phát triển bền vững các dự án cảng hàng không, nếu cứ cho làm tự do, nền kinh tế sẽ rơi vào khủng hoảng.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, một trong những minh chứng rõ nét về sự hiệu quả trong việc thu hút vốn đầu tư tư nhân vào các dự án cảng hàng không

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, một trong những minh chứng rõ nét về sự hiệu quả trong việc thu hút vốn đầu tư tư nhân vào các dự án cảng hàng không

Tính đến tháng 3/2019, Việt Nam có 22 cảng hàng không, trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế. Từ 2014 - 2018, cùng với Trung Quốc và Ấn Độ, hàng không Việt Nam thuộc nhóm các nước có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới.

Trong giai đoạn từ năm 2014 đến nay, lượng khách hàng không của Việt Nam đã tăng 103%, vượt qua con số 100 triệu lượt khách, tăng 20,5% mỗi năm.

Sự phát triển của ngành hàng không đã đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên, theo ông Đinh Việt Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet Air, năng lực của các cảng hàng không hiện nay vẫn đang thiếu hụt về hạ tầng, nhiều sân bay đang quá tải khi vượt qua công suất thiết kế.

Trong khi đó, so sánh với các nước trong khu vực, Thái Lan hiện có 70 triệu dân, 38 triệu khách du lịch quốc tế năm 2018 và 52 sân bay. Singapore có 6 triệu dân, 18 triệu khách du lịch với một sân bay duy nhất và họ đang tiếp tục xây một sân bay khác. Đáng chú ý, toàn bộ 21 sân bay của Việt Nam cộng lại mới bằng một sân bay lớn nhất tại BangKok (Thái Lan) hay Changi của Singapore, ông Phương cho hay.

TS. Lương Hoài Nam: Nên xây nhà ga T3 ở phía Nam để giải cứu sân bay Tân Sơn Nhất

Theo ông Lương Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Công ty Hàng không Ngôi Sao Việt, nhiều sân bay của Việt Nam đang quá tải nghiêm trọng. Đơn cử như tình trạng quá tải tại Sân bay Tân Sơn Nhất (TP. HCM) đã kéo dài nhiều năm nay chưa được khắc phục.

Hay như Sân bay Nội Bài (Hà Nội) với công suất dự tính khoảng 20 triệu khách, tuy nhiên trong năm 2018 sân bay này đã đón tới 25 triệu lượt khách.

Sân bay Đà Nẵng cũng trong tình trạng tương tự, nhà ga số hai của sân bay này vừa xây xong đã chạy hết công suất. Quy hoạch cho Sân bay Đà Nẵng trong 10 năm nữa cũng cần được đề ra và tìm hướng kết nối với Sân bay Chu Lai (Quảng Ngãi).

Trong khi đó, theo ông Nam, những giải pháp xây dựng mới, mở rộng các sân bay vẫn đang được tranh luận, chờ Chính phủ phải quyết. "Tôi lo lắng cho Sân bay Long Thành khi thủ tục hành chính vẫn đang chậm trễ, chưa biết khi nào mới có thể triển khai", ông Nam nhấn mạnh.

"Tư nhân xây sân bay Long Thành cần chưa tới 10 năm"

Trước thực trạng quá tải các sân bay tại Việt Nam, đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Phó tổng giám đốc Vietjet Air Đinh Việt Phương cho rằng, Chính phủ cần có quy hoạch, đánh giá lại để xây dựng các giải pháp cho tình trạng cấp bách về ách tắc hạ tầng giao thông, cảng hàng không hiện nay.

Trong đó, vai trò của doanh nghiệp tư nhân cần được thúc đẩy hơn nữa trong lĩnh vực hàng không, đầu tư xây dựng sân bay, cơ sở hạ tầng.

Ông Phương lấy ví dụ như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn do tư nhân đầu tư, thời gian triển khai rất nhanh, chưa đến hai năm đã có thể hoàn thành. Các doanh nghiệp tư nhân đã làm thay đổi cả năng lực cạnh tranh và khai thác tại các sân bay.

Do đó, Chính phủ cần rà soát quy hoạch, hiện trạng xây dựng; kêu gọi các khối tư nhân đầu tư một phần hoặc toàn bộ hạ tầng sân bay; kiện toàn pháp lý tạo môi trường bình đẳng cho các khối kinh tế.

Qua đó, lập quy hoạch phát triển dài hạn hế thống cảng hàng không, nâng tầm chiến lược quốc gia, xây dựng được những cảng hàng không có chất lượng dịch vụ, cạnh tranh tốt trong khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nói về khởi nghiệp

Đáng chú ý, tại phiên đối thoại cấp cao với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019, ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đề nghị Chính phủ, Thủ tướng trao nhiệm vụ cho khu vực tư nhân tham gia vào các dự án xây dựng hạ tầng giao thông như Cảng hàng không Long Thành.

"Nếu Chính phủ giao cho khối tư nhân, tôi tin chắc rằng các doanh nghiệp này sẽ thực hiện dự án trong không phải 30 năm mà sẽ dưới 10 năm. Đây là nỗ lực mà khối doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng nhận nhiệm vụ với Chính phủ", ông Bình nói.

Phản hồi đề xuất để các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào hạ tầng hàng không, theo ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đầu tư cho giao thông rất tốn kém, cần phải huy động các nguồn vốn xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ. Những năm qua, bộ đã huy động vốn tư nhân đầu tư cho giao thông rất lớn như việc Sungroup đầu tư xây mới Sân bay quốc tế Vân Đồn.

Nhấn mạnh chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không, ông Thể khẳng định, bộ đang kêu gọi xây dựng Sân bay Sa Pa (Lào Cai), Sân bay Lai Châu và Sân bay Nà Sản (Sơn La).

"Trong lĩnh vực hàng không, chúng tôi sẵn sàng mời gọi nhà đầu tư. Đối với dự án Sân bay quốc tế Long Thành, hiện đã có một tập đoàn quan tâm đầu tư. Theo nghị quyết Trung ương, Sân bay Long Thành sẽ đầu tư theo hình thức PPP. Nhà nước chỉ bỏ vốn giải phóng mặt bằng và một số hạng mục hạ tầng, phần còn lại sẽ huy động vốn xã hội. Chính phủ đang giao cho bộ và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước huy động các nguồn vốn xã hội tham gia dự án", ông Thể cho biết.

Về vấn đề này, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không cũng cho rằng, thực tế trong thời gian qua Chính phủ đã đẩy mạnh, tạo điều kiện cho tư nhân tham gia vào phát triển các cảng hàng không. Tuy nhiên, bên cạnh cơ chế khuyến khích doanh nghiệp cũng phải có các hành lang pháp lý đầy đủ.

Quan điểm của nhà nước là phải phát triển bền vững, bao gồm cả những dự án phát triển cảng hàng không. Nếu cứ làm tự do, nền kinh tế sẽ rơi vào khủng hoảng. Ngoài ra, phát triển hàng không cũng cần có các tư vấn nước ngoài với tầm nhìn khách quan và dài hạn, ông Thắng nhận định.

Thu Phương

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/mo-cua-cho-tu-nhan-dau-tu-san-bay-dau-la-nut-that-1556812899832.htm